Theo lá đơn gửi Bộ Giao thông, Cục Hàng hải, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và đơn vị quản lý trực tiếp là Công ty Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines, nay thuộc Vinalines), thủy thủ đoàn cho biết Diamond Way đã neo tại cảng Jabel Ali - Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) từ khoảng 2 tháng nay trong điều kiện hết sức khó khăn.
Tàu Diamond Way hiện treo cờ Panama. Ảnh: MarineTraffic |
Ngoài việc nhiều tháng không được trả lương, tàu hiện đã hết lương thực, nước ngọt, dầu ăn và đầu thắp sáng. “Các thuyền viên trên tàu phải nấu ăn bằng củi với gạo hót vét được dưới hầm tàu và cá câu ở cảng, mặc dù ở đây chính quyền cấm câu cá”, lá đơn viết.
Theo các thủy thủ, đây là bức điện thứ 3 được họ gửi về để thông báo về tình trạng hết thực phẩm của tàu (bức đầu tiên gửi ngày 1/9) nhưng không nhận được hồi âm từ phía doanh nghiệp. Thuyền viên cũng cho biết trong trường hợp tình trạng này tiếp tục kéo dài, họ sẽ phải rời tàu, xin tị nạn tại Sứ quán Việt Nam tại UAE và không chịu trách nhiệm về các thiệt hại đối với tàu.
Trao đổi với VnExpress.net chiều 10/10, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam - Đỗ Đức Tiến cho biết đã nhận được đơn kêu cứu của thuyền viên, thông báo của Sứ quán Việt Nam tại UAE. Ông cũng ghi nhận những khó khăn của thuyền viên tàu Diamond Way.
“Cục Hàng hải một mặt yêu cầu phía Vinashinlines báo cáo, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của chủ tàu, một mặt cũng đề nghị cơ quan ngoại giao Việt Nam tại UAE có biện pháp hỗ trợ thuyền viên trong thời gian vụ việc được giải quyết”, ông Tiến cho biết.
Các biện pháp này, theo đại diện Cục Hàng hải có thể bao gồm việc sử dụng quỹ hỗ trợ thuyền viên để đáp ứng các nhu cầu tối thiểu cho thủy thủ, đồng thời vận động họ ở lại trông giữ tàu. “Nếu các thủy thủ rời đi, tất nhiên cơ quan chức năng UAE sẽ có biện pháp đảm bảo an toàn cho tàu. Tuy nhiên, như vậy sẽ rất ảnh hưởng tới uy tín của ngành hàng hải Việt Nam”, ông Tiến cho biết.
Trước đó, trả lời phỏng vấn báo chí, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải - Nguyễn Văn Công cho biết Bộ đã nhận được thông tin và biết về tình hình hiện tại của các thuyền viên tàu Diamond Way. Cơ quan chức năng cũng đang yêu cầu phía Vinashinlines khẩn trương tìm cách xử lý vụ việc theo quy định, mà trước hết trước mắt là vấn đề lương thực và đời sống cho thuyền viên.
Tuy vậy, đại diện các đơn vị quản lý cũng cho biết tình trạng khó khăn như của Diamond Way không phải trường hợp hiếm trong số các tàu do Vinashinlines và Vinalines quản lý. “Theo quy định thì chủ tàu phải báo cáo về Cục những vụ việc như thế này. Nhưng do điều kiện khó khăn, họ thường giấu. Chỉ khi sự việc cực chẳng đã, thuyền viên kêu cứu thì cơ quan chức năng mới biết”, Phó cục trưởng Đỗ Đức Tiến cho biết.
Tàu Diamond Way (đóng năm 1988 tại Nhật Bản) nằm trong đội tàu 16 chiếc do Vinashinlines đang quản lý, cũng là tàu thuộc diện đề xuất tái cơ cấu, cùng với Hoa Sen, hệ thống tàu Lash, tàu Vinashin Atlantic, Hoàng Sơn 28, Sea Eagle, Green Sea, New Phoenix...
>> Xem thêm: Tàu Hoa Sen nghìn tỷ nằm phơi bãi |
Giữa tháng 7/2012, Diamond Way từng bị một nhà cung cấp bắt giữ tại cảng Ấn Độ do nợ tiền dầu. Tuy nhiên, dự liệu hiện tại của cơ quan quản lý chưa thể cho biết hiện tàu đang tiếp tục bị bắt hay chỉ neo đậu bình thường tại UAE. Trong khi đó, phía Vinashinlines cũng như Tổng công ty Hàng hải hiện vẫn chưa đưa ra bất cứ thông tin hay bình luận nào về vụ việc này.
Nhật Minh