Thông tin được ông Nguyễn Hồng Quế, Phó giám đốc Ban quản lý dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư Đồng Nai nói trong buổi làm việc với Bộ Giao thông Vận tải về tiến độ thực hiện cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu qua địa bàn, ngày 2/2.
Theo ông Quế, đến nay hai dự án thành phần cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu qua tỉnh Đồng Nai đã bàn giao khoảng 30 ha (13%), cơ bản hoàn thành công tác kiểm đếm (95,7%). Hiện, khó khăn nhất vẫn là công tác xác định nguồn gốc đất khi có 240 thửa đất vẫn chưa xác định được chủ.
Trong đó, dự án thành phần một có 117 thửa đất với gần 6 ha, và dự án thành phần hai có 123 thửa với hơn 12,5 ha. Đồng thời, nhiều hộ dân mua bán giấy tay, xây nhà trên đất nông nghiệp cũng khiến công tác xác minh, làm thủ tục đền bù cũng mất nhiều thời gian.
Đại diện Ban dự án giao thông 85 (Bộ Giao thông Vận tải), chủ đầu tư dự án thành phần 2 qua địa bàn Đồng Nai, cho rằng việc thiếu mặt bằng khiến tiến độ dự án hiện rất chậm, đặc biệt không có đường công vụ, không thể đưa máy móc vào thi công. Bên cạnh đó, nhiều khu vực có ống dẫn nước sạch cung cấp cho khu công nghiệp Nhơn Trạch hay đường dây cao thế, trung thế... cũng ảnh hưởng rất lớn tiến độ nếu không di dời sớm.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn nói cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu là dự án trọng điểm quốc gia, cần đẩy nhanh tiến độ dự án, bơm vốn đầu tư công vào để kích cầu phục hồi kinh tế. Do đó, chủ đầu tư và địa phương phải rà soát điểm nghẽn ở đoạn nào và có kế hoạch cụ thể để cơ quan này kiến nghị Chính phủ hay Quốc hội tháo gỡ. "Cần xác định rõ bao nhiêu cột điện phải di dời, vị trí ở đâu... hoặc đường ống nước cần di dời hay phải thay đổi thiết kế ban đầu để có hướng mở", ông Tuấn nói.
Đối với các hộ chưa bàn giao, địa phương phải rà soát, lên phương án và thỏa thuận sớm nhất, từ đó tranh thủ thời tiết đang là mùa khô, kết hợp với mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ. "Phải có phương án quyết liệt hơn, không thể đợi mặt bằng mãi. Bằng mọi biện pháp phải ngồi lại với nhau, thống nhất chi tiết từng kế hoạch, từng đầu việc", lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi nói tỉnh sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao các mặt bằng có sẵn cho đơn vị thi công. Về các trường hợp vắng chủ, ông yêu cầu Ban bồi thường tỉnh và huyện Long Thành phối hợp chặt chẽ, công bố công khai thời gian theo quy định, hết thời hạn sẽ thực hiện kiểm kê bắt buộc tại hiện trường. "Không thể vì số này mà ảnh hưởng chung cả dự án", ông Phi nói.
Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, sau khi phê duyệt phương án bồi thường, người dân nhận tiền, địa phương sẽ bàn giao ngay mặt bằng cho đơn vị thi công. Trường hợp người dân chưa đủ điều kiện xây nhà, tỉnh sẽ cho cơ chế tạm cư. "Sắp tới, để đẩy nhanh việc di dời, chính quyền sẽ cho người dân bốc thăm suất tái định cư trên giấy, khi nào hạ tầng xong thì giao cho người dân", ông Phi nói.
Khởi công giữa tháng 6/2023, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài gần 54 km, quy mô 4-6 làn xe, tùy đoạn tuyến, với tổng mức đầu tư hơn 17.800 tỷ đồng. Trong đó, đoạn một dài 16 km do tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư; đoạn hai dài 18,2 km do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ đầu tư đoạn 3 dài 19,5 km.
Đến nay đoạn thành phần 3 qua Bà Rịa - Vũng Tàu đã thành hình dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2025, trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn "rất chậm" do vướng công tác giải phóng mặt bằng.
Phước Tuấn