Theo kế hoạch, năm 2020, tổ máy đầu tiên của nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ đi vào hoạt động, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia khi các nguồn năng lượng hóa thạch đang ngày một cạn kiệt. Bên cạnh đầu tư xây dựng nhà máy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Đình Tiến nhận định phát triển điện hạt nhân cũng phải đi kèm với nhận thức và kỷ luật an toàn bởi đây là lĩnh vực "rất nhạy cảm".
Điện hạt nhân phục vụ cho hòa bình sẽ đem lại lợi ích cả về năng lượng và ứng dụng trong các lĩnh vực kinh tế xã hội. Song, điều này cũng tiềm ẩn rủi ro nếu không đảm bảo tính an toàn, an ninh như: phổ biến vũ khí hạt nhân, sử dụng vào chiến tranh, hoặc nếu dùng cho khám chữa bệnh cũng có thể gây nguy hiểm nếu không đảm bảo tốt, Thứ trưởng khẳng định.
Sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản), lòng tin của công chúng đã trở thành yếu tố quan trọng nhất với sự phát triển điện hạt nhân quốc gia, ông Phạm Quang Trung - Phó Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử cho biết. Do vậy, để tạo được sự đồng thuận của công chúng và xây dựng văn hóa an toàn trong dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Thủ tướng đã phê duyệt đề án thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2020.
Theo đề án, Ngân sách Nhà nước sẽ dành khoảng 200 tỷ đồng, bên cạnh nguồn kinh phí hỗ trợ của các chủ đầu tư, đối tác để tiến hành triển lãm quốc tế về điện hạt nhân, tổ chức các hội thảo chuyên đề, nghiên cứu tập huấn, khảo sát, tìm hiểu về hiện hạt nhân ở nước ngoài...
Mục tiêu đặt ra là tạo ra sự hiểu biết đầy đủ, đúng đắn về lợi ích của điện hạt nhân trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế xã hội nhằm thực hiện thành công và đảm bảo an toàn cao nhất cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và các dự án điện hạt nhân tiếp theo.
Huyền Thư