Ngoài lý do căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng, việc Trung Quốc đẩy nhanh khả năng tự chủ các lĩnh vực chiến lược khiến ngành công nghệ nước này trải qua một năm đầy "sóng gió". Trong năm tới, chính quyền Trung Quốc được cho sẽ còn có nhiều quy định chặt chẽ hơn đối với ngành công nghệ, nhằm duy trì vị thế kinh tế.
Xáo trộn ngành bán dẫn
Dưới áp lực từ phía Mỹ, chính quyền Trung Quốc trong năm qua đã cam kết đầu tư số vốn khổng lồ - 1.400 tỷ USD, cho ngành công nghiệp chất bán dẫn trong nước, nhằm tăng khả năng tự chủ trong bối cảnh cuộc chiến thương mại và công nghệ ngày càng leo thang.
Nhưng chưa kịp nhìn thấy thành quả nghiên cứu, giữa tháng 12 vừa qua, xưởng đúc bán dẫn tiên tiến nhất của Trung Quốc - SMIC - đã bị Mỹ đưa vào danh sách đen. Chính phủ Mỹ cáo buộc chip do SMIC chế tạo có thể được quân đội Trung Quốc sử dụng. Danh sách còn có hơn 60 doanh nghiệp Trung Quốc khác, tất cả đều bị hạn chế tiếp cận công nghệ Mỹ vì lý do an ninh quốc gia. Hành động này của Mỹ khiến SMIC hãng khó bắt kịp TSMC của Đài Loan.
Trước đó, vào tháng 5, Bộ Thương mại Mỹ cũng đã mở rộng lệnh trừng phạt với công ty Huawei - ngăn cản các công ty sử dụng công nghệ Mỹ bán chip cho "gã khổng lồ" Trung Quốc. Thậm chí chính SMIC, trước khi bị Mỹ liệt vào danh sách đen, cũng cho biết công ty sẽ tuân thủ các quy định của Mỹ và không sản xuất chip cho Huawei.
Huawei ngấm đòn
Dưới áp lực từ các lệnh trừng phạt, Huawei hôm 16/11 đã xác nhận sẽ bán thương hiệu smartphone giá rẻ Honor cho Zhixin New Information Technology – liên minh bao gồm China Digital và một số đơn vị được chính phủ hậu thuẫn với giá 15,2 tỷ USD. Huawei cho biết việc bán Honor sẽ giúp đảm bảo sự sống còn của thương hiệu này.
Bên cạnh đó, Giám đốc mảng thiết bị tiêu dùng của Huawei, ông Richard Yu, đã thừa nhận công ty này có thể sẽ không xuất xưởng thiết bị cầm tay với chip Kirin sau năm 2021, do cạn kiệt nguồn chip dự trữ. Nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới cũng "sẩy chân" trong quá trình triển khai mạng 5G ở một loạt thị trường toàn cầu trước các cáo buộc của Mỹ rằng Huawei là mối đe dọa an ninh quốc gia.
5G bùng nổ
Tháng 10 năm nay doanh số bán điện thoại 5G ở Trung Quốc đã vượt mốc 20 triệu máy. Thúc đẩy bởi lộ trình triển khai mạng di động thế hệ tiếp theo của Bắc Kinh, các nhà sản xuất điện thoại thông minh nước này trong năm nay đều ra cho mắt các mẫu smartphone hỗ trợ mạng 5G.
Theo công ty theo dõi dữ liệu IDC, trong quý III/2020, thiết bị cầm tay 5G chiếm khoảng 18% trong tổng số 353,6 triệu máy được xuất xưởng trên toàn thế giới. Trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm 77%, tiếp theo là Mỹ và Hàn Quốc với lần lượt 7 và 4%.
Trung Quốc quyết tâm đi đầu trong cuộc đua công nghệ 5G - vốn được biết đến là thành phần kết nối cho mọi thứ, từ xe không người lái tới các ứng dụng IOT trong tương lai. Ba nhà mạng hàng đầu của nước này là China Mobile, China Unicom và China Telecom năm qua đều tăng cường triển khai xây dựng trạm gốc 5G, nâng tổng số trạm lên khoảng 700.000.
Năm bất ổn của TikTok
TikTok là ứng dụng đầu tiên của một công ty Trung Quốc đạt được thành công trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, tương tự Huawei, TikTok cũng bị mắc kẹt giữa căng thẳng ngoại giao của hai quốc gia.
Sau cuộc điều tra của Ủy ban Đầu tư Nước ngoài (CFIUS) nhắm vào thương vụ ByteDance thâu tóm ứng dụng Musical.ly năm 2017. Ngày 14/8, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh yêu cầu ByteDance phải thoái vốn bộ phận TikTok tại Mỹ trong vòng 90 ngày, với lý do lo ngại an ninh quốc gia.
Dưới áp lực của chính phủ Mỹ, ByteDane đã đồng ý bán 12,5% cổ phần cùng quyền quản lý dữ liệu người dùng Mỹ cho Oracle, trong khi đó, Walmart sẽ có 7,5% cổ phần và ByteDance vẫn là cổ đông nhất. Tuy nhiên, mong muốn "bán thân" của ByteDance ngay lập tức bị cản trở sau khi Trung Quốc siết chặt các hạn chế xuất khẩu công nghệ hồi tháng 9.
Tại quê nhà, ByteDance mở rộng mạnh mẽ sang các lĩnh vực mới, như công nghệ giáo dục, thương mại điện tử và ứng dụng doanh nghiệp, tăng cường cạnh tranh với các đối thủ công nghệ lớn.
Tham vọng với tiền điện tử
Trung Quốc trong năm 2020 đã đạt được những bước tiến lớn trong cuộc đua tung ra loại tiền kỹ thuật số nội địa đầu tiên trên thế giới. Loại nhân dân tệ điện tử này có tên DCEP (Digital Currency Electronic Paymen), đã bắt đầu được thử nghiệm ở Thâm Quyến, Tô Châu, Thành Đô, và thành phố thông minh Xiong’an, tỉnh Hà Bắc.
Mu Changchun, người đứng đầu viện nghiên cứu DCEP, hồi tháng 10 đã nhấn mạnh vào khả năng "giám sát tập trung" của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Ông cũng làm rõ rằng DCEP sẽ không cạnh tranh với WeChat Pay và Alipay, hai ví kỹ thuật số hàng đầu của nước này với hơn 90% thị phần.
Tencent chưa thể yên tâm
Cổ phiếu của Tencent năm 2020 đạt mức cao kỷ lục khi gã "khổng lồ" Internet hưởng lợi từ sự bùng nổ trò chơi do đại dịch gây ra. Tuy nhiên, TikTok lại tiếp tục "dắt tay" siêu ứng dụng WeChat của Tencent vướng vào cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung khi chính quyền Mỹ tìm cách cấm các ứng dụng này với lý do an ninh quốc gia. Cũng cùng lý do này, chính phủ Ấn Độ đã cấm WeChat và đưa hơn 200 ứng dụng Trung Quốc vào danh sách đen sau khi căng thẳng biên giới nổ ra.
Năm tới, Tencent cùng các công ty công nghệ Trung Quốc khác, cũng sẽ phải đối mặt với môi trường quản lý nghiêm ngặt hơn ở quê nhà. Luật chống độc quyền sắp tới của Trung Quốc được nhiều chuyên gia dự đoán sẽ kiểm soát chặt các công ty công nghệ thậm chí chia nhỏ một số công ty quá quyền lực.
Thương mại điện tử trúng đậm
Đại dịch đã thúc đẩy thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ. Theo một báo cáo của Trung tâm Thông tin Internet Trung Quốc, tính đến tháng 6, nước này đã ghi nhận hơn 749 triệu người mua sắm trực tuyến, tăng 110 triệu người so với cùng thời điểm năm 2019.
Nắm bắt được nhu cầu tiết kiệm chi phí của người tiêu dùng, JD.com và Taobao đã giới thiệu hàng loạt chương trình giảm giá mới. Trong khi đó, các công ty như Meituan và Pinduoduo nhắm mua sắm hàng tạp hóa trực tuyến khi nhận thấy nhu cầu ngày càng tăng đối với các mặt hàng thực phẩm trong thời kỳ đại dịch. Robot giao hàng cũng được nhiều đơn vị vận chuyển chú ý nhiều hơn.
Bán hàng qua Live-stream đã có một năm nhộn nhịp khi thu hút được hàng loạt tên tuổi tham gia cuộc đua thị phần. Cả Tencent và ByteDance đều đã tận dụng nền tảng nội dung của mình nhằm tham gia vào thị trường này.
Công nghệ AI gây tranh cãi
Năm 2020, một ứng dụng nổi bật của AI - công nghệ nhận dạng khuôn mặt - đã gặp nhiều trở ngại. Nhiều công ty AI của Trung Quốc bị Mỹ đưa vào danh sách đen vì tham gia phát triển tính năng nhận dạng khuôn mặt nhằm theo dõi người dân.
Quyền dữ liệu riêng tư đã được đưa vào chương trình thảo luận của quốc hội Trung Quốc. Theo một nghiên cứu của Comparitech, một số thành phố của Trung Quốc đã thắt chặt các quy định về sử dụng dữ liệu cá nhân phù hợp với các quy định chính phủ. Việc thu thập dữ liệu sinh trắc học ở Trung Quốc đang vấp phải phản đối dữ dội của cộng đồng. Nhiều người đánh giá cao những tiện ích mà công nghệ này đem lại, nhưng cũng bày tỏ lo ngại về việc dữ liệu bị thu thập tràn lan, thiếu bảo mật và có thể bị dùng vào những mục đích xấu.
Xe không người lái sắp thành hiện thực
Một phần quan trọng của cuộc cách mạng AI là công nghệ lái xe tự động. Công nghệ này ở Trung Quốc đã tiến gần hơn tới thực tế trong năm 2020. Tháng 9, đơn vị nghiên cứu xe không người lái của Baidu - Apollo - đã triển khai dịch vụ robotaxi đầu tiên của mình ở thủ đô Bắc Kinh tháng 9 năm nay, sau khi dịch vụ tương tự đã được thử nghiệm ở Hồ Nam và Hà Bắc.
Baidu Apollo đã được các cơ quan chức năng ở Bắc Kinh cấp 5 giấy phép để chạy thử ôtô tự lái tại các khu vực được chỉ định mà không cần người trên xe. Tài xế an toàn trên xe trước đây là yêu cầu bắt buộc đối với xe tự lái ở hầu hết các thành phố của Trung Quốc.
Trong khi đó, công ty khởi nghiệp WeRide cho biết dịch vụ robotaxi của hãng ở Quảng Châu đã có được một lượng khách hàng trung thành, mặc dù hành khách rất muốn mở rộng phạm vi dịch vụ của xe. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu này, chi phí phát triển cao khiến các công ty khó lòng có thể đạt lợi nhuận nhờ dịch vụ robotaxi.
Đăng Thiên (theo SCMP)