Bộ trưởng Bộ Thủy sản Mauritius Sudheer Maudhoo nhấn mạnh trong một cuộc họp báo rằng tất cả 18 con cá voi đều "không có bất kỳ dấu vết nào của hydrocarbon trên da và trong hệ hô hấp". Điều đó có nghĩa là cái chết của chúng không liên quan đến vụ tràn dầu kinh hoàng hồi đầu tháng.
Kết luận được đưa ra sau khi các nhà chức trách hoàn tất quá trình khám nghiệm sơ bộ xác cá voi vào tối 26/8. Trước đó, chính quyền và người dân địa phương nghi ngờ dầu tràn là tác nhân trực tiếp khiến các con vật mắc cạn hàng loạt.
Bãi biển Grand Sable chỉ cách nơi con tàu chở hàng của Nhật Bản gặp sự cố khoảng 10 km. Phần thân của con tàu đã bị gãy và chìm xuống biển hôm thứ Hai khiến hàng nghìn tấn nhiên liệu tràn ra vùng biển hoang sơ, nơi có hệ sinh thái san hô quan trọng.
"Vẫn còn quá sớm để kết luận điều gì đã gây ra cái chết của đàn cá voi", chuyên gia Owen Griffiths từ Hiệp hội Bảo tồn Biển Mauritius nói với AFP. "Đó có lẽ chỉ là một sự trùng hợp đáng tiếc. Vào năm 2005, một vụ mắc cạn hàng loạt của 70 con cá voi đầu dưa cũng được ghi nhận tại Grand Sable".
Những con cá voi có thể đã đuổi theo một đàn cá nhỏ vào đầm phá nhưng không tìm thấy đường ra. Trong cơn hoảng loạn, chúng đã va chạm với rạn san hô, dẫn đến bị thương, kiệt sức và chết, Griffiths giải thích thêm.
Các nhà chức trách cùng chuyên gia từ Nhật Bản và Anh vẫn đang điều tra mức độ thiệt hại thực tế mà vụ tràn dầu gây ra đối với hệ sinh thái và nền kinh tế của Mauritius.
Báo cáo ban đầu cho thấy không có thiệt hại lớn nào tới đáy đại dương nhưng xác tàu đang gây căng thẳng cho rạn san hô nơi nó mắc cạn. Ngoài ra, dầu tràn cũng đã lan tới lớp đất yếu của các khu rừng ngập mặn dọc bờ biển, đe dọa các loài động thực vật trong khu vực.
Cá voi đầu dưa (Peponocephala electra) là một thành viên thuộc phân bộ Cá voi có răng. Chúng có quan hệ gần với cá voi hoa tiêu và cá hổ kình lùn. Loài này phân bố rộng khắp các vùng biển nhiệt đới trên thế giới nhưng ít khi được quan sát thấy do sinh sống dưới đại dương sâu.
Đoàn Dương (Theo AFP)