Khi Carol tới nơi, cảnh sát thành phố Idaho Falls, bang Idaho, đã khoanh vùng căn nhà của Angie. Theo cảnh sát, Angie được phát hiện chết trong nhà sau khi không tới nơi làm việc vào ngày 13/6/1996. Trong căn hộ không có dấu hiệu dùng vũ lực đột nhập nhưng có sự giằng co. Thi thể thiếu nữ có vết cứa cổ, có biểu hiện bị xâm hại tình dục và xuất hiện mẫu ADN lạ.
Trong nhiều tháng, Carol đau buồn trước cái chết của con và khắc khoải chờ đợi kết quả điều tra, nhưng vụ án vẫn không tiến triển cho tới một năm sau.
Ngày 5/1/1997, Benjamin Hobbs - một người bạn của Angie, bị bắt giữ vì dùng dao đe dọa để hiếp dâm trong vụ án không liên quan. Do hành vi này khá giống tình tiết trong vụ án mạng của Angie, cảnh sát tập trung vào Hobbs. Tuy nhiên, sau một tháng điều tra, cảnh sát bỏ qua Hobbs và khởi tố Christopher Tapp (20 tuổi), cũng là bạn của Angie, về tội Giết người cấp độ I và Hiếp dâm.
Công tố viên cáo buộc trong lúc thẩm vấn, Tapp thừa nhận đã giữ Angie để cho Hobbs và kẻ thứ ba gây án. Điều này lý giải tại sao mẫu ADN trên người nạn nhân không trùng khớp với Tapp. Ngoài ra, công tố viên còn được một nữ nhân chứng cho biết từng nghe thấy Tapp và Hobbs nói về vụ án trong bữa tiệc. Theo nhân chứng này, Angie bị Hobb giết vì mâu thuẫn tiền ma túy đá.
Trước tòa, luật sư của Tapp đưa ra một số bạn bè làm chứng cho biết Tapp đã quan hệ với một cô gái vào tối hôm xảy ra án mạng. Nhân chứng nói nhớ rõ ngày tháng vì Tapp bị bạn gái bắt quả tang vào sáng hôm sau.
Phản bác, công tố viên giới thiệu một số nhân chứng khác để chứng minh bên bào chữa lẫn lộn ngày tháng. Kết thúc phiên tòa, Tapp bị kết án như cáo trạng vào tháng 5/1998, lãnh án chung thân.
Dù hung thủ bị kết tội, Carol vẫn chưa thấy thỏa mãn vì cho rằng án tử hình mới tương xứng tội ác của Tapp. Ngoài ra, vì ADN trên người con gái không khớp với Tapp và Hobbs, Carol tin rằng còn ít nhất một hung thủ khác đang tự do. Vì chuyện này, Carol thù hận Tapp do không hiểu tại sao anh ta không khai ra đồng phạm. Hy vọng tìm hung thủ của Carol sau đó bị dội cho gáo nước lạnh sau khi mẫu ADN lạ không cho kết quả trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia.
Vài năm sau, Carol được tặng chiếc máy tính cá nhân và lập tức tận dụng món quà này để tìm cách xác định hung thủ. Sau khi tìm được một công ty có thể xác định chủng tộc của mẫu ADN lạ, Carol thuyết phục cảnh sát gửi mẫu làm xét nghiệm. Kết quả cho thấy hung thủ 85% là người da trắng.
Biết rằng kết quả này chưa đủ, Carol tiếp tục dành nhiều giờ, đôi khi thức trắng đêm, để nghiên cứu về ADN. Nỗ lực của Carol đưa bà tới tiến sĩ Greg Hampikian, chuyên gia pháp y hàng đầu về ADN và nhà sáng lập tổ chức dự án Vô tội tại bang Idaho. Đây là lần đầu tiên người nhà nạn nhân làm việc với tổ chức vô tội tại Mỹ.
Tại thời điểm này, công nghệ ADN đã có bước tiến lớn. Với sự giúp đỡ của tiến sĩ Hampikian, Carol thuyết phục được cảnh sát thử phương pháp "xét nghiệm ADN gia đình" để tìm người có quan hệ huyết thống với hung thủ trong cơ sở dữ liệu tội phạm bị kết án của bang Idaho. Tuy vậy, sau hai năm kiện tụng qua lại, Carol bị chính quyền bang từ chối cho tiếp cận cơ sở dữ liệu tội phạm để thực hiện xét nghiệm dạng này.
Không bỏ cuộc, Carol và tiến sĩ Hampikian tiếp tục tải mẫu ADN hung thủ lên cơ sở dữ liệu ADN công khai của các trang web về phả hệ và tìm được một nhà làm phim có mẫu ADN tương tự. Người này từng tới thành phố Idaho Falls vào năm 1996, thậm chí từng làm phim ngắn về án mạng của một thiếu nữ. Tuy vậy, kết quả đối chiếu ADN trực tiếp sau đó loại trừ nghi phạm, cuộc điều tra lại trở về vạch xuất phát.
Dù biết hung thủ thật sự vẫn còn tự do, Carol vẫn chưa tin Tapp vô tội vì còn khả năng anh ta khống chế nạn nhân cho đồng phạm gây án. Lúc này, Carol nhớ ra còn có 9 cuộn băng ghi lại quá trình Tapp bị thẩm vấn. Bà rà soát với hy vọng tìm được manh mối mới.
Khi Carol xem hết 9 cuộn băng cũng là lúc bà không còn dám tin vào cáo buộc của cảnh sát với Tapp. Carol thấy qua mỗi lần thẩm vấn, câu chuyện của Tapp lại thay đổi. Từ chỗ khẳng định mình và Hobbs không liên can, Tapp sau đó khai được Hobbs nhờ nói dối để tạo chứng cứ ngoại phạm, cuối cùng lại thú nhận đã có mặt tại hiện trường khi Hobbs gây án. "Họ đặt câu hỏi cho Tapp nhưng lập tức lại đưa ra câu trả lời", Carol nói.
Theo Carol, khi biết mẫu ADN lạ không phải của Tapp và Hobbs, cảnh sát hối thúc Tapp nêu tên đồng phạm để được giảm án. Lần lượt, cảnh sát gợi ý tên của hai nghi phạm và Tapp đều đồng ý, nhưng xét nghiệm cho thấy hai người không phải chủ nhân mẫu ADN lạ. Bị thúc ép, Tapp tiết lộ cái tên "Mike" nhưng nói không biết người này vì là bạn riêng của Hobbs. Chi tiết này khiến Carol cho rằng Tapp nhiều khả năng đã tưởng tượng ra cái tên "Mike" chỉ để thoát khỏi cuộc thẩm vấn.
Năm 2013, Carol liên hệ với chuyên gia nghiên cứu lời nhận tội sai sự thật. Ý kiến của chuyên gia sau khi xem băng ghi hình thẩm vấn xác thực niềm tin của Carol. Theo chuyên gia, cảnh sát đã dùng đòn tâm lý để khiến Tapp tin rằng mình đang dồn nén ký ức kinh hoàng sau khi gây án. Để giúp Tapp "nhớ lại" cách gây án, cảnh sát cho anh ta xem ảnh hiện trường hoặc hỏi câu hỏi dẫn dắt. Nếu cảm thấy Tapp không hợp tác, cảnh sát sẽ mang án tử hình ra đe dọa.
Carol tuyên bố trước công chúng rằng bà tin rằng Tapp không liên quan tới cái chết của con gái. Người phụ nữ từng muốn Tapp nhận án tử hình bỗng chốc trở thành người có niềm tin mạnh mẽ nhất vào sự vô tội của anh ta.
Năm 2016, luật sư của Tapp đệ đơn yêu cầu hủy án với lập luận lời thú tội của Tapp xuất phát từ việc thân chủ bị cưỡng ép. Ngoài ra, luật sư cũng chỉ ra một số tình tiết mà Tapp khai không phù hợp với hồ sơ vụ án. Ví dụ, Angie được xác định vẫn chơi cùng bạn bè vào lúc 0h30 ngày hôm đó, bàng quang nạn nhân rất đầy nước, chứng tỏ đã ngủ được vài tiếng, nhưng Tapp khai vụ án xảy ra vào khoảng 1h, chỉ cách thời điểm nạn nhân còn sống 30 phút.
Trước sức ép của Carol, luật sư, cùng viễn cảnh cuộc chiến pháp lý kéo dài, công tố viên đề xuất xóa tội Hiếp dâm, giữ nguyên tội Giết người, Tapp sẽ nhận án bằng thời gian đã ngồi tù và sẽ có cơ hội được minh oan nếu sau này tìm được hung thủ thật sự. Dù nhiều người khuyên can, Tapp chấp nhận thỏa thuận vào năm 2017 vì quá mong được tự do sau 20 năm trong tù.
Cùng năm ấy, người phụ nữ từng ra tòa làm chứng rằng đã nghe thấy Tapp và Hobbs bàn luận về vụ án mạng xin rút lại lời khai ban đầu. Chị ta nói bị cảnh sát dọa khởi tố tội dùng ma túy nên chấp nhận làm chứng chống lại Tapp. Khi thấy khó nhớ các sự kiện trong lúc tập luyện lời khai, chị ta được cảnh sát trấn an rằng đó là do dùng ma túy.
Dù Tapp đã được tự do, Carol biết công việc chưa hoàn thành vì anh ta vẫn mang thân phận kẻ giết người. Sau khi biết về công nghệ ADN phả hệ mới, Carol thuyết phục phòng cảnh sát thành phố hợp tác với chuyên gia phả hệ học để xét nghiệm mẫu ADN lạ. Hay tin chuyên gia từ chối vì chất lượng mẫu ADN đã quá giảm sút, Carol lại chủ động liên lạc để cầu xin chuyên gia tiếp nhận vụ án.
Sau khi tái tạo bộ ADN hoàn chỉnh từ mẫu tại hiện trường, chuyên gia xác định được họ hàng xa của chủ nhân mẫu ADN trong cơ sở dữ liệu phả hệ và lập ra cây gia phả. Bằng phương pháp loại trừ, chuyên gia sau đó tìm ra nghi phạm Brian Leigh Dripps - người từng sống đối diện với nhà nạn nhân vào thời điểm xảy ra vụ án.
Ngày 15/5/2019, Dripps bị bắt giữ sau khi kết quả giám định cho thấy là chủ nhân mẫu ADN lạ trên người nạn nhân. Bị thẩm vấn, Dripps thừa nhận tội trạng và cho biết gây án một mình, bản thân hoàn toàn không quen biết Tapp.
Với chứng cứ mới, luật sư của Tapp một lần nữa yêu cầu tòa án giải oan hoàn toàn cho thân chủ và được đáp ứng vào tháng 7/2019. Tapp cuối cùng cũng trở thành người tự do với hồ sơ trong sạch.
Sau khi được minh oan, Tapp nói rất biết ơn mọi người và đặc biệt là Carol vì bà như người mẹ thứ hai. Nếu không phải nhờ sự kiên trì và thúc đẩy của Carol, Tapp sẽ không bao giờ được tự do như ngày hôm nay.
Quốc Đạt (Theo The New York Times, BBC, Innocence Project)