Mặc cho đại dịch bùng phát, Trung Quốc vẫn không ngừng đẩy nhanh cuộc cách mạng 5G cả trên phương diện xây dựng hạ tầng, sản xuất thiết bị đầu cuối lẫn các chương trình đào tạo, phổ cập kiến thức cho người dân. Tính đến tháng 4, đã có hơn 300.000 trạm sóng 5G mới được xây dựng tại Trung Quốc, dự kiến số này sẽ tăng lên khoảng 660.000 trạm trong tương lai. Báo cáo của Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc cho thấy, từ tháng 1 đến tháng 4, có hơn 30 triệu smartphone 5G đã được bán ra, 65 mẫu di động 5G được giới thiệu, chiếm 47,4% số lượng smartphone trên thị trường nước này.
Các nhà mạng lớn ở Trung Quốc cũng từng bước thử nghiệm về gói cước, sim, số... Họ cũng tận dụng Covid-19, khi người dân buộc phải ở nhà và có thời gian theo dõi các chương trình truyền hình, để phô diễn sức mạnh của 5G. Một tháng trước, trạm 5G cao nhất thế giới được Trung Quốc xây dựng trên đỉnh Everest. Nhà mạng này cũng lắp đặt máy quay để livestream 24/7 khung cảnh trên đỉnh núi bằng sóng 5G để phục vụ người dân ngắm cảnh tại nhà.
Những nhà sản xuất smartphone hàng đầu của Trung Quốc cũng xem 5G là chuẩn mực phải có trên cả di động cao cấp lẫn giá rẻ. Huawei, Xiaomi, Oppo, Realme còn chuẩn bị cho sự bùng nổ các thiết bị IoT khi tuyên bố sẽ tham gia vào lĩnh vực TV thông minh. Các hãng này đều nhìn thấy tiềm năng của 5G không chỉ dừng lại ở smartphone mà còn là cả hệ sinh thái công nghệ.
Zhao Ming, chủ tịch Honor khẳng định, quá trình dịch chuyển từ 4G sang 5G sẽ diễn ra dần dần nhưng bất kỳ hãng di động nào chậm chân trong cuộc đua sẽ phải trả giá. "Khi hệ thống hạ tầng hoàn thiện, 5G sẽ bước vào thời kỳ bùng nổ. Với sản lượng smartphone hiện nay, các thiết bị đầu cuối có khả năng không đáp ứng đủ nhu cầu nâng cấp của người dùng", Zhao Ming nói.
Trái với bức tranh tươi sáng về tương lai 5G, ở Anh và nhiều quốc gia châu Âu mọi thứ đang diễn tiến theo chiều hướng ảm đạm. Dịch bệnh bùng phát khiến các nhà máy ở khắp nơi phải đóng cửa kéo theo nguồn cung về thiết bị không thể đáp ứng kịp tiến độ. Smartphone mới liên tục trễ hẹn khiến dự kiến phủ sóng 5G bị lỗi nhịp.
Thậm chí ở Anh, NewZeland, Hà Lan, Ireland... còn bùng lên làn sóng đốt trạm 5G vì tin giả cho rằng đây là tác nhân khiến Covid-19 lây lan trong cộng đồng. Tính đến đầu tháng 5, đã có 77 trạm phát sóng 5G bị đốt. Các nhà mạng nước này đã liên tục lên tiếng đính chính, van nài người dân không đốt trạm phát sóng.
Những lệnh cấm của Nhà Trắng cũng khiến smartphone 5G của Huawei khó tiếp cận với người dùng ngoài Trung Quốc, trong đó có thị trường Mỹ. iPhone 12 của Apple được cho là sẽ hỗ trợ 5G cũng phải lùi ngày ra mắt do nguồn cung linh kiện bị ảnh hưởng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến doanh số của hãng, mà người dùng Mỹ và các quốc gia châu Âu, cũng sẽ khó lòng tiếp cận được 5G trên diện rộng trong năm nay.
Ở Việt Nam, Hàn Quốc và một số quốc gia châu Á, công cuộc phổ cập 5G không diễn ra mạnh mẽ nhưng cũng không đến mức quá ảm đạm. Dịch bệnh bùng phát khiến cuộc chuyển đổi bị chậm lại. Tuy nhiên, các nhà mạng vẫn tiếp tục triển khai lộ trình phổ sóng trên diện rộng. Tại Việt Nam, ba nhà mạng lớn là Viettel, Mobifone, VNPT đều đã thử nghiệm thành công mạng 5G và đặt mục tiêu thương mại hoá trong tháng 6.
Mạng 5G được dự kiến tạo ra 13.200 tỷ USD trong hoạt động bán hàng trên toàn cầu vào năm 2035. Trong đó, ngành sản xuấtdự kiến đạt doanh thu bán hàng khổng lồ, với 4.600 tỷ USD doanh thu có sự hỗ trợ của 5G. Ngành công nghệ thông tin cũng sẽ "thu về" gần 1.570 tỷ USD, bán lẻ gần 1.200 tỷ đồng...
Hiện 7 quốc gia lớn của thế giới đang "chạy đua" đầu tư vào 5G, chiếm khoảng 79% tổng số đầu tư liên quan tới 5G trên toàn thế giới. Đến năm 2035, Trung Quốc sẽ có thêm 11 triệu việc làm, doanh thu 1.130 tỷ USD từ 5G; Mỹ sẽ đạt doanh thu 786 tỷ USD và tạo ra hơn 2,8 triệu việc làm mới từ 5G; Nhật Bản cũng sẽ đạt 406 tỷ USD và tạo ra 2,3 triệu việc làm mới...
Hiện có 30 quốc gia trên thế giới công bố triển khai 5G. Nếu theo đúng lộ trình, Việt Nam, Trung Quốc sẽ là một trong những quốc gia thương mại hoá 5G sớm nhất thế giới.
Khương Nha tổng hợp