Tuy nhiên, không phải dư luận và chính giới các nước thành viên mới nào cũng phấn khởi. Không phải nước thành viên cũ nào cũng lạc quan vào tương lai của EU mới. Tạp chí L'Express số trung tuần tháng 5 đặt ra câu hỏi cho 25 thành viên và lý giải.
- "Châu Âu cường quốc" phải chăng là điều không tưởng?
- Khái niệm này do Pháp đưa ra và bị nhiều nước cho là không hiện thực. Đối với Pháp, trong một thế giới đa cực, điều thiết yếu là châu Âu cần trở thành một đối trọng trước "siêu cường" Mỹ. Trong cách nhìn nhận của Pháp, một vị Chủ tịch Hội đồng châu Âu ổn định và một vị Bộ trưởng Ngoại giao sẽ tạo cho châu Âu diện mạo mới. Hơn nữa, bản Hiến pháp tương lai có thể được thông qua tại Brussels ngày 17 - 18/6 tới sẽ khích lệ công cuộc xây dựng nền quốc phòng châu Âu, với sự ra đời của một Cơ quan kiểm soát vũ khí. Tuy nhiên, dư luận các nước thành viên nhỏ có muốn như vậy không? Nhiều nước trong số này tin rằng EU cũng sẽ chỉ như "một nước Thuỵ Sĩ lớn" sẵn sàng phó mặc an ninh cho Mỹ mà thôi.
- EU 25 có đuổi kịp Mỹ không?
- Cách đây 4 năm, EU đưa ra "Chiến lược Lisbon" nhằm xây dựng một nền kinh tế có sức cạnh tranh mạnh nhất và năng động nhất thế giới. Nhưng bước khởi đầu đã không suôn sẻ. Báo cáo mới đây nhất của Uỷ ban châu Âu (EC) thừa nhận trong các cuộc cải cách và đầu tư thuộc trách nhiệm của các nước thành viên, có "nhiều chậm trễ" trong các lĩnh vực nghiên cứu, giáo dục và tính cạnh tranh của các doanh nghiệp, lực lượng lao động lão hoá nhanh chóng. Nói rõ hơn là các nhà nước có lỗi. Chi phí nhà nước của EU 25 trong công tác nghiên cứu chỉ chiếm chưa đầy 2% GDP và trong giáo dục chưa đến 5% (so với 2,7% và 5,1% ở Mỹ). Nếu mức tăng trưởng của các nền kinh tế EU 25 dự kiến là 4% trong năm nay, tức gấp đôi EU 15 và tương đương Mỹ, thì trái lại, tỷ lệ thấp nghiệp tăng gần gấp đôi (14% so với 8% của EU 15 và 5,5% của Mỹ) và thâm hụt ngân sách tăng gần 6% (so với 2,6% của EU 15 và 4,5% của Mỹ).
- Châu Âu có sức nặng không?
- Với 455 triệu dân, EU 25 chiếm 7,3% dân số thế giới và là vùng đất lớn thứ ba thế giới về dân số, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Nhưng đó lại là một châu lục đang già đi. Số dân dưới 15 tuổi chỉ chiếm 16,8% tổng dân số. GDP đạt 9.600 tỷ euro, chiếm 28% tổng của cải thế giới, trong khi GDP của Mỹ vượt quá mức 11.000 tỷ euro. EU 25 chiếm gần 20% thương mại thế giới, so với 26% của Mỹ. Xuất khẩu của EU 25 hiện nay đạt 903 tỷ euro và nhập khẩu là 943 tỷ euro. Thương mại giữa các nước thành viên cộng đồng với nhau chiếm khoảng 66% tổng giá trị trao đổi thương mại của EU 25. Châu Âu có ít ôtô hơn Mỹ (46/100 so với 75/100), ít máy tính cá nhân hơn (31 so với 66), nhưng có nhiều điện thoại di động hơn (74 so với 49).
- Châu Âu có hoạt động tốt không?
- Có lẽ không. Tuyên bố về tương lai Liên minh châu Âu mới đây được đưa ra tại Brussels kêu gọi đơn giản hoá hoạt động của các thể chế này, phân chia chức năng đồng đều hơn, minh bạch, dân chủ và hiệu quả hơn. Thoả hiệp đạt được, với việc một chính phủ từ chối và một vai trò rộng rãi hơn dành cho lĩnh vực hợp tác liên chính phủ, sẽ không xoá bỏ được những mập mờ của các thể chế mới. Với EU 25 thành viên, các tổ chức như Uỷ ban châu Âu có nguy cơ bị tê liệt.
- Châu Âu có phải là một người khổng lồ quan liêu không?
- Sau khi mở rộng, số nhà nước thành viên EU tăng 67%, số ngôn ngữ chính thức tăng 82%, nhưng số viên chức của toàn bộ các cơ quan của EU chỉ tăng hạn chế ở mức dưới 20%. Từ nay đến năm 2010, khoảng 6.000 công dân của 10 nước thành viên mới sẽ gia nhập đội quân 33.000 viên chức hiện nay. Trong số đó, 3.400 sẽ làm việc trong Uỷ ban châu Âu, cơ quan hiện có tới 23.000 viên chức. Sẽ có 830 người gia nhập đội quân dịch thuật hiện đã đông tới 1.300 người, với khối lượng công việc sẽ tăng từ 1,5 lên 2,4 triệu trang tài liệu mỗi năm và số 450 phiên dịch viên và nhiều người làm các công việc khác có liên quan. Hoạt động của các thể chế châu Âu ngốn 5,5% ngân sách của cộng đồng, tức 5,3% tỷ euro trong năm 2004. Sau khi EU mở rộng, chi phí cho hoạt động dịch vụ ngôn ngữ sẽ vào khoảng 2,2 euro/công dân EU/năm so với 2 euro như hiện nay.
- Các nghị sĩ châu Âu có tiêu tốn quá không?
- Các nghị sĩ châu Âu, với số lượng sẽ tăng từ 626 lên 732, vẫn chưa được hưởng một quy chế đồng nhất. Do vậy, lương của họ vẫn được tính theo lương các nghị sĩ nước họ. Từ đó, mức khác biệt - từ 2.500 euro/tháng đối với các nhà lập pháp Tây Ban Nha đến hơn 12.000 euro đối với các nghị sĩ Italy vốn là người được trả lương hậu hĩnh nhất - sẽ tăng sau khi EU mở rộng. Hội đồng Bộ trưởng EU năm 2000 đã dự kiến mức lương bằng mức trung bình so với lương của các nghị sĩ, tức hơn 7.000 euro. Tháng 1/2004, Đức, Pháp, Áo và Thuỵ Điển đã không chấp thuận đề nghị của các nghị sĩ cố định mức lương mỗi tháng trong khoảng 8.500-9.000 euro, tức bằng 1/2 lương cơ bản của một thẩm phán làm việc tại Toà án châu Âu. Vấn đề này sẽ lại được đưa ra thảo luận sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu tháng 6/2004. Chắc chắn đây sẽ là dịp một số không nhỏ nghị sĩ lại tố cáo mức chi phí quá cao - 200 triệu euro/năm - để duy trì 3 nơi làm việc của Nghị viện (Brussels, Luxembourg và Stratsbourg).
- Châu Âu liên bang có thui chột không?
- Không ai, hầu như không còn ai nói đến Hợp chủng quốc châu Âu nữa. Hiệp ước Roma thiết lập Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) kêu gọi "luôn đoàn kết chặt chẽ hơn nữa". Dự thảo Hiến pháp châu Âu hiện nay không còn nhắc đến việc "nhân dân các nước quyết tâm vượt qua sự chia rẽ trước đây để đoàn kết xây dựng vận mệnh chung". Bây giờ đã khác rồi. Những nước không tin vào EU, như Đan Mạch và Anh, sợ rằng cách gọi cũ sẽ tạo cơ sở cho một nhà nước châu Âu. Hiến pháp châu Âu, vốn là hệ quả của một sự thoả hiệp, sẽ có tính hợp pháp đối với công dân cũng như các nước. Dự án bầu một tổng thống châu Âu qua phổ thông đầu phiếu trực tiếp cũng bị gạt bỏ.
- Châu Âu 25 hay 25 châu Âu?
- Châu Âu 25 đang tồn tại. Trong liên minh, một số nhà nước tham gia khối Schengen hoặc khu vực đồng euro. Hiệp ước Nice dự tính khả năng về hợp tác cơ cấu trong mọi lĩnh vực, trừ quốc phòng. Giờ đây, hạn chế đó không còn nữa và mọi vấn đề đều có thể hợp tác được. Nghị sĩ Pierre Lequiller, đại diện Quốc hội Pháp tại Công ước về Tương lai châu Âu, cho rằng, cần phải thành lập nhóm tiên phong về quốc phòng như cách làm với đồng euro, mà không cần có sự tham gia của Anh, Thuỵ Điển và Hy Lạp. Song, các chính phủ vẫn nghi ngại về hợp tác quốc phòng. Nhiều nước Đông Âu còn ngần ngại, nhưng nếu nhóm tiên phong được thành lập thì các nước này cũng không muốn bị đứng ngoài.
- Sau "châu Âu kiểu Pháp", liệu có "châu Âu kiểu Anh" không?
- Trong một thời gian dài, châu Âu được nhìn nhận và xây dựng như một sự nối dài ảnh hưởng của Pháp. Đối với chính sách nông nghiệp chung hay viện trợ phát triển cho châu Phi, tiền của châu Âu được dùng như chất kích hoạt cho chính sách của Pháp. Hiện nay, nhãn quan châu Âu của Pháp không còn nữa và những ý tưởng mới của Anh đang chiếm ưu thế. Tuy phản đối Hiệp ước chung ký năm 1985, song Margaret Thatcher rút cuộc vẫn thắng. Thị trường chung lại mang tư tưởng tự do. Nhân danh cạnh tranh tự do, nhà nước quốc gia ngày càng có ít đòn bẩy để can thiệp vào lĩnh vực kinh tế. Châu Âu xã hội, vốn được Pháp ưu ái, thực tế chỉ còn là một khẩu hiệu suông. Những khái niệm thịnh hành ở Brussels được gọi là lãnh đạo tốt, linh hoạt, tự do hoá dịch vụ công cộng... Các nước Đông Âu vốn tin vào chủ nghĩa tư bản đã vấp phải thái độ ngạo mạn của Jacques Chirac (người cho rằng "họ đã mất đi một cơ hội tốt để im lặng" khi nói về Iraq tháng 2/2003), nhưng lại được Tony Blair chấp thuận, do đó sẽ giúp Anh có được một ảnh hưởng lớn.
- Châu Âu có nói tiếng Anh không?
- Quy định tồn tại song hành với thông lệ. Từ năm 1958, luật pháp cộng đồng bắt buộc phải được soạn thảo bằng tất cả các ngôn ngữ chính thức, với số lượng tăng từ 11 lên 20 vào ngày 1/5/2004. Trên thực tế, hiện nay có hơn 55% tài liệu của Uỷ ban được viết lúc đầu bằng tiếng Anh, dưới 30% bằng tiếng Pháp và 5% bằng tiếng Đức. Thuỵ Điển, Phần Lan và Áo gia nhập EU năm 1995 đã làm giảm việc sử dụng tiếng Pháp và với việc mở rộng EU, thì tiếng Pháp chắc chắn sẽ còn mất thêm chỗ đứng. Trong các cuộc thi tuyển công chức châu Âu ở 10 nước thành viên mới, 60% chọn tiếng Anh như ngoại ngữ hai, 20% chọn tiếng Đức, 12% chọn tiếng Pháp. Tại Ba Lan và CH Czech, chỉ có 3% số học sinh học tiếng Pháp, cứ 3 học sinh thì có 2 học tiếng Anh, cứ 2 học sinh Séc và 3 học sinh Ba Lan thì có một học tiếng Đức. Muốn cứu vãn tiếng Pháp, chính phủ Pháp đã chu cấp chi phí đào tạo trong 2 năm cho 3.500 công chức của 10 nước thành viên mới. Đại diện thường trực của Pháp bên cạnh EU, Pierre Sellat, cho rằng nếu EU không làm việc bằng tiếng Pháp nữa thì tiếng Pháp sẽ chết hẳn trên thế giới.
- Châu Âu có khẳng định được cội rễ Thiên Chúa giáo của mình không?
- Đó là một trong những cuộc tranh luận gay cấn nhất trong Công ước châu Âu. Phần mở đầu có cần nói đến Chúa trời hay "di sản Thiên chúa giáo" mà bỏ qua những đóng góp của Do Thái giáo và Hồi giáo vào lịch sử châu lục không? Phái Dân chủ - Thiên Chúa giáo ở Đức, đại diện của Ba Lan, Italy, Tây Ban Nha, với sự hỗ trợ của Giáo hội và Toà thánh Vatican, muốn như vậy. Nước Pháp thế tục (kể cả phái hữu lẫn phái tả) và Bỉ phản đối. Các bên đi đến thoả hiệp là ghi vào đó "di sản văn hoá, tôn giáo và nhân văn". Hơn nữa, điều khoản 51 thừa nhận quy chế quốc gia của các nhà thờ - từ đó sẽ hạn chế khả năng sử dụng pháp lý trước Toà án nhân quyền châu Âu. Một cuộc tranh luận khác là liệu việc mở rộng có làm tăng ảnh hưởng của Roma hoặc thúc đẩy nhanh quá trình phi Thiên Chúa giáo đang thịnh hành ở phía tây hay không? Tại Malta, luật pháp cấm ly hôn. Tại Slovenia và Litva, giáo hội Thiên Chúa giáo thúc giục phải đưa Cơ đốc giáo trở lại nhà trường; còn ở Ba Lan, khả năng phá thai bị hạn chế.
- Châu Âu 25 có khiến các quốc gia phá sản không?
- Với những chương trình hỗ trợ các nước Đông và Trung Âu bắt đầu từ năm 1990, rồi viện trợ cho chuẩn bị gia nhập, đến hết năm 2006, EU cấp cho 10 nước Đông Âu tổng cộng 29,3 tỷ euro. Nếu tính cả chi phí từ ngân sách cộng đồng dành cho các nước này với tư cách là nhà nước thành viên từ ngày 1/5/2004 đến ngày 31/12/2006, thì tổng số viện trợ sẽ lên tới 69,5 tỷ euro, chiếm 0,85% GDP hàng năm của EU 15. Số tiền đó xem ra có vẻ không đáng là bao so với các khoản mà Đức chuyển giao cho các vùng Đông Đức mới - khoảng 1.250 tỷ euro từ năm 1991 đến năm 2003. Trong chương trình 2007-2013, số viện trợ của Brussels cho 10 nước Đông Âu cũ sẽ vào khoảng 220-250 tỷ euro. Tuy nhiên, số ngân sách của châu Âu trong 7 năm đó vẫn chưa phải là cố định. Uỷ ban châu Âu đề nghị mức cao nhất cũng chỉ bằng 1,24% GDP của EU, như hiện nay, nhưng 6 nước thành viên giàu và đóng góp nhiều - Pháp, Đức, Anh, Hà Lan, Áo, Thuỵ Điển - đã thông báo sẽ không đóng góp quá mức 1%.
- EU 25 có khả năng thực hiện Chính sách nông nghiệp chung (PAC) không?
- Nông nghiệp là lĩnh vực quan trọng duy nhất thực sự được "cộng đồng hoá". Điều đó giải thích tại sao năm nay lĩnh vực này vẫn ngốn tới 46% chi phí của EU, tức 45 tỷ trong tổng số 97 tỷ euro. Tại Hội nghị thượng đỉnh tháng 10/2002, đề nghị của Pháp được chấp thuận, theo đó, số tín dụng dành cho PAC - trong đó Pháp được nhận hơn 22% - được duy trì đến năm 2013; và để thuyết phục Đức, Pháp chấp nhận được đưa lên mức cao nhất hay gần như mức của năm 2006. Từ đó đến nay, PAC đã được cải cách để duy trì khoản tín dụng đó. Trong lĩnh vực này, EU 15 tỏ ra rộng lượng có mức độ đối với các thành viên mới vì năm 2004, mỗi nông dân của những nước này chỉ nhận 25% mức viện trợ cho mỗi nông dân của EU 15, rồi 30% vào năm 2005, 35% vào năm 2006 để dần dần đạt tỷ lệ ngang bằng từ năm 2013.
- EU mở rộng có phải là nguy cơ đối với việc làm của EU 15 không?
- Uỷ ban châu Âu cho rằng nỗi lo sợ của người lao động từ 10 nước thành viên mới sẽ ồ ạt tràn sang là thái quá. Trước hết, hiệp ước gia nhập cho phép hạn chế việc tự do đi lại của nhân công trong một thời hạn tối đa là 5 năm và có thể tăng lên 7 năm với một số điều kiện. Đây là một khả năng mà EU 15 quyết định thực hiện triệt để. Thứ hai, theo một công trình nghiên cứu hồi tháng 2/2004, mỗi năm chỉ có khoảng 220.000 người - nghĩa là trong 5 năm chỉ khoảng 1% dân số trong độ tuổi lao động của các nước thành viên mới - có ý định chắc chắn sẽ sang làm việc tại Tây Âu. Cơ quan nghiên cứu tình hình kinh tế của Pháp đánh giá, về lâu về dài, con số này có thể vào khoảng 3 triệu. Hăng hái nhất là thanh niên thường không có bằng cấp. Về khả năng chuyển dịch sản xuất và dịch vụ sang phía đông, đây không phải là một vấn đề mới mẻ vì thương mại giữa EU 15 và các nước thành viên mới đã được tự do hoá từ đầu những năm 1990.
- EU 25 có giảm thuế không?
- Một quyết định về thuế phải được nhất trí thông qua. Như vậy không phải ngày một ngày hai mà đồng nhất được các chế độ thuế. Bởi lẽ mỗi nhà nước được quyền quy định phương thức đánh thuế đối với các doanh nghiệp. Cạnh tranh về thuế vốn đã quyết liệt sẽ còn quyết liệt hơn và mức thuế sẽ còn giảm nữa. Các nước tham lam nhất hiện nay là Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan, Bỉ và Italy, với mức thuế khoảng 33-35,4% lợi nhuận. Tại Litva, Slovakia, Hungary, mức thuế dao động trong khoảng 15-19%. Tại Estonia, mức thuế lại bằng 0. Latvia không đánh thuế lợi tức. Ở Ba Lan, CH Czech, Hungary, mức đánh thuế thu nhập tối đa là 40%, nhưng đang giảm. Tại Berlin, Thủ tướng Đức kêu gọi chống "phá giá thuế", song các nước thành viên mới không mảy may quan tâm, vì họ đang cần đầu tư nước ngoài. Còn Áo, vì lo ngại trước tình trạng chuyển dịch sản xuất ra nước ngoài, nên từ năm 2005 sẽ giảm thuế doanh nghiệp xuống còn 25%.
- EU 25 có là nguy cơ với đồng euro không?
- Mỗi nước thành viên mới có khuynh hướng gia nhập Liên minh tiền tệ châu Âu, nhưng theo nhịp độ mà họ muốn. Vả lại, không nước nào tỏ ra vội vã vì không ai muốn gặp rủi ro. Ngoài các tiêu chuẩn về tài chính công của Hiệp ước Maastricht, đồng tiền của các nước này phải giữ được biên độ dao động 15% so với đồng euro và tránh mọi sự phá giá. Dẫu sao, những diều kiện này có thể nghiêm ngặt hơn. Nếu mọi việc trôi chảy, các nước thành viên Đông Âu có ý thức nhất có thể sẽ giảm giá khu vực đồng euro vào thời kỳ 2008-2010. Trong khi chờ đợi, người Ba Lan có thể mua hàng bằng đồng euro ở những nơi chấp nhận điều đó, bắt đầu từ ngày 1/5/2004.
- Vùng nào giàu nhất? Vùng nào nghèo nhất?
- Trong EU 25, sự cách biệt sẽ ngày càng lớn. London là vùng giàu nhất của EU mở rộng, với GDP tính theo đầu người tương đương với 260% mức trung bình của EU. Sau đó đến Brussels (215%), Luxembourg (195%), Hamburg (170%) và Ile de France (165%). 6 vùng nghèo nhất đều năm ở Ba Lan (từ 29-33% mức trung bình). Trước khi mở rộng, 3 vùng của Hy Lạp và vùng Estrémadure của Tây Ban Nha đứng cuối bảng xếp hạng (dưới 55%). Trong số 10 nước Đông Âu, chỉ có các vùng Prague và Bratislava đứng trên mức trung bình của EU 15 (cụ thể là 135% và 102%). 2 vùng khác, trong tổng số 41 vùng, có GDP tính theo đầu người cao hơn 75% mức trung bình, một ở Hungary và một ở Síp.
- Nạn buôn lậu có bùng nổ không?
- Cơ quan chống buôn lậu châu Âu (OLAF) làm được việc gì - điều này còn tuỳ thuộc vào năng lực của các cơ quan quốc gia tương đương là người kiểm soát chủ yếu chi tiêu của Liên minh - trợ cấp nông nghiệp, viện trợ vùng - và thu thế để nộp vào két bạc nhà nước. Trong 10 nước thành viên mới, năm ngoái, OLAF đã xử lý 156 trường hợp buôn lậu hay gian lận thuế, trong đó 70% trường hợp liên quan đến viện trợ tiền gia nhập do EU cung cấp, 29 về thuế và 27 về buôn lậu thuốc lá. Brussels doạ sẽ không cung cấp cho các nước này tín dụng dành cho nông nghiệp nữa nếu họ không thành lập cơ quan thanh toán có khả năng kiểm soát và kiểm tra số tín dụng này.
- EU 25 có thích hợp cho nạn tội phạm có tổ chức không?
- Bắt đầu từ ngày 1/5/2004, EU 15 duy trì kiểm soát ở biên giới đối với những người đến từ 10 nước thành viên mới. Những nước này còn phải được chấp nhận trong không gian Schengen thì công dân của họ mới được tự do đi lại giữa các nước thành viên, trừ Anh và Ireland. Muốn vậy, các nước thành viên mới phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về độ tin cậy, đặc biệt phải đảm bảo an ninh ở biên giới ngoài cùng mới của Liên minh, và như vậy sẽ phải chờ đến hết năm 2006.
Tuy nhiên, nạn tội phạm có tổ chức không phải chờ đến khi EU mở rộng mới hình thành. Theo báo cáo năm 2003 của Interpol, hoạt động của các băng đảng người Litva, chủ yếu buôn lậu thuốc lá và ma tuý, làm tiền euro giả hay rửa tiền, đã bị phát hiện ở khắp nơi trong EU. Các băng đảng người Nga - tội phạm tài chính, gian lận quỹ, nhập cư trái phép - đặc biệt nổi cộm ở các nước Bắc Âu và vùng Baltic. Còn các băng đảng người Ba Lan - buôn bán xe hơi, buôn lậu - đã thành lập ở Đức các mạng lưới không phải người bản xứ. Tuy nhiên, các băng đảng người Albania mới là mối đe doạ lớn nhất với EU. Sự hợp tác giữa Interpol và cảnh sát các quốc gia lại chậm trễ.
- EU 25 có đồng lòng chống khủng bố không?
- Với 25 cũng như với 15 thành viên, EU rất cần hợp tác với nhau trong đấu tranh chống khủng bố, nhưng các cơ quan tình báo quốc gia lại không mặn mà lắm. Do không thống nhất được ý tưởng thành lập một cơ quan tình báo châu Âu nên Hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 3/2004 đã đưa ra 2 quyết định mang tính tượng trưng: đưa "điều khoản đoàn kết" vào Hiến pháp châu Âu và bổ nhiệm một Uỷ viên phụ trách đấu tranh chống khủng bố, ông Gijs de Vries, với nhiệm vụ phối hợp hoạt động trong toàn cộng đồng. Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng cam kết từ nay đến tháng 6/2004 thực hiện ở mỗi quốc gia các quyết định được đưa ra sau ngày 11/9/2001, cụ thể là lệnh bắt giữ châu Âu, cho đến nay vẫn chưa được áp dụng trong tất cả các nước thành viên, EU đã chuyển dịch biên giới ngoài cùng của mình và giảm kiểm soát bên trong, nhưng sẽ cho phép nâng cao chất lượng của các chính quyền quốc gia thành viên mới.
- Bệnh AIDS có trở thành mối đe doạ đối với EU 25 không?
- Tỷ lệ mắc AIDS ở EU 25 là 22/1 triệu người so với mức trung bình 25/1 triệu trong EU 15 hiện nay. Tỷ lệ đó là 0 ở Slovakia, 1 ở CH Czech và Slovenia, 23 ở Litva. Nếu như nguyên nhân truyền bệnh chủ yếu ở Tây Âu là quan hệ tình dục thì ở Đông Âu là ma tuý. Trong EU 25, số người chết do AIDS vào khoảng 6.500/năm. Sự phát triển của căn bệnh này đặc biệt đáng lo ngại ở Estonia, nhất là trong cộng đồng thiểu số người Nga, với 390 trường hợp trong năm 2000 và 1.474 trong năm 2001. Xu hướng hiện nay ở Trung và Đông Âu cũng như Trung Á cũng đang ở mức báo động.
- Sinh viên có lợi khi EU mở rộng không?
- Ở các nước thành viên mới, số người muốn sang một trong các nước EU 15 là thanh niên, có bằng đại học hay còn là sinh viên và số nữ muốn đi ngày càng nhiều. Trong 5 năm tới, khoảng 3% số nữ thanh niên trong độ tuổi từ 15 đến 24 có thể sẽ sang Tây Âu sinh sống và làm việc. Trong 10 nước thành viên mới, có tới 2/3 số thanh niên có thể tham gia trao đổi bằng một thứ tiếng khác (47% là tiếng Anh) và chỉ có 17% không biết ngoại ngữ so với 32% ở các nước thành viên mới. Trong khuôn khổ đó, gần 4.500 thanh niên Ba Lan, 2.500 thanh niên Czech và hơn 1.500 thanh niên Hungary đã được hưởng học bổng Erasmus trong 2 năm 2001 và 2002.
- EU 25 có thể trở thành thùng rác khổng lồ không?
- Các nước thành viên mới đã đưa pháp luật của cộng đồng vào luật pháp bảo vệ môi trường ở nước mình. Vấn đề còn lại là thực hiện những cam kết ở các vùng công nghiệp nặng gây ô nhiễm trước đây. Cho đến năm 2017, viện trợ đang được rót cho các nước tuỳ theo lĩnh vực và tùy theo từng nước. Nhưng chi phí sẽ rất tốn kém, dự kiến vào khoảng 50-80 tỷ euro. Từ nay tới năm 2006, 10% số tiền này sẽ do Brussels cung cấp. Dự án về an toàn hạt nhân bị các nước thành viên phong toả, song Uỷ ban châu Âu đã yêu cầu đóng cửa các lò phản ứng hay nhà máy có nguy cơ ở Latvia và Slovakia.
- Biên giới EU sẽ dừng lại ở đâu?
- Sau EU 25 sẽ đến lượt Croatia - nước đã được Uỷ ban châu Âu chấp thuận đơn xin gia nhập. EU 25 có thể sẽ khẳng định lại quyết định đó vào tháng 6/2004, Bulgaria và Romania đang thương lượng gia nhập EU và hy vọng được toại nguyện vào năm 2007 cho dù nhiều nước cho rằng như vậy hãy còn quá sớm. Chưa có lịch trình kết nạp đối với các nước Tây Balkans. Đơn xin gia nhập của Marốc đã bị bác bỏ. Cho dù Sylvio Berlusconi có nhắc đến việc gia nhập của Nga, Ukraina, Belarus và Israel, song các trường hợp này sẽ không được xem xét một cách nghiêm túc trong một tương lai nhất định. Israel và nhiều nhà nước xung quanh Địa Trung Hải trái lại có quan hệ với EU thông qua các hiệp định liên kết.
- Còn trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ thì sao?
- Liên minh châu Âu đã thừa nhận thiên hướng châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ. Mùa thu tới, Uỷ ban châu Âu phải thông báo các điều kiện đã được hội tụ đầy đủ chưa để xác định lịch trình thương lượng. Và tháng 12/2004, EU 25 sẽ phải đưa ra quyết định cuối cùng.
(Theo TTXVN)