Nhưng khác với lời hứa của Donald Trump bên Mỹ, việc làm mới của Adidas không dành cho người lao động. Chúng dành cho rô-bốt. SpeedFactory, nhà máy mới của Adidas tại Ansbach, vận hành chủ yếu bởi rô-bốt và công nghệ in 3D. Trí tuệ nhân tạo thậm chí có thể tạo ra những đôi giày vừa khít 100% với kích cỡ và đáp ứng mọi yêu cầu khác của chủ nhân.
Theo cách truyền thống, một đôi giày như thế phải mất đến 18 tháng từ mẫu thiết kế lên đến kệ hàng. Công nghệ tự động sẽ rút ngắn thời gian đó xuống còn một tuần, thậm chí là một ngày.
Câu chuyện trên mây ở nước Đức liên quan đến Việt Nam theo một khía cạnh rất đời thực.
Chúng ta hiện nằm trong chuỗi gia công sản phẩm da, giày - cùng Indonesia, Trung Quốc, hay Bangladesh - trong một ngành có giá trị lên đến 80 tỷ USD. Trong khi các công xưởng thế giới đang cạnh tranh khốc liệt với nhau để thu hút những nhà máy mới, đánh đổi bằng giá nhân công rẻ mạt và tiêu chuẩn lao động hạ thấp, thì chính những con rô-bốt ở Ansbach, với độ chính xác siêu việt và không cần nghỉ ngơi, mới là kẻ chiến thắng sau cùng.
Để lại phía sau, là tương lai vô định của hàng trăm nghìn công nhân đang gia công sản phẩm cho Adidas trong hơn 100 nhà máy ở Việt Nam. Khi những Nike, Zara và các thương hiệu gia công khác đi theo bước chân Adidas, hàng chục triệu lao động giản đơn ở nước ta sẽ rẽ về đâu?
Đó hẳn nhiên vẫn là chuyện tương lai. Những nhà làm chính sách có thể khoát tay cho rằng thời kỳ của máy móc còn lâu mới tới và lao động giá rẻ vẫn là một lợi thế không thể phủ nhận. Nhưng thời gian thì không chờ đợi ai và trên thực tế, cái mà chúng ta coi là lợi thế lại đang dần chuyển thành gánh nặng đè lên vai chính người lao động.
Trong một cuộc hội thảo gần đây, Tổng cục Thống kê đưa ra một khái niệm mới, nhưng vô cùng quan trọng: lao động phi chính thức. Khái niệm đề cập đến những lao động không được đáp ứng quyền lợi theo các thoả ước chính thức - có hợp đồng lao động và được đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc. Một điều kiện để đảm bảo việc họ được pháp luật bảo vệ, và cái còn lại mang đến cho họ quyền lợi khi gặp tai nạn lao động, ốm đau, hay được nhận hưu trí về già.
Con số này ở nước ta lên đến hơn 18 triệu người, tương đương 57,2% số lao động có việc làm trên cả nước. Đáng chú ý là 1/3 trong số đó, hơn 6 triệu lao động, làm việc trong khu vực chính thức - những nhà xưởng, doanh nghiệp, công ty, tổ chức có đăng ký. Thậm chí ngay cả trong khu vực nhà nước cũng có đến hơn 500 nghìn lao động phi chính thức.
Tỷ lệ phi chính thức cao hàm chứa một môi trường làm việc rất bấp bênh cho cho người lao động. Mức độ cạnh tranh cao khiến có được việc làm chính thức trở nên khó khăn hơn. Điều này cũng khiến người lao động xuề xoà cho qua khi quyền lợi của mình không được tôn trọng.
Chuyện “vắt chanh bỏ vỏ” - các doanh nghiệp tìm cách đào thải lao động trên 35 - 40 tuổi - không chỉ còn là hiện tượng như báo chí vẫn đưa tin gần đây nữa, mà đã thành một xu hướng có thể nhìn thấy qua số liệu. Phân tích từ báo cáo Lao động – Việc làm của Tổng cục Thống kê trong năm 2016, có thể thấy số việc làm phi chính thức cao hơn đáng kể ở các nhóm tuổi trên 35. Trong khi nhóm tuổi 24-35 có tỷ lệ việc làm phi chính thức ở mức 47%, tỷ lệ này ở nhóm tuổi 35-40 là 53%, 59% đối với nhóm tuổi 40 - 44, và 63% đối với nhóm tuổi 44 - 55.
Những lao động bị thải loại khi còn sung sức đó chỉ có hai lựa chọn: trở về quê, nếu may mắn ruộng đồng chưa bị cuốn theo vòng xoáy đô thị hoá. Hoặc cố gắng bám trụ ở lại khu công nghiệp hay thành phố, tìm kiếm những việc làm tạm bợ để mưu sinh.
Như thế, một xã hội chấp nhận tỷ lệ “phi chính thức” lên tới quá nửa số lao động là một xã hội khuyến khích lao động phổ thông, việc làm tạm bợ. Hết tuổi làm công nhân thì đẩy xe bánh mì. Bị công ty thanh lý hợp đồng (ngắn hạn) thì ra ngoài làm tự do. Nhà đầu tư, nhà làm luật và chính người lao động đều vô thức hay cố tình đề cao sự “chịu thương chịu khó” kiểu này. 18 triệu người không có các thỏa ước lao động chính thức kia, là 18 triệu tương lai tự xoay xở nếu còn “sức dài vai rộng” - một khái niệm đầy tính văn hóa.
Rất khó để bắt ép các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI, thay đổi cách lựa chọn và sử dụng lao động. Tận dụng nhân lực có sức khoẻ với giá rẻ chính là tiền đề cho những công xưởng sản xuất ở Việt Nam.
Điều đáng quan tâm hơn là từ phía những nhà làm chính sách của chúng ta. Liệu thực sự đã có những nỗ lực nghiêm túc nào nhằm làm giảm tình trạng bấp bênh của lao động giản đơn, hay tìm cách giúp họ có được việc làm bền vững?
Chúng ta đang thúc đẩy “chính phủ kiến tạo” cho doanh nghiệp, vậy “chính phủ kiến tạo” cho người lao động thì sao?
Những con rô-bốt của người Đức, cho dù có trí tuệ nhân tạo cao cấp đến đâu, cũng sẽ không thể cảm thấy áy náy. Dù sao, chung thủy với việc bán sức lao động giá rẻ, cũng là lựa chọn của xã hội chúng ta.
Nguyễn Khắc Giang