Ông Kiều: "Phần lớn địa phương đều có vi phạm về xăng dầu". |
- Xin ông đánh giá kết quả của cuộc kiểm tra này?
- Đợt thanh, kiểm tra này đã đem lại kết quả rất lớn là thu thập được đầy đủ số liệu về số cây xăng hoạt động trên địa bàn cả nước, hình thức vi phạm của các chủ kinh doanh nhiên liệu về đo lường, chất lượng sản phẩm... để từ đó nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý.
Những địa phương có số cơ sở vi phạm nhiều về đo lường là Yên Bái với 50% (11/22 cơ sở đã thanh tra), Bình Định 50% (19/38), Quảng Bình 48% (28/61)... với mức sai số khối lượng vượt mức cho phép từ 2% đến 20%.
Vi phạm về chất lượng điển hình là Đăk Lăk, 100% (12/12 cơ sở đã thanh tra), Bạc Liêu 75% (9/12), TP HCM 47% (9/19)... với hình thức chủ yếu là pha dầu hỏa vào xăng, pha xăng M83 với M92 và bán với giá cao.
- Thưa ông, các chủ cây xăng vi phạm đo lường chủ yếu bằng cách nào?
- Thủ đoạn phổ biến là sử dụng phương tiện đo không đạt yêu cầu, đặc biệt nghiêm trọng là việc xuất hiện khá nhiều những thủ đoạn ăn cắp khá tinh vi như sử dụng chíp điện tử từ xa để ăn cắp xăng, điển hình là tại Tây Ninh và TP HCM.
- Theo quy định, hàng năm các cây xăng đều chịu sự kiểm tra định kỳ, tại sao những thủ đoạn tinh vi trên lại chỉ bị phát hiện trong đợt thanh tra này?
Hiện nay, tổng số các đơn vị kinh doanh xăng dầu tại 58 tỉnh thành là trên 7.000 cơ sở với gần 22.000 cây xăng. Những địa phương có nhiều vụ vi phạm điển hình là Tây Ninh, Thái Nguyên, Bình Dương, Trà Vinh, Sơn La, Hưng Yên... Tổng số tiền phạt từ đợt thanh, kiểm tra này là gần 1,8 tỷ đồng. |
- Do những đợt kiểm tra trước đây đều được tiến hành trong những khoảng thời gian cố định nên nhiều cơ sở gian lận biết trước và tìm cách né tránh. Tuy nhiên, đợt thanh tra này chúng tôi tiến hành đột xuất nên mới "bắt tận tay" được.
- Làm thế nào để hạn chế tình trạng này?
- Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương hàng năm cần có những cuộc kiểm tra đột xuất nhằm vào những cơ sở đã vi phạm để tránh "đánh trống bỏ dùi". Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng phối hợp với các cơ quan có chức năng nghiên cứu việc niêm phong, kẹp chì vào những đường dẫn mà các cơ sở hay sử dụng gắn chíp điện tử để ăn cắp.
Ngoài ra, nếu cơ sở kinh doanh nào vi phạm nghiêm trọng, đoàn kiểm tra sẽ áp dụng những biện pháp xử lý thật nghiêm khắc. Thời gian tới, Nghị định 57 của Chính phủ về xử lý vi phạm trong lĩnh vực đo lường, chất lượng sẽ được sửa đổi theo hướng đưa các hành vi vi phạm gần với mức xử phạt tối đa hơn (20 triệu đồng đối với những vi phạm nghiêm trọng).
- Vậy, làm thế nào để người tiêu dùng có thể tự bảo vệ mình?
- Khi mua xăng, dầu, người mua nên có sự so sánh với những cây xăng khác. Nếu phát hiện gian lận, có thể cung cấp thông tin cho chi cục tiêu chuẩn đo lường và sở khoa học công nghệ các địa phương.
Ngày 2/11 tới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tổng kết đợt kiểm tra xăng dầu trên cả nước với sự tham dự của lãnh đạo tất cả 61 tỉnh, thành. Tại đây, Bộ sẽ trình bày giải pháp nhằm hạn chế tình trạng vi phạm về đo lường và chất lượng xăng dầu.
Ngọc Quang