Sáng 23/10, bốn người thuộc Ban quản lý công viên Hoàng Văn Thụ mang khẩu trang thay viên nhau vớt cá rô phi, cá chép bằng bàn tay cho vào các túi nilon để xe tải chở đi xử lý. Dưới hồ nằm giữa khu A của công viên, rất nhiều cá chết ngửa bụng nằm dọc kè đá.

Nhân viên ban quản lý công viên thu gom cá chết đưa đi xử lý, sáng 23/10. Ảnh: Đình Văn
Do cá bắt đầu chết từ sau cơn mưa lớn cách một ngày trước nên mùi hôi thối bốc lên, lan ra cả phía đường Trần Quốc Hoàn, cách đó 50 m. Hơn chục năm đến công viên tập luyện thể dục, đây là lần đầu tiên anh Đình Tùng thấy tình trạng cá chết ở hồ. Mùi tanh nồng nặc khiến anh cùng bạn tập chỉ ở lại công viên 5 phút.
Ông Khúc Duy Thiện, Trưởng ban quản lý công viên Hoàng Văn Thụ cho biết, cá chết hàng loạt có thể do thiếu oxy. Covid-19 kéo dài nên hơn 4 tháng qua công viên ngưng hoạt động, hồ cá không được thay nước, làm vệ sinh khiến nước tù đọng. "Đơn vị sẽ dùng thuốc khử trùng, làm trong nước và bom sục tạo oxy để khắc phục sự cố", ông Thiện nói.

Hai tấn cá chết được bỏ vào túi nilon để xe tải chở đi xử lý. Ảnh: Đình Văn
Cách sân bay Tân Sơn Nhất khoảng một km, công viên Hoàng Văn Thụ được thành lập năm 1989, có diện tích khoảng 106.500 m2. Hồ nước trong công viên trước đây là bãi cỏ hoang được cải tạo từ năm 2013.
Hiện tượng cá chết hàng hoạt thường xảy ra ở các kênh rạch TP HCM sau mưa lớn. Đầu tháng 4, cơn mưa trái mùa khiến hàng trăm kg cá chết nổi trắng hồ nước, bốc mùi, ảnh hưởng 1.000 cư dân khu dân cư Ehome 3, quận Bình Tân. Trước đó, khoảng 14 tấn cá rô phi, cá chép chết nổi dọc 3 km kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, từ quận 3 đến Tân Bình.
Đình Văn