Ngày hôm qua, tôi có đứa cháu ở quê lên Hà Nội ôn thi cấp tốc ở một trung tâm thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Cháu nói môn hóa do một thầy tên là Nghiêm dạy, tôi vô cùng lo lắng bởi năm 2012 con gái tôi cũng luyện thi người thầy này .Tuy nhiên, con tôi trượt đại học, với kết quả không thể tin nổi: toán 7,5 điểm, lý 6 điểm, hóa chỉ được 2,75điểm.
Tôi đã đặt ra câu hỏi: "Tại sao cháu đi học thêm khen thầy dạy dễ hiểu nhưng điểm lại thấp như vậy?". Trước đó, thầy khoe với các học sinh rằng trung tâm của thầy là chuyên gia dạy trực tuyến. Con gái tôi cũng khen thầy dạy rất dễ hiểu, nên tôi không nghi ngờ gì.
Hóa ra thầy Nghiêm không dạy hóa mà là môn sinh ở một trường đại học lớn của Hà Nội. Đến đây thì mọi chuyện mới vỡ lẽ. Thì ra ông thầy đã từng dạy hóa cho con gái tôi và bây giờ đang tiếp tục luyện thi cấp tốc môn hóa cho cháu tôi không hề học chuyên ngành hóa học. Không hiểu sao các trung tâm lại cho thầy Nghiêm dạy? Họ không biết hay biết nhưng làm ngơ?
Một điều nữa khiến tôi vô cùng bức xúc: khi tôi mang vở của con gái lên hỏi một thầy dạy hóa đại học thì được thầy trả lời rằng: Đây là những bài đơn giản và học sinh nào cũng hiểu được. Nhưng học những cái này thì thi đại học chẳng thể nào vượt qua điểm 5.
Sau khi biết được nguyên nhân tại sao con gái mình đi học hiểu bài nhưng khi thi không được nổi 3 điểm, tôi vô cùng thất vọng về phong cách người thầy đó. Các cháu luôn ngưỡng mộ thầy cô, nhưng tại sao thầy cô lại nỡ đối xử với các em như vậy. Phải chăng, những việc làm đó chỉ vì mấy đồng tiền của cha mẹ các em.
Nếu những người thầy như thế này vẫn tiếp tục hành nghề thì thật nguy hiểm đối với thế hệ tương lai của đất nước. Đó không đơn giản chỉ là giải một bài toán, đạt điểm cao hay thấp trong các kỳ thi mà đó là cả niềm tin vào cuộc sống ngay từ khi còn cắp sách đi học. Một bài học nhỏ có thể làm lệch hướng đường đời của các cháu.
Tôi tha thiết mong những người đang làm thầy, ngày ngày mang đến cho các cháu kiến thức, hành trang vững chắc vào đời hãy suy nghĩ lại việc làm của mình. Đừng vì lợi ích cá nhân mà làm ảnh hưởng đến tương lai tươi sáng của các em như vậy.
>>Xem thêm: Học môn Sử 'chán ngắt, như vẹt và đầy áp lực'
Nguyễn Anh Tú
Chia sẻ bài viết của bạn về giáo dục tại đây.