Tôi tiết kiệm được tiền mặt khoảng 2 tỷ đồng. Tôi nên gửi ngân hàng hay mua căn nhà hoặc mảnh đất ở Vũng Tàu để đầu tư lúc này hợp lý hơn? Xin vui lòng tư vấn giúp.
Hà Lê
Chuyên gia tư vấn:
Câu hỏi của bạn khá vắn tắt và chưa cung cấp các thông tin về tình trạng tài chính hiện tại. Do đó tôi xin đưa ra vài giả định rằng bạn hiện có dòng thu nhập có thể đáp ứng được chi tiêu gia đình hàng tháng, không chịu áp lực trả nợ vay và phương án bất động sản bạn đang tìm hiểu là cho việc đầu tư, không phải mua để ở.
Việc đầu tư cần đem lại hiệu quả sinh lời, nhưng xin lưu ý việc này phải phù hợp với khả năng chấp nhận rủi ro của bạn, đây là điều mà câu hỏi chưa đề cập đến. Thông thường một danh mục hiệu quả sẽ có các lớp tài sản khác nhau để đảm bảo sự đa dạng và tính thanh khoản - khả năng chuyển đổi tài sản thành dòng tiền khi cần thiết. Đồng thời, bạn đừng quên cân nhắc xem phương án nào đem lại mức rủi ro thấp hơn mà hiệu suất không quá khác biệt (sự tối ưu về rủi ro). Bạn hãy lưu ý bốn yếu tố này khi lựa chọn các loại hình đầu tư.
Tiếp theo, ta cùng bàn về 2 phương án bạn đã hỏi.
Một là gửi tiết kiệm ngân hàng. Trong các phương án tích lũy, tiền gửi ngân hàng được xem là hình thức đầu tư khá an toàn và phù hợp với đối tượng khách hàng có khẩu vị rủi ro thấp. Tuy nhiên, tại thời điểm này, khi lãi suất tiết kiệm đang giảm, kênh tiền gửi trở nên kém hấp dẫn hơn. Do đó, gửi toàn bộ số tiền bạn tích lũy được vào tài khoản tiết kiệm ngay lúc này không phải là phương án tối ưu để tăng trưởng tài sản.
Bạn vẫn nên giữ một phần trong tài khoản ngân hàng, với các kỳ hạn phù hợp, tôi sẽ có thêm khuyến nghị về quỹ dự phòng ở đoạn sau. Ngoài ra, bạn nên cân nhắc sử dụng phần còn lại cho các phương án có thể mang lại hiệu suất cao hơn.
Hai là mua nhà hoặc đất. Sở hữu bất động sản là phương án đầu tư phổ biến đối với người Việt Nam. Việc có thêm lớp tài sản này có thể giúp bạn đa dạng hóa danh mục và tăng hiệu suất đầu tư. Tùy vào khẩu vị rủi ro và tình trạng chi tiêu hay vay nợ của mình, bạn hãy lưu ý những điều dưới đây.
Bạn nên đầu tư bất động sản tại địa điểm gần khu vực sinh sống hoặc quen thuộc, nhằm tiện việc quản lý và mua bán. Nếu bạn đang sống tại Vũng Tàu, có thể xem xét đầu tư tại đây.
Đối với đất, bạn nên khảo sát vùng giá xung quanh, đồng thời nhất định cần chú ý vấn đề giấy tờ pháp lý và tình hình quy hoạch tại khu vực đó. Đất dân sinh tại thành phố thường yêu cầu số vốn khá cao, nên bạn hãy cân nhắc khả năng tài chính. Đầu tư đất sẽ hiệu quả hơn nếu xác định có thể nắm giữ lâu dài.
Căn hộ chung cư là loại hình có tính thanh khoản tốt và phù hợp với người có khẩu vị rủi ro ở mức ổn định hoặc cân bằng. Nếu gia đình bạn có nhu cầu về dòng tiền thụ động mỗi tháng nhằm hỗ trợ chi tiêu, căn hộ có thể là phương án phù hợp. Tuy nhiên, bạn lưu ý mua căn hộ dưới 6 năm tuổi sẽ đem lại hiệu suất tốt hơn.
Khi cân nhắc giữa căn hộ và đất, bạn nên xem xét, so sánh về thời gian nắm giữ và hiệu suất sinh lời. Hiệu suất của căn hộ nên được đánh giá dựa trên cả về lợi nhuận giá (chênh lệch giữa mua và bán) và hiệu suất cho thuê.
Nếu không ngại di chuyển hơi xa, bạn có thể cân nhắc phân khúc bất động sản giá trị nhỏ tại các khu vực đang có vùng giá khả quan và nắm giữ lâu dài, ví dụ đất dưới 500 triệu đồng.
Trong trường hợp bạn cần phải vay khi mua bất động sản, hãy xem xét lựa chọn gói vay hợp lý về thời gian vay, lãi suất, giá trị khoản vay, thời gian giải ngân. Đồng thời, bạn cũng nên tính trước phương án dự phòng, nhằm hạn chế các áp lực tài chính.
Việc tích lũy và tăng trưởng tài sản là một hành trình. Để duy trì được kế hoạch dài hạn này, bạn đừng quên chuẩn bị từ sớm hai phương án phòng vệ quan trọng.
Thứ nhất, bạn đã có bảo hiểm nhân thọ chưa? Có thể bạn đã nghe câu hỏi này nhưng chưa nghĩ nhiều về nó. Bảo hiểm không giúp bạn tránh được những rủi ro bất ngờ (như tai nạn hay bệnh), nhưng có thể là "bộ lò xo giảm sốc" giúp bạn và người thân vượt qua giai đoạn rung chấn và cân bằng cuộc sống. Dành ra 5-8% thu nhập trung bình tháng để tham gia bảo hiểm nhân thọ là vừa phải và hãy cố gắng duy trì "tấm áo giáp tài chính" này trong dài hạn.
Thứ hai, bạn đã xây dựng quỹ dự phòng khẩn cấp chưa? Đây là khoản tiền dùng khi cấp thiết như trường hợp thay đổi công việc không mong muốn, mất nguồn thu nhập. Ví dụ chi tiêu sinh hoạt của gia đình bạn là 10 triệu đồng mỗi tháng, bạn hãy cân nhắc trích ít nhất 30 triệu đồng (tương đương 3 tháng chi tiêu) để làm quỹ dự phòng khẩn cấp, nếu bạn đã có kế hoạch bảo hiểm nhân thọ. Trường hợp bạn chưa tham gia bảo hiểm, con số quỹ dự phòng nên là 6 tháng chi tiêu (khoảng 60 triệu đồng). Bạn có thể trích số tiền này từ khoản tiết kiệm 2 tỷ đồng hiện có, chia ra vài khoản nhỏ, gửi tiết kiệm kỳ hạn một tháng, với mục đích là khi cấp thiết bạn sẽ có ngay nguồn thanh khoản để chi tiêu.
Đặng Thùy Trang
Chuyên gia Hoạch định tài chính cá nhân
Công ty Tư vấn đầu tư và Quản lý gia sản FIDT