Đó là một chiều chủ nhật đầu tháng 9/2020. Vàng A Tòng kiểm tra lại balo hành lý và yên tâm khi thấy hai cục sạc dự phòng được bọc kỹ trong túi nilon. Bản Ta Lát quê hương anh, cùng người vợ và hai con trai, khuất dần phía sau. Anh thầy giáo trẻ phải băng qua 17 km đường rừng trơn trượt trong mưa, bơi qua con suối khi nước lũ đang về và cuốc bộ thêm 8 cây số mới lên được điểm trường Sài Khao ở xã Mường Cai, huyện Sông Mã.
Năm học này cả điểm trường có 21 học sinh, trong đó bảy em lớp 2, còn lại lớp 1. Lễ khai giảng diễn ra vào buổi trưa vì ở đây chưa có điện, sương mù đặc quánh. Những ngày đầu, một mình thầy A Tòng quay cuồng với công việc vừa ổn định trật tự lớp 1, vừa dạy học sinh lớp 2.
Đêm thứ năm cắm bản, mưa to gió lớn. Căn nhà nhỏ của giáo viên bị gió thổi bay mất mái khiến A Tòng phải chạy sang phòng học trú tạm. Vì không về được nên sau giờ học anh vào rừng lấy củi khô về tích trữ, hái rau dại để ăn, kiếm bạt quây lại căn nhà để ở. Mặc dù chỉ dám nghe gọi, hai cục sạc dự phòng chỉ "nuôi" được chiếc điện thoại trong 2 tuần, sau đó là anh thầy giáo hoàn toàn mất liên lạc với bên ngoài.
Cuối tuần thứ ba, mưa vẫn không ngớt, Tòng quyết định về thăm nhà. Nước lũ cuồn cuộn nên không người dân nào trên bản dám qua suối, cũng chẳng có người ở bản dưới dám đi lên. Thấy thầy giáo sửa soạn ra về, hai người dân bản đi theo hộ tống. Tòng trùm túi nilon lên balo ném xuống nước, rồi bước xuống sau. Nước cao đến vai, càng ra giữa càng xiết. Anh nương theo dòng, vừa bơi vừa đẩy túi hành lý, cuối cùng cũng vượt qua được con suối rộng 30 mét. Sang bờ an toàn, anh vẫy tay để phụ huynh yên tâm trở về.
"Đó là chuyến đi dạy đầu tiên và nhớ đời nhất trong một năm cắm bản ở đây", thầy giáo 30 tuổi chia sẻ.
Điểm trường Sài Khao là một trong 8 điểm lẻ của trường Tiểu học Mường Cai. Bản này cách xa điểm trường chính nhất, lại không có cầu qua suối nên vào mùa mưa, điểm trường gần như bị chia cắt hoàn toàn với bên ngoài. "Bao năm qua chưa từng có một cô giáo nào tới đây, chỉ có các thầy cắm bản", thầy Vũ Văn Cường, hiệu trưởng trường tiểu học Mường Cai, cho biết.
Vàng A Tòng bảo, khó khăn thế nào anh cũng sẵn sàng vượt qua vì đây là ước mơ từ 20 năm trước, khi anh mới vào lớp 1. Thuở ấy Tòng còn chưa biết phân biệt các con vật. Sau một năm học thì cậu biết mặt chữ, tới lớp 3 thì biết đọc. Lên cấp 2, Tòng thuộc số ít đứa trẻ trong xã được ra trường huyện học nội trú. Ở đó, cậu bé người Mông được dạy từ cách đánh răng, mặc quần áo, bẻ cổ áo, đeo khăn quàng...
"Tôi như đứa trẻ vỡ lòng đi vào cuộc sống mới, có khuôn khổ, có tác phong như quân đội để lớn lên thành người. Ở trường sướng hơn ở nhà nên tôi càng thích đi học", thầy Tòng kể.
Trong trí nhớ của ông Vàng A Sọ, bố Tòng, những ngày đi học của cậu bé người Mông gắn liền với hình ảnh "hôm nào con đi học về cũng toàn thân thân lem luốc, chỉ chừa đôi mắt". Có những ngày mưa quá ông bảo con nghỉ một hôm, Tòng vẫn một mực đi bộ 5 cây số đến trường. Lên cấp 2 con học nội trú xa nhà 26 km, vài tháng ông mới dám thuê xe ôm chở đi thăm con, mỗi lần hết 50.000 đồng - nghĩa là phải bán đi bao ngô 60 kg mới đủ.
"Vợ chồng tôi có hai con cách nhau 22 tuổi, vì thế lúc nhỏ Tòng không khác gì con một. Song nhà nghèo, vợ bệnh, suốt những năm qua chúng tôi chỉ biết con trai đi học, đi thi, chứ không thể giúp đỡ gì", người cha ngoài 50 tuổi nói.
Có lẽ vì hành trình kiếm con chữ gian nan mà càng lên các cấp tiếp theo, bạn bè của Tòng bỏ học càng nhiều. Lên cấp 3 chỉ còn năm đứa cùng bản học ngoài trường huyện và tới khi vào đại học chỉ còn hai người, trong đó có Tòng.
Khát khao đi học như vậy nhưng khi vào đại học, trong A Tòng thường trực một cuộc đấu tranh dai dẳng, giữa "tiếp tục hay từ bỏ", vì nỗi lo sinh hoạt phí mỗi tháng cần khoảng hai triệu đồng - số tiền rất lớn với tất cả các gia đình ở vùng này. Lúc này Tòng đã lập gia đình nên gần như hai vợ chồng phải tự bươn trải. Họ vay mượn trước, nghỉ hè Tòng lại đi làm thuê để trả. "Có lần trong ví chỉ còn 300.000 đồng, mà tiền xe từ nhà xuống thành phố Sơn La đã hết 100.000 đồng. Tôi nhắm mắt đi, không cần biết ngày mai ra sao, dù làm thuê, vay mượn, cũng phải đến trường", A Tòng hồi tưởng.
Tốt nghiệp năm 2015, Vàng A Tòng tiếp tục phải vượt qua hành trình gian nan khác để xin việc. Anh đi thi công chức ở khắp các huyện từ Sông Mã, Mai Sơn, Mường La, Bắc Yên, Thuận Châu. Có lần thi được 95,5 điểm vẫn không đỗ. Buồn nhưng anh tự nhủ "vì chỉ tiêu tuyển dụng ít, bản thân phải cố gắng hơn".
Chị Sộng Thị Dênh, vợ anh Tòng cho biết, những năm đó rất thương chồng. Ban ngày anh đi làm thuê mọi việc nuôi vợ con, đêm lại chong đèn lên học, cứ thấy đâu tuyển dụng là đi thi. "Anh ấy rất quyết tâm. Anh bảo sẽ thi tới lúc nào hết tuổi tuyển dụng mới thôi", người vợ nói.
Sau 8 lần thi công chức, cuối cùng năm 2019 Vàng A Tòng đã đỗ. Lúc biết tin chị Dênh òa lên, nức nở. Anh Tòng cũng không ngăn nổi hạnh phúc nên cứ mặc nước mắt tuôn rơi.
Tháng đầu tiên nhận lương cũng là một cột mốc đáng nhớ với hai vợ chồng. Lần đầu tiên sau 10 năm kết hôn, họ có được một khoản nhỏ tiết kiệm. Từ đó đến nay, đều đặn mỗi tháng chị Dênh được cầm những đồng lương chồng mang về. Tháng này chị muốn đi làm sổ tiết kiệm. Anh Tòng ngược lại muốn rủ vợ đi Mộc Châu chụp ảnh cưới. "Năm kết hôn không có tấm ảnh hay bức ảnh nào. Giờ cuộc sống xem như tạm ổn rồi, tôi muốn hai vợ chồng lưu giữ lại thời thanh xuân", anh nói.
Tuần này thầy Tòng đang đi tập huấn chương trình sách giáo khoa mới. Anh mong sớm đến ngày tựu trường để được trở về với học trò ở Sài Khao. Trong số 21 em, có cậu bé Thào Ca Dênh tiếp thu bài học rất tốt. Dênh mồ côi cha nên những ngày mẹ phải lên nương, em thường mang theo nắm cơm ăn trưa với thầy.
Có một trưa, thằng bé hỏi: "Thầy học cái gì mà sao về làm thầy giáo?". "Để thành thầy giáo, thầy phải học rất nhiều trường lớp. Đến giờ vẫn đang tiếp tục học", thầy Tòng trả lời. "Vậy có phải lúc đi học thầy bé như em, giờ già mới về đây làm phải không? Em cũng muốn làm thầy giáo", cậu bé nhanh nhảu nói.
Cứ mỗi lúc Thào Ca Dênh ngước đôi mắt chăm chú nhìn lên bảng, Vàng A Tòng lại như nhìn thấy hình ảnh của mình nhiều năm trước, cũng sáng mắt lên khi thấy các thầy cô giáo miền xuôi như cô Liên, thầy Tuyến... dạy cho anh con chữ, dạy cho anh thành người...
Để giáo viên và học sinh ở vùng sâu, xa có điều kiện dạy, học tốt hơn, Quỹ Hy vọng - báo VnExpress tiếp tục nhận quyên góp với mục tiêu xây mới ít nhất 4 điểm trường ở các xã khó khăn tại huyện Sông Mã, Sơn La.
Mỗi sự chung tay của độc giả sẽ góp thêm một viên gạch xây nên những ngôi trường mới. Mọi ủng hộ xin gửi về chương trình tại đây.
Phan Dương