Phạm Hoài Anh, sống tại Hà Nội, vừa trở về nhà sau chuyến du lịch tự túc một mình qua 6 địa điểm ở Ấn Độ là Delhi, Agra, Jaipur, Jaisalmer, Udaipur, Mumbai. Chuyến đi này là món quà cô sinh viên năm hai tự thưởng nhân dịp tròn 19 tuổi.
Hoài Anh cho biết năm 2022, các diễn đàn du lịch Việt Nam đều rộ lên xu hướng đến Ladakh, Ấn Độ ngắm mùa thu vàng và thiên nhiên hùng vĩ. Cô cũng muốn đến đây một lần. Nhưng sinh nhật Hoài Anh vào mùa đông nên cô thay đổi kế hoạch, tới các vùng ấm áp hơn. Bên cạnh đó, Ấn Độ nổi tiếng với bề dày văn hóa, lịch sử. Là một người đam mê khám phá, thích trải nghiệm du lịch bụi, tìm hiểu văn hóa địa phương, từ lâu Ấn Độ luôn nằm trong danh sách điểm đến mơ ước của cô gái trẻ.
Khi chia sẻ với bạn bè về ý định đi Ấn, Hoài Anh bị nhiều người ngăn cản vì chung nhận định đây là nơi "không an toàn với phụ nữ, đặc biệt đi một mình". Nhưng bố mẹ Hoài Anh lại ủng hộ quyết định của con gái, chỉ nhắc nhở "đi đâu cũng phải cẩn thận, tránh xa những nơi vắng vẻ, không đi một mình trong đêm tối". "Phải nhớ ngày nào cũng gọi về cho bố mẹ yên tâm", mẹ Hoài Anh dặn con gái trước khi đi. Và chính họ cũng là "mạnh thường quân" tài trợ cho con gái. Chuyến đi lần này của cô hết khoảng 17 triệu đồng, gồm chi phí ăn ở, đi lại.
Quyết tâm lên đường và chuẩn bị chu đáo mọi thứ, hỏi han nhiều người đi trước lấy kinh nghiệm, lo lắng vẫn là cảm giác chủ đạo của cô gái trẻ vào những ngày trước khi khởi hành. "Trả vé, không đi nữa là suy nghĩ thường xuyên nhất của tôi", Hoài Anh nói.
Suy nghĩ đó đeo bám cô đến tận khi đặt chân xuống nhà ga ở sân bay quốc tế tại Delhi. "Ngay khi hạ cánh xuống Ấn Độ, tôi vẫn tự nhủ: sao mình lại chọn Ấn, hay là quay về". Nhưng, chỉ vài giờ sau đó, suy nghĩ tiêu cực tan biến. "Người dân tốt bụng, nhiệt tình, khác hẳn với những gì tôi từng hình dung", nữ du khách Việt nói.
Cô ở nhờ nhà người dân địa phương theo hình thức Couchsurfing. Đây là một mạng lưới toàn cầu, mang đến cơ hội ở miễn phí nhà người dân, tiết kiệm chi phí thuê phòng. Bạn sẽ được những người dân địa phương đưa ra gợi ý nên đi đâu, làm gì, ăn gì ở thành phố mình ghé thăm. Điều này giúp tránh được việc mắc các sai lầm không đáng có gì là khách du lịch. Chủ nhà của Hoài Anh ở thủ đô New Delhi được đánh giá là "thân thiện, nhiệt tình". Người này dẫn cô đi ăn, chơi. Đổi lại, Hoài Anh mời họ dùng bữa.
Trong 19 ngày ở Ấn, Hoài Anh ở 6 đêm theo hình thức này. Còn lại, cô thuê khách sạn hoặc hostel. Một trong những trải nghiệm vui vẻ là ở cùng hai nữ du khách Italy và Tây Ban Nha tại Mumbai, thủ đô thương mại và giải trí của đất nước. Biết Hoài Anh mới 19 tuổi và đi du lịch một mình, hai khách châu Âu đều bất ngờ. "Họ nói ở châu Âu, mọi người cũng thường đi phượt một mình, nhưng đa số là vòng quanh các nước trong khối cho an toàn. Chỉ khi có kinh nghiệm và từng trải hơn, mọi người mới bắt đầu có các chuyến đi xa, như đến Ấn", cô gái 19 tuổi chia sẻ.
Ba cô gái nhanh chóng kết bạn. Họ cùng đi bar vào buổi tối. "Chúng tôi có quãng thời gian vui vẻ, không ai bị quấy rối hay bị đeo bám. Mọi thứ an toàn. Nhạc Ấn Độ cũng rất hay", Hoài Anh nhớ lại. Tại thành phố hồng Jaipur, Hoài Anh cũng được chủ nhà là người dân địa phương dẫn đi bar. Hai cô gái trẻ về muộn, đường vắng. Đáp lại sự lo lắng của cô, người bạn đi cùng nói: "Ở Jaipur rất an toàn. Phụ nữ chúng tôi thường xuyên ra ngoài vào buổi tối và không gặp sự cố".
Trải nghiệm đáng nhớ nhất là ở Jaisalmer, thành phố du lịch của bang Rajasthan, thường được biết đến với tên gọi Golden city (thành phố Vàng). Lý do là pháo đài, và phần lớn mặt tiền các ngôi nhà, tòa nhà ở đây đều xây bằng đất sa thạch màu nâu vàng, được chạm đẽo tinh tế. Tour nổi tiếng nhất khi đến đây là tham quan sa mạc Thar, nơi khuất tầm mắt cũng không có bóng cây. Dù vậy, nơi này không phải chỉ có các đồi cát, mà chen lẫn là bình nguyên mênh mông. Người dân ở các ngôi làng gần đó vẫn chăn thả dê, cừu quanh sa mạc. "Vào đêm sinh nhật tròn 19 tuổi, tôi nhìn thấy sao băng ở sa mạc nên đã thực hiện một điều ước. Chuyện đó thật thú vị", Hoài Anh nói.
Thân thiện, tốt bụng là cảm nhận của cô về người dân Ấn Độ, cả nam giới lẫn phụ nữ. Trong nhà hàng, khi thanh toán tiền, Hoài Anh nhân tiện hỏi đường để đến một nơi gần đó. Điều khiến cô bất ngờ là cả cửa hàng chạy lại chỉ đường giúp, mỗi người một câu. Họ tìm cách truyền đạt sao cho cô gái trẻ có thể đến đó dễ dàng nhất. "Họ cũng dặn tôi cẩn thận, nên tránh những gì. Giọng Anh - Ấn khó nghe, nhưng tôi vẫn hiểu". Tại các nhà trọ nơi cô lưu trú, chủ nhà thường giúp Hoài Anh đặt vé tàu, xe buýt. "Cẩn thận và chúc may mắn" là những từ họ nói nhiều nhất.
Nói về chuyến đi, Hoài Anh học hỏi được nhiều điều. Cô có cơ hội được tận mắt nhìn ngắm, trải nghiệm một quốc gia có nền văn hóa và bề dày lịch sử bậc nhất thế giới. Cô đã đến được những địa danh nổi tiếng, như Mumbai, Delhi, Jaipur, ngủ đêm ngắm sao ở sa mạc. Chuyến đi cũng giúp Hoài Anh nhận ra một điều, đó là đừng quá tin vào mạng, hãy trải nghiệm thực tế. "Trong 19 ngày ở Ấn Độ, trong sâu thẳm, tôi vẫn có một nỗi lo lắng. Nhưng những gì tôi gặp phải, đều diễn ra tuyệt vời hơn mong đợi. Có thể là tôi may mắn. Nhưng tôi vẫn muốn chia sẻ rằng, đừng quá tin vào những gì bạn thấy trên mạng. Hãy đến, và tự cảm nhận".
Chị Hana Hồ Ngọc Thảo, sống tại Ấn từ năm 2010, đồng tình với chia sẻ của Hoài Anh. Bà chủ nhà hàng bán đồ ăn Việt tại New Delhi cho biết: "Ấn Độ không quá đáng sợ như mọi người vẫn nghĩ. Nên các bạn nữ hãy mạnh dạn đến đây du lịch".
Chị Thảo đã gặp rất nhiều khách Việt là phụ nữ đến Ấn một mình, và ghé qua cửa hàng chị dùng bữa cho đỡ nhớ ẩm thực quê hương. Chị cũng trao đổi, chia sẻ những điều nên và không nên với rất nhiều vị khách nữ muốn đến Ấn du lịch. Nếu gặp sự cố, hãy tìm đến Đại sứ quán Việt Nam tại Delhi, hay lãnh sự quán tại Mumbai. "Ngoài ra, nếu gặp khó khăn, hãy đăng lên các nhóm, hội du lịch về Ấn Độ. Trong các hội nhóm đó luôn có người Việt ở Ấn, chúng tôi sẽ giúp đỡ các bạn kịp thời. Ở nước ngoài, đồng hương luôn là một từ thiêng liêng", Thảo nói.
Phương Anh
Ảnh: NVCC