Ngân, bạn cùng lớp con tôi, 18 tuổi, vừa đỗ một trường đại học danh giá. Bố mẹ muốn thưởng cho cháu một chuyến du lịch nước ngoài cùng gia đình, với điều kiện là đi tự túc, tất cả do con chuẩn bị và thực hiện. Ngân nói với tôi, cháu sợ lắm, cháu không dám. Tôi hỏi cháu sợ gì, Ngân nói, sợ vì chưa đi đâu bao giờ, sợ người ta lừa, sợ bị lạc.
Nỗi sợ của Ngân là nỗi sợ chung của nhiều người ở Việt Nam, kể cả thanh thiếu niên, trung niên và người già. Ngân có trong tay chứng chỉ IELTS "nhiều chấm" và danh hiệu học sinh giỏi xuất sắc nhiều năm liền, nhưng cháu vẫn không dám đi ra nước ngoài để tự giao tiếp, trải nghiệm, học hỏi. Những người Việt ít ngoại ngữ và kinh nghiệm sống thì lại càng không thể.
>> Cùng tác giả:
Tìm tòi trên mạng, Ngân hiểu rằng muốn đi một chuyến du lịch tự túc ở nước ngoài thì cần có kế hoạch, dự toán, đặt vé máy bay, phòng khách sạn, và trong một số trường hợp còn phải làm hồ sơ xin visa. Nhưng Ngân không biết bắt đầu từ đâu, bởi cháu chưa từng được trường lớp nào dạy những kỹ năng này và cũng chưa tự làm bao giờ.
Đa số các bạn trẻ khác cũng như vậy. Hơn 10 năm học Toán nhưng không làm nổi bản dự toán ngân sách cho một chuyến đi. Hơn 10 năm học Văn không viết nổi một cái email liên hệ với khách sạn, bảo tàng, khu du lịch hoặc một lá đơn xin visa. Hơn 10 năm học ngoại ngữ nhưng khi cần giao tiếp với người nước ngoài vẫn phải nhờ đến tour guide (hướng dẫn viên du lịch) hoặc app dịch thuật. Lúc nào cũng trong tâm lý sợ sai, sợ nhầm lẫn, sợ bị lừa.
Việc đi ra nước ngoài, giao tiếp với người nước ngoài, tìm hiểu và thích nghi với môi trường ở nước ngoài trong tâm thức của nhiều người là một việc khó khăn đến mức, ai dám làm sẽ được khen là giỏi giang, dũng cảm.
Nhiều năm nay, tôi có dịp đi một số quốc gia và thấy rằng việc người dân tự đi lại giữa các nước, tham quan, trải nghiệm là vô cùng phổ biến và tự nhiên. Các bạn trẻ từ 18 tuổi trở lên xách ba lô đi nước ngoài du lịch, học tập, làm việc là chuyện hết sức bình thường, bất kể điểm đến có nói ngôn ngữ mà họ biết hay không. Mỗi chuyến đi đều có mục đích trải nghiệm, học hỏi và tìm kiếm cơ hội chứ không chỉ là hưởng thụ.
Vì sao nhiều người lại 'nhát cáy'?
Trước hết, đa số trẻ em được nuôi dạy trong một môi trường khép kín, từ bốn bức tường ở nhà đến bốn bức tường ở lớp. Thỉnh thoảng cuối tuần được đi ra ngoài thì cũng ở trong phạm vi mấy bức tường của nhà hàng, trung tâm thương mại. Nếu có nghỉ hè thì cũng đi những nơi phải rất an toàn – theo tiêu chuẩn của gia đình, nghĩa là không được phép có những yếu tố bất ngờ, mạo hiểm.
Trong giáo dục, phần lớn các trường phổ thông không có thời gian và nguồn lực để cổ vũ các cháu tự tìm tòi, tự suy nghĩ, tự phát triển bản thân. Sĩ số một lớp có khi lên đến 60 học sinh, các thầy cô chỉ dạy các cháu học theo sách giáo khoa đã đủ mệt.
Tiêu chí đánh giá năng lực của học sinh được thể hiện ở chỗ các cháu đã "cày" được bao nhiêu bài, làm hết bao nhiêu đề cương, thuộc được bao nhiêu công thức. Mỗi kỳ thi dù lớn hay bé, lượng kiến thức các cháu cần có để vượt qua có thể tính bằng kilogram - tương ứng với cân nặng bộ đề mà các thầy cô phát trên lớp. Hiếm có kỳ thi nào trong trường đánh giá năng lực các cháu từ khả năng đột phá sáng tạo hoặc dám thử, dám nói, dám viết, dám làm cái mới.
Mặt khác, tính ứng dụng của các môn học trong nhà trường chưa cao, nên các cháu không biết áp dụng công thức như thế nào khi gặp những đầu bài trong thực tế. Ngoại ngữ được coi là môn học trọng điểm, nhưng các bạn trẻ nghiên cứu cái gì có dính tí ngoại ngữ là ngại, nhìn quyển sách tầm 200 trang đầy tiếng nước ngoài là thấy buồn ngủ. Đọc sợ không hiểu, mà có hiểu cũng sợ không ứng dụng được.
Không tò mò và cũng không được khuyến khích về sự tò mò đối với những chân trời tri thức mới, rút cục các bạn trẻ chỉ cảm thấy an toàn trong phạm vi những công thức quen thuộc. Khi cần vượt ra ngoài công thức, nhiều người sẽ tự ti, sợ thất bại, sợ mất mát, sợ thiệt, hoặc sợ tốn thời gian, sợ mệt, không dám nhảy vào thử thách, càng không muốn học hỏi cái mới.
Và rồi chuyện "nhát cáy" không chỉ gói gọn trong những chuyến đi, nó xuất hiện trong nhiều lĩnh vực khác như đi học hành, làm ăn, tìm kiếm thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư... Nó cản trở người giỏi đi đến thành công, cho dù họ có đủ tri thức và công cụ.
Lịch sử nhân loại cho thấy, hầu hết các quốc gia có được sự phát triển mạnh mẽ đều là nhờ tinh thần dám đi ra thế giới, dám học, dám làm, và dám sai.
Lúc nghe tâm sự của Ngân, tôi có nói với cháu, đi du lịch chỉ là đi tiêu tiền, không có gì phải sợ, không có gì quá khó khăn đến mức không làm được cả. Người dân trên khắp thế giới đều mong muốn phát triển du lịch, trường hợp du khách bị bắt nạt hoặc lừa đảo là số ít. Hãy cứ mạnh dạn mà đi, dùng tất cả tri thức, khả năng và lòng háo hức mà khám phá thế giới.
Nhưng cuối cùng, sau nhiều lần đấu tranh tư tưởng, cả gia đình Ngân vẫn quyết định đi tour, "cho nó lành".