![]() |
Đường phố Sài Gòn năm 1971. |
Qua cầu Trương Minh Giảng, ở quận 3, ven lối ngõ nhỏ mà ta phải đi hết một khúc quanh dài mới tới nơi, là một ngôi đền nhỏ thờ đạo Khổng, xây theo kiểu Trung Hoa, khiêm tốn và có phần mục nát. Bên trong, trước bàn thờ đặt chính giữa - nơi đồ cúng được xếp trên những chiếc đĩa, giữa những cây nến và nhiều thứ tô điểm khác - một người phụ nữ, không già không trẻ, đeo đồ trang sức sáng lấp lánh, đang ngồi xổm. Có lúc trông bà ta như là đang cầu khấn.
Bà ta uống rượu liên tục, hút những điếu thuốc lá tẩm thuốc phiện, giương cái tai lơ đễnh nghe lời to nhỏ "thưa thầy". Những phụ nữ ngồi xung quanh cố vấn và giúp việc cho bà trong một ngày. Bà làm bộ mỉm cười khinh khỉnh, ra lệnh phát tiền và quà cho những ai có mặt, buồn rầu, nổi nóng, rỏ vài giọt lệ để hưởng cái thú được thiên hạ an ủi, đổi cái áo lễ đẹp của mình lấy một cái áo lễ còn đẹp hơn, ngả người, đứng dậy, múa may, múa may... Cách đó mấy bước chân, trên cái chiếu trải ngay giữa nền đất, 3 nhạc công, dáng như dân nghiện, không ngừng rỉ ra thứ nhạc nỉ non não nề.
Người phụ nữ bỗng nhiên nhảy múa dữ dội và nhục cảm hơn, tiếng nhạc đỡ lấy, bao bọc, dìu dắt cho đến lúc bà mệt lử và trở lại ngồi xổm trước bàn thờ, có bàn tay giúp đỡ của đám hầu cận. Họ lại rì rầm những lời tán tụng, và bà đáp lại bằng cái dẩu môi coi thường. Họ xui bà ra những cử chỉ hào hiệp mới, và bà lại nhượng bộ, phát cho chung quanh ít tiền lẻ và hoa quả bằng một vẻ đầy nghĩa khí. Những người nhận thì đón lấy, trân trọng đến mức giả tạo.
Lần này, người phụ nữ hóa thân thành tướng Trần Hưng Đạo, vị anh hùng huyền thoại từng đánh bại quân xâm lược Trung Hoa (chính xác là quân Nguyên Mông - TS). Người khách nước ngoài ghé qua kia hẳn là đại sứ của phương Tây, ông ta cũng được phát quà kìa. Khuôn mặt xấu xí ngời sáng. Người phụ nữ trở nên gần như là xinh đẹp. Một lần trong đời, bà đã gạt bỏ được những rào cản xã hội, quên đi thân phận phụ nữ nhỏ bé để đạt lấy vinh quang, chút hào nhoáng quyền lực, giành được những gì mà bà chưa bao giờ có. Sau vài giờ mệt nhoài, bà cảm thấy hài lòng.
“Lên đồng” - người Việt Nam nói như vậy về việc các linh hồn nhập vào bà đồng. Nhưng ở đây, bà đồng, “thầy”, bận chiếc áo lễ đen, là một nhân vật đáng kinh ngạc. Bà chuẩn bị trang phục vừa rất chu đáo, vừa trang nghiêm vừa khác thường. Toàn bộ quá trình chỉ kéo dài vài giờ đồng hồ, nhưng việc sửa soạn thì phải mất nhiều tháng ròng. Bà đã đặt hàng lụa ở Hong Kong, cho cắt thành độ hai chục chiếc áo lễ và mũ. Từ Đà Nẵng, nơi bà cư ngụ, bà đã lên đây mấy lần để thu xếp những chi tiết nhỏ nhặt nhất, một công việc đòi hỏi thời gian và hàng trăm nghìn tờ bạc. Trong một xã hội gò bó, người ta cũng cần có một ngày duy nhất để cuộc đời thăng hoa.
Những người Sài Gòn, không trông đợi gì từ bất kỳ ai, sống qua ngày nhờ những mối bận lo như vậy. Tại một quán nước khốn khổ, cuối con đường Võ Di Nguy, người mẹ đang chờ để gửi con sang Pháp, một cậu bé lai Âu không biết nói lấy một từ tiếng Pháp. Người mẹ đã có nó với một binh lính thuộc đạo quân viễn chinh Pháp, và từ bấy đến nay cô chưa có lấy một mẩu tin nào về anh ta. Có gì quan trọng đâu, cần phải cho đứa trẻ theo con đường của cha nó, để cho nó được học hành như cha nó, nếu không thì mọi việc sẽ không đúng lẽ. Điều này đã trở thành một nỗi ám ảnh.
Chi Mai, 20 tuổi, vừa từ một trường đại học trở về, xinh tươi hơn bao giờ hết. Cha cô nghèo, làm việc quần quật. Ông là một nhân viên ngân hàng quèn, có một chiếc xe máy và ngụ cư tại một căn nhà ở cái khu căn hộ khiêm tốn xây hồi năm ngoái, bên kia kênh Khánh Hội. Chi Mai được dạy dỗ đến nơi đến chốn: Cô nói thạo tiếng Pháp, làm bánh trái ngon tuyệt, luôn tỏ ra ý nhị và kính cẩn. Những chàng trai mà cô quen biết chỉ là anh em họ cô, họ vẫn đến đây ăn mỗi dịp cúng giỗ. Chừng 2 hay 3 năm nữa, mẹ và các dì cô sẽ tính chuyện tìm cho cô một anh chồng giàu có, nhất là nếu hòa bình quay trở lại. Bằng không, có lẽ gia đình sẽ đợi thêm ít lâu nữa. Chi Mai không nghĩ đến một cuộc sống nào khác, cô chưa từng rời khỏi Sài Gòn.
Hồi tháng 2/1968, trường đua Phú Thọ là một trong những nơi bị giành giật trong cuộc chiến ở Sài Gòn. Sau đó, chính quyền biến nó thành một trung tâm đón tiếp tạm thời, hàng nghìn người chạy loạn tập trung ở đây. Ngày nay, nó lại trở thành điểm hẹn của hàng nghìn tay đặt cược đến xem những con ngựa đua, cưỡi trên lưng chúng là các nài ngựa tuổi chừng 15.
Trong khi cánh đàn ông lao vào thú tiêu khiển ưa thích - đặt cược hay đánh bạc - thì cánh phụ nữ, nhất là các bà già, tụ tập với nhau, để tổ chức một đám cưới, vạch một kế hoạch mới, tranh cãi một vấn đề hay đơn giản là bình phẩm về một vở cải lương vừa ra lò. Có khi, họ đi xem bói, lễ chùa, thế rồi tin chắc vào một quyết định đã được đưa ra từ lâu, hết người này đến người khác tranh cãi, dằn dỗi, la hét, cứ như thế cho đến khi nào chán thì thôi.
Chẳng phải người ta cũng từng chứng kiến cảnh tượng đó hay sao? Hồi tháng 5/1970, trong phiên xử dân biểu Trần Ngọc Châu, một trong các luật sư, bà Đài, đứng biện hộ hàng giờ đồng hồ, cho tới khi vị chủ tịch tòa án binh, điềm tĩnh và nghiêm khắc là thế, lần đầu tiên phát khùng, và không thể chịu đựng hơn nữa, hoãn phiên tòa lại đến ngày hôm sau. Sài Gòn là vậy: Đàn ông mua vé số, đàn bà cai quản.
Có nhiều ví dụ về một thứ trật tự cứ xuất hiện, mỗi khi người ta sợ cuộc sống sẽ trở lại bình thường. Thành phố có 250.000 thanh thiếu niên hư, nhưng đa số chỉ do ngẫu nhiên. Xã hội đen không thu hút được nhiều người. Một Sài Gòn thích ứng được với hiện tại nhưng lại không chấp nhận và hòa nhập với nó. Ông Hoàng, một viên chức già, mỗi năm lại lùi tuổi về hưu, hy vọng có ngày ông sẽ chuộc lại được miếng đất nhỏ ở vùng châu thổ, ven rìa tỉnh Bến Tre. Một đồng nghiệp của ông, còn đương đi làm, vẫn bằng lòng đi chiếc xe Lambretta 3 bánh tập thể tới cơ quan và hy vọng những điều tốt đẹp hơn ngày mai sẽ đến. Sự chờ đợi, luôn luôn là sự chờ đợi, với một số người là kèm theo nợ nần, với những người khác là tham những.
Vậy ai cai quản thành phố? Những người ăn không ngồi rồi hay những kẻ hành khất? Những binh lính hay những người áo cổ cồn? Hoặc những tay “cao bồi”, những kẻ sa đọa cứ làm như mình có quyền lực trong xã hội? “Khi tướng Kỳ còn làm thủ tướng (chính xác là chủ tịch uỷ ban hành pháp trung ương - TS)”, một người Việt nhớ lại, “ông chủ Sài Gòn là những thầy cẩm, những cảnh sát trưởng. Không phải một thiết chế cảnh sát, mà đích thân các cảnh sát làm ra luật. Giờ đây, đó là những người trốn lính”.
Ở miền Nam Việt Nam, không có những người trốn lính theo đúng nghĩa. Chỉ có hàng trăm cách để tránh hay lùi lại việc bị gọi nhập ngũ, để được tiếng đi lính nhưng lại không phải đi, hay để được bổ nhiệm giả vờ hoặc vào chỗ ít nguy hiểm, nếu người ta chịu chi từ 800 đến 4.000 franc. Đại đa số thanh niên mà ta vẫn thấy đi lững lờ trên phố kia có giấy tờ hoàn toàn hợp pháp. Còn đối với những người trong tình trạng phi pháp, Sài Gòn sẽ cung cấp nơi trú ẩn tốt nhất và những cơ hội tìm việc làm béo bở nhất. Ngoài ra, một người "trốn lính" vẫn có thể được phân vào làm những công việc thấp kém, chuyện đó tốn cũng ít thôi.
Trong thời kỳ này, xuất hiện một tiểu thế giới vừa nửa mờ ám vừa tứ xứ, một thế giới của chợ đen, của hoạt động buôn bán tại những cửa hàng bán đồ Mỹ miễn thuế, của những hàng hóa bị đánh cắp từ các kho của quân đội. Kèm theo là những người môi giới Philippines, từ lâu đã là dân buôn mát tay nhất, những thương gia Ấn Độ, từng len lỏi tới những xứ sở khác ở Đông Nam Á nơi họ có tiền để đó, một dúm lính đào ngũ Mỹ và những người nội ứng cho họ trong quân đội (cứ mỗi tháng trung bình có chừng trăm người trong tất cả bị bắt).
Những kẻ tống tiền và những tên bợm biết cách bám víu vào các thương binh, cựu chiến binh, quân đội và cảnh sát, tất cả những người nhàn rỗi khốn khổ. Trong vòng một năm, chi phí sinh hoạt đã tăng 40%. Dân tình nguyện làm các công việc vặt không thiếu. Những cậu bé chuyển đồ từ các cửa hàng quân sự Mỹ và được giao nhiệm vụ bán lại hàng trên vỉa hè. Cũng chính chúng đứng bên lề đường, bán xăng đựng trong chai - thứ xăng ăn cắp của quân đội, rất dễ nhận vì có màu. Và lúc nào cũng có một bà nào đó, đứng cách chúng không xa là bao, để cai quản đội quân tí hon.
Cái thế giới sống bên bờ của sự hợp pháp này đôi khi cũng có nhiều sự phân nhánh phức tạp. Những "người trốn lính" hình thành tầng lớp lơ lửng giữa thượng lưu và tầm thường. Có hơn 30.000 gái quán bar và gái điếm ở Sài Gòn. Rất ít mạng lưới con phe lớn. Một khi tồn tại, họ có ô dù rất chắc chắn, và lạm phát tiếp tục cho họ phương tiện phục vụ bản thân. Nhưng ở Việt Nam, xã hội chủ yếu bao gồm những người thợ thủ công tự lực cánh sinh. Giới trẻ đa số làm ngay tại quầy hàng của một ông bác hay một người họ hàng.
Ở Gia Định, gần sân bay Tân Sơn Nhứt, có con hẻm mang một biệt danh đáng buồn: "Đường một trăm đồng bạc". Người ta có thể tìm thấy ở đây tất cả những thứ gì người ta muốn: ma túy, thuốc phiện, đàn bà..., nhưng tốt hơn là không nên mạo hiểm ra đấy một mình, nhất là vào ban đêm. Điều hành thứ "Prisunic" (tên một siêu thị ở Pháp - TS) này là những người trốn lính và các cựu chiến binh. Có lần, trong lúc truy quét, cảnh sát phát hiện ở đây một anh lính Mỹ trẻ vừa trốn khỏi nhà tù quân sự Long Bình, lần khác là chục người Mỹ - lại lính Mỹ bỏ trốn - cùng số chiến lợi phẩm nho nhỏ: 31 khí giới, 190 livre (tức 95 kg) marijuana, 7 quả lựu đạn, các giấy tờ tùy thân giả, 44 thùng rượu, 87 thùng bia, 212 tút thuốc lá, 75 lệnh bay để trống cùng 15 giấy cho nghỉ phép cũng để trống nốt, tất thảy đều bị lấy cắp tại các căn cứ Mỹ.
Cùng với việc lính Mỹ thì giảm, khó khăn kinh tế thì chồng chất, các quan chức ở đây lo sợ xã hội nửa mờ ám này sẽ lan rộng. Các chiến dịch làm trong sạch xã hội những tháng gần đây chỉ xác nhận mối nguy hiểm đó. Cũng giống như hồi 1953-1954, nhưng ở mức độ cao hơn, hôm nay có hai Sài Gòn cùng chung sống, Sài Gòn này khiếp sợ Sài Gòn kia và phải chịu đựng nó, tuy không thừa nhận. Ta có thể tìm thấy ở đây dấu vết bất ổn từng làm nền cho lịch sử thành phố. Mặt khác, chứng kiến những gì đã xảy ra, ta cũng có thể tự hỏi, đâu sẽ là lối thoát cho cuộc tranh cãi đã được khơi mào? Đáng ngạc nhiên sao khi mà những thứ này lại kéo dài lâu đến thế.
(Hiện Jean-Claude Pomonti làm phóng viên ở khu vực Nam Á).
Minh Châu dịch