Ngoài đe dọa sẽ chặt đầu nhà báo Steven Sotloff, kẻ xuất hiện ở cuối đoạn video hành quyết nhà báo James Foley, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) còn đang giam giữ nhiều nhân viên cứu trợ. Trong số này được cho là có hai công dân Italy, gồm Vanessa Marzullo, 21 tuổi, và Greta Ramelli, 20 tuổi.
Ba nhân viên của Ủy ban Quốc tế Hội Chữ thập đỏ (ICRC) cũng đang là con tin của IS. Họ thuộc nhóm gồm 7 nhân viên bị bắt cóc tháng 10/2013. Bốn người trong số này được trả tự do ngay sau đó. Hội Chữ thập đỏ chưa công bố thông tin cụ thể về quốc tịch, giới tính cũng như tuổi của những người này.
"Thông qua mạng lưới của ICRC tại khu vực, chúng tôi đang tiến hành những nỗ lực sâu rộng nhằm đảm bảo ba đồng nghiệp còn lại được trả tự do", một phát ngôn viên của Hội Chữ thập đỏ nói. "Chúng tôi không thể cung cấp chi tiết về vấn đề này để đảm bảo an toàn cho những đồng nghiệp đang bị bắt cóc".
Bà Antonella, mẹ của Ramelli, cho biết con gái đã bộc lộ tính cách thích chăm sóc người khác từ khi 12 tuổi, bắt đầu bằng việc giúp đỡ một khu nhà dành cho người về hưu. "Khi nghe con gái nói rằng 'mẹ ơi, họ đang giết hại trẻ em ở quốc gia đó, con phải tới đó giúp đỡ', bạn có thể nói gì đây?", bà Antonella trả lời tờ Prealpina của Italy, khi được hỏi tại sao không ngăn con gái tới Syria. "Bạn có thể thay đổi con gái, người có những ý nghĩ mạnh mẽ về sự đoàn kết và đồng cảm của con người?".
Ramelli và Marzullo mất tích ở gần thành phố Aleppo, Syria, hồi đầu tháng. Bộ Ngoại giao Italy hôm qua từ chối bình luận về khả năng hai người này đang nằm trong tay nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Bị tra tấn vì là người Mỹ
Didier Francois, một phóng viên 53 tuổi của đài phát thanh Pháp Europe 1, từng bị IS bắt cùng với James Foley, kể lại rằng Foley bị những tên bắt cóc lôi ra đánh đập chỉ vì anh là người Mỹ. Foley còn bị tra tấn sau khi chúng tìm thấy các bức ảnh về em trai anh, người phục vụ trong Không quân Mỹ.
"Anh ấy là con người đặc biệt, một người bạn tù rất dễ chịu, kiên nghị", Francois nói về Foley. Hai người bị nhốt gần nhau 8 tháng trong những phòng giam, phần lớn là ngầm dưới lòng đất và không có ánh sáng mặt trời, ở Syria.
Trong khoảng hai tháng rưỡi, Francois bị xiềng xích cùng các con tin người Pháp khác như Nicolas Henin, Edouard Elias, và Pierre Torres. Francois cho biết ông chưa bao giờ nói chuyện công khai với Foley và Sotloff do sợ bị trả thù.
"James là một người bạn rất tốt, một sự hỗ trợ tuyệt vời. Anh ấy luôn có mặt cùng với những lời động viên khi bạn cảm thấy không ổn. Anh ấy khiến quãng thời gian 7 tháng bị giam trở nên dễ chịu hơn", Henin chia sẻ, đồng thời tỏ ra nghi ngờ về những báo cáo cho rằng nhóm chiến binh thánh chiến người Anh có biệt danh "The Beatles" là thủ phạm vụ hành hình. "Nếu các nhà điều tra đi theo hướng này, họ có thể sẽ bị lạc hướng".
Jeroen Oerlemans, nhà báo người Hà Lan từng bị bắt làm con tin cùng đồng nghiệp người Anh John Cantlie trong 9 ngày ở Syria hồi năm ngoái kể lại rằng Foley đã làm việc không ngừng nghỉ để đảm bảo cho hai người chắc chắn được thả.
"Người bị bắt cóc cùng tôi là bạn tốt của James. Khi chúng tôi lỡ cuộc hẹn với James tại một địa điểm ở Syria, anh ấy lập tức cho xe về dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và sử dụng tất cả những mối liên lạc để thu thập thông tin", Oerlemans kể lại. Khi phe đối lập trả tự do, "James cũng là người đầu tiên ôm tôi. Tôi không biết James nhưng James thì ngược lại, bởi anh ấy là người có liên quan mật thiết tới sự tự do của chúng tôi".
Nhà báo người Hà Lan quyết định không quay trở lại Syria bởi nơi đây quá nguy hiểm. "Bạn cần phải biết rất rõ sẽ làm việc với ai, các mối liên lạc phải đáng tin cậy 100%. Dù có rất nhiều kinh nghiệm và mối liên lạc, điều tồi tệ nhất vẫn xảy ra với James".
Nhà báo Mỹ James Foley, người bị bắt cóc ở Syria cách đây gần hai năm, vừa bị các phiến quân thuộc tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo chặt đầu. Vụ hành quyết man rợ được những kẻ này quay lại và phát tán trên mạng xã hội như một thông điệp nhằm cảnh báo về những cuộc không kích của Mỹ chống lại lực lượng phiến quân tại Iraq.
Như Tâm (theo Telegraph)