Bão Nari đã qua, nước lũ đang rút, để lại hình ảnh người dân miền Trung với khuôn mặt mệt mỏi và lớn hơn là nỗi lo cho cuộc sống và tương lai sắp tới. Nhìn lại khung cảnh hoang tàn nơi đây, nhiều người ví trận bão lũ lần này giống như trận B52 với sức tàn phá khủng khiếp.
Bão Nari bắt đầu tấn công miền Trung chiều tối 14/10. Từ 23h đêm đến 10h trưa ngày 15/10, gió giật mạnh và tàn phá ghê gớm. Bão cũng khiến hàng nghìn ngôi nhà tốc mái, hư hỏng; diện tích cây công nghiệp, lâm nghiệp bị gãy đổ lên đến con số hàng nghìn.
Chưa kịp hoàn hồn do thiệt hại từ bão Nari gây ra, người miền Trung lại tiếp tục đối mặt với những trận mưa lớn liên tiếp, khiến mực nước sông hồ đập ở các địa phương dâng cao, cuốn trôi người và tài sản.
Tính đến 20h ngày 17/10, theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, bão lũ hoành hành tại các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Định và tỉnh Kon Tum khiến 18 người chết trong đó Quảng Bình có 7 người; 3 người mất tích; 92 người bị thương. Bão lũ cũng khiến hàng trăm nghìn ngôi nhà ngập, sập, trôi, tốc mái và hư hỏng. Diện tích cây công nghiệp, lâm nghiệp, hoa màu lên đến con số hàng nghìn.
Mưa lớn trong thời gian ngắn khiến nhiều tỉnh bị ngập, đặc biệt là Hà Tĩnh bị ngập nặng. Trao đổi với VnExpress, ông Đặng Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh cho biết, hiện mưa đã ngớt và nước ở ba huyện Hương Sơn, Vũ Quang và Hương Khê đã rút, mới đây lại xuất hiện thêm điểm ngập lụt khác ở Đức Thọ, với mực nước trên báo động 2.
"Hương Sơn là địa phương chịu ngập lụt và thiệt hại nặng nề nhất trên địa bàn tỉnh do mưa lũ gây ra", ông Sơn nói.
Chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn, từ 7h30 đến 9h ngày 16/10 nhưng mưa lũ đã biến xã Sơn Kim II , huyện Hương Sơn trở nên tan hoang. "Mặc dù biết trước được cơn lũ sẽ diễn ra, nhưng không thể tưởng tượng được nó lại đến quá nhanh và quá khủng khiếp như vậy", chị Nguyễn Thị Hoài (50 tuổi, xóm 3, bản Làng Chè) thất thần nói.
Chị Hoài vẫn còn nhớ khoảnh khắc chỉ trong nháy mắt lũ ập về cao khoảng 1,5- 5 m đã cuốn trôi 4 con lợn, 1 con bò và tất cả tài sản trong nhà. "Tiếc lắm nhưng chúng tôi vẫn phải bỏ của chạy lấy người và thấy may vì đến giờ người trong nhà đang còn sống cả", chị Hoài nói.
Nằm ở hạ du nhưng hai xã Phương Mỹ và Hà Linh (huyện Hương Khê) bị lũ nhấn chìm do Thủy điện Hố Hô xả tràn. "Suốt đêm 16 đến rạng sáng 17, nước lũ dâng cao, tôi và nhiều người không tài nào chợp mắt được", anh Trần Văn Thìn (26 tuổi) người dân ở xóm 7, xã Hà Linh nói.
Theo thống kê sơ bộ của tỉnh Hà Tĩnh, mưa lớn gây ngập lụt 69 xã; nhiều tuyến đường (Quốc lộ 8A, 1 A, tỉnh lộ 3, 5) bị ngập và sạt lở gây ách tắc giao thông từ chiều ngày 16/10 đến nay chưa thông tuyến.
Quảng Bình cũng trong tình cảnh tương tự. Hiện các tuyến giao thông Quốc lộ, tỉnh lộ quan trọng đã thông xe trong ngày 17/10/2013 (riêng đường Hồ Chí Minh nhánh Đông đoạn đèo Đá Đẻo bị sụt trượt chưa khôi phục xong).
Theo thống kê sơ bộ, toàn bộ 9 xã vùng nam huyện Quảng Trạch và xã Cảnh Hóa, Phù Hóa đã bị lũ lụt ngập sâu, gây chia cắt, cô lập gần như hoàn toàn. Ngoài ra, tại nhiều xã, thị trấn khác ở Quảng Trạch cũng bị lũ lụt chia cắt cục bộ, lốc xoáy tàn phá nhà cửa cùng nhiều công trình khác.
Tại xã Quảng Sơn, lũ lụt, lốc xoáy đã làm 2 người chết, 21 người bị thương nặng phải nhập viện; gần 40 người bị thương nhẹ; trên 300 nhà dân ở thôn Hà Sơn và Linh Cận Sơn (xã Quảng Sơn) bị đổ sập, tốc mái. Đợt lũ này cũng đã gây thiệt hại nghiêm trọng tại nhiều địa phương của huyện Bố Trạch, đặc biệt là đối với các xã nằm dọc sông Son như: Sơn Trạch, Hưng Trạch, Liên Trạch, Mỹ Trạch.
Ở Nghệ An, đường Quốc lộ 7 ngập nhiều đoạn, có nơi ngập sâu 2,5m; tại các vị trí ngập sâu trên 0,25m, đơn vị quản lý đã tổ chức cắm tiêu vè báo hiệu, cử người trực gác đảm bảo giao thông. Đến sáng ngày 18/10, các điểm bị ách tắc trên đều đã thông xe.
Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh, do mưa ở lưu vực sông Cả kết hợp mưa lớn tại lưu vực đã làm vỡ hai đập hồ nhỏ (không có trong danh mục) là đập Còn Đẻn, xã Thanh Xuân (dung tích trữ nước 7.000 m3) và đập Phốp, xã Thanh Xuân (dung tích trữ nước 18.000 m3). Hồ Đồn Húng xã Lăng Thành huyện Yên Thành, nước tràn với cột nước 1,1 m, mực nước cách đỉnh đập 0,82m.
Tại Đà Nẵng, nơi bão Nari hoành hành suốt 12 giờ đồng hồ, hàng nghìn ngôi nhà đổ sập, tốc mái... Theo báo cáo của Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung - Tây Nguyên ngày 18/10, thiệt hại ban đầu của Đà Nẵng hơn 868 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch Văn Hữu Chiến, bão Nari có cường độ mạnh hơn bão Wutip và tương đương bão Xangsane đổ bộ năm 2006. Tuy nhiên, nhờ chủ động phòng tránh, di dân kịp thời nên đã hạn chế tối đa số người chết, 5 người bị thương đã được đưa đi cấp cứu kịp thời. Do sức gió quá mạnh, quần thảo nhiều giờ nên 122 nhà dân ven biển bị sập hoàn toàn, hơn 4.000 ngôi nhà sập một phần hoặc tốc mái, thiệt hại gần 100 tỷ đồng.
Còn ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đã có 3 người chết, 6 người bị thương, hơn 22.000 ngôi nhà bị hư hại. Mưa lũ cũng làm nhiều cây cối ngã đổ, nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở nghiêm trọng. 47 ghe thuyền của ngư dân bị sóng đánh chìm, ước tính thiệt hại ban đầu 500 tỷ đồng.
Khi bão tan, địa phương có thêm 2 nạn nhân tử vong. Cụ thể, tối 16/10 ba bố con ông Nguyễn Đình Xuân (54 tuổi, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước) và hai người khác sang xã Phước Trà (huyện Hiệp Đức) trồng keo thuê. Khi ngủ lại trong rừng, họ bị lũ quét cuốn trôi. Anh Sang may mắt thoát được dòng nước dữ thì bị núi sạt lở đè nát cánh tay. Thi thể ông Xuân và anh Thu được tìm thấy trong ngày 17/10.
Kiểm tra thiệt hại, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, bão Nari có khả năng tàn phá không khác gì bão Xangsane, các địa phương đã hạn chế thấp nhất thiệt hại về người chính nhờ kinh nghiệm di dân, chủ động đối phó với bão.
Ngoài ra, các địa phương miền Trung cần ưu tiên hàng đầu cho công tác cứu đói, đảm bảo về lương thực và chỗ ở cho người dân bị sập nhà, tốc mái, đặc biệt là các hộ nghèo, gia đình chính sách chịu ảnh hướng nặng nề của bão lũ. "Không được để bất cứ hộ dân nào thiếu đói, lâm cảnh màn trời chiều đất", ông Phúc nói.
Phó thủ tướng cũng chỉ đạo các địa phương cần huy động tổng lực để giúp dân. "Trung ương sẵn sàng hỗ trợ cho các địa phương, ưu tiên xây dựng, cải tạo bờ kè, đê biển, những nơi bị xói mòn, xâm thực. Như ở sông Quảng Huế (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) nếu không sớm khắc phục thì chỉ cần lũ xuất hiện sẽ có thể nhấn chìm cả ngôi làng", ông Phúc nói thêm.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng và Thủy văn Trung ương, hiện lũ ở hạ lưu sông Cả (Nghệ An), sông La (Hà Tĩnh) đã đạt đỉnh và đang xuống chậm. Đỉnh lũ trên sông Cả tại Nam Đàn ở mức 6,72m (1h sáng 18/10), dưới báo động 2: 0,18 m; trên sông La tại Linh Cảm: 5,74m (16h 17/10), trên báo động 2: 0,24 m.
Trong vòng chưa đầy 20 ngày, liên tiếp hai cơn bão Wutip và Nari được đánh giá là mạnh tương đương với cơn bão Xangsane năm 2006 càn quét khắp miền Trung. Hết bão, mưa lớn khiến hàng nghìn ngôi nhà bị ngập, sập và cuốn trôi nhiều người. Hình ảnh đâu đó bóng người nhỏ nhoi trên mái nhà lụp xụp kêu cứu, cảnh những cánh tay vươn lên đón nhận những thùng mì, chai nước không còn là hiếm gặp mỗi khi bão đến, lũ về miền Trung.
Hương Thu - Nguyễn Đông - Ngọc Vượng