Là sinh viên năm cuối trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM, hiện tôi đang trọ cùng 5 bạn ở một cư xá ở quận Bình Thạnh.
Vì là năm cuối nên chúng tôi ở lại học hè và tham gia tiếp sức mùa thi. Ngoài việc tư vấn, giúp đỡ các sĩ tử tìm phòng trọ chúng tôi còn nấu cơm miễn phí cho các em trong những ngày này.
Ngoài những sinh viên tình nguyện chúng tôi, còn rất nhiều hộ gia đình cũng tham gia vào tiếp sức giúp các sĩ tử yên tâm thi cử. Tuy nhiên người tốt nhiều, nhưng kẻ cơ hội cũng không ít. Họ khiến cho chúng tôi cảm thấy xấu hổ và tội nghiệp những sĩ tử nghèo không may "được họ giúp sức".
Cũng tạo điều kiện cho các thí sinh có nơi ở nhưng mỗi sĩ tử phải đóng 50.000/ngày. Ít nhất mỗi phòng có 10 thí sinh kèm thêm 10 phụ huynh. Tổng cộng là 20 người/phòng.
Dù không chấp nhận được cách kiếm tiền và chèn ép của một số chủ phòng trọ như vậy, nhưng các sĩ tử cùng phụ huynh của mình vẫn phải cắn răng chịu đựng vì dù sao vẫn rẻ hơn khách sạn hay nhiều nhà trọ khác.
Nếu tính trong một đợt thi đại học, một thí sinh và một phụ huynh ở trong căn phòng như vậy thì họ chỉ hết khoảng 400 nghìn đồng. Dù rẻ, nhưng cái giá mà họ phải chịu thật không xứng đáng với đồng tiền bỏ ra. Một phòng trọ chỉ 60m2, một nhà vệ sinh mà có tới 20 người cùng chủ. Đặc biệt là khi đi ngủ, họ phải “sắp lớp” như cá mòi.
Những gia đình có điều kiện hơn thì thuê khách sạn và cũng phải chịu với giá cắt cổ. Nhiều người thuê phòng thắc mắc trại sao giá phòng lại mắc như vậy thì nhận được câu trả lời: Tại quý khách đi thi đại học nên gía tăng chứ bình thường giá vẫn vậy.
Một trường hợp khác, không phải thí sinh nào cũng được cơm miễn phí nên hầu như dịp thi đại học, các quán cơm thay vì “tiếp sức” giảm giá cho các em thì nhiều nơi họ tăng giá cơm lên từ 10 -15 nghìn/dĩa. Nước uống cũng không ngoại lệ, có nơi bán tăng gấp đôi hoặc gấp 3 lần bình thường.
Không những chủ nhà trọ, quán cơm, tiệm nước… tranh thủ cơ hội chặt chém mà có rất nhiều công ty, các nhân đã lợi dụng cơ hội để PR, quảng cáo cho các thương hiệu, sản phẩm một cách lố bịch. Có hãng nước suối mang hàng đến tài trợ nhưng bắt thí sinh phải ôm lấy chai, chụp hình.
Tương tự, có người thì phát quạt giấy, trên mỗi cây quạt là hình thương hiệu hay sản phẩm cần PR, rồi cũng phải trả lại. Chúng tôi tự hỏi: Tại sao bao nhiêu người bỏ công sức, tiền của ra để tiếp sức cho các sĩ tử trong khi lại có những kẻ tham gia “rút sức” mùa thi như vậy.
>>Xem thêm: Luyện thi đại học gặp thầy rởm
Châu Bảo Ngọc
Chia sẻ bài viết của bạn về tiếp sức mùa thi đại học tại đây.