Sau một năm Quốc hội phê duyệt chủ trương thực hiện dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025, ngày 1/1/2023 tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần.
Với tổng chiều 723 km, 12 dự án vận hành độc lập, gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km), đi qua 12 tỉnh, thành phố (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau). Tổng mức đầu tư dự án 146.990 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2025, đưa vào khai thác từ năm 2026.
Là các dự án giao thông trọng điểm, cấp bách, Bộ Giao thông Vận tải đã khẩn trương khảo sát, thiết kế, phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu... chỉ trong gần một năm, rút ngắn một nửa so với các dự án thông thường.
Để lựa chọn nhà thầu mạnh, ngoài quy định pháp luật về đấu thầu, Bộ Giao thông Vận tải còn xây dựng bộ tiêu chí mẫu về năng lực hành nghề, tài chính, kinh nghiệm... Không có nhà thầu nào bị chấm dứt hợp đồng, cắt chuyển khối lượng tại các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 được tham gia thi công giai đoạn 2.
Đến nay, các địa phương đã bàn giao trên 70% diện tích giải phóng mặt bằng, đáp ứng yêu cầu khởi công 12 dự án.
Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột nối rừng với biển, kết nối Tây Nguyên với đồng bằng duyên dải miền Trung. Đây là tuyến vận chuyển nông sản của vùng Tây Nguyên đến các nước thông qua cảng biển Vân Phong (Khánh Hòa).
Giai đoạn 1 dự án dài hơn 117 km, quy mô 4 làn xe, mặt đường rộng 17 m. Điểm đầu là cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa; điểm cuối tại xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đăk Lăk. Tuyến đường được chia làm 3 dự án thành phần, tổng mức đầu tư dự kiến gần 22.000 tỷ đồng, sử dụng ngân sách Nhà nước.
Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải và hai tỉnh Khánh Hòa, Đăk Lăk khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư, đảm bảo khởi công cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột trước 30/6/2023. Theo kế hoạch, một số đoạn tuyến có lưu lượng xe đông sẽ xong trong năm 2025, hoàn thành toàn tuyến năm 2026.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) dài 53 km, quy mô 4-6 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 17.830 tỷ đồng. Theo yêu cầu của Chính phủ, dự án phải được khởi công trước ngày 30/6/2023, các địa phương phải bàn giao 70% mặt bằng.
Tuyến cao tốc này có vai trò quan trọng trong kết nối các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, đặc biệt là khu kinh tế công nghiệp lớn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với cảng Cái Mép - Thị Vải và dịch vụ du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ngoài ra, tuyến đường sẽ giải tỏa áp lực cho quốc lộ 51, vốn đang bị quá tải. Trong tương lai, khi hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải tăng công suất và cao tốc Bến Lức - Long Thành hoàn thành thì tình trạng quá tải trên quốc lộ này sẽ trầm trọng hơn.
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là tuyến đường quan trọng theo trục ngang của đồng bằng sông Cửu Long, kết nối vận tải giữa cảng nước sâu Trần Đề, các địa phương lân cận.
Dự án dài hơn 188 km, đi qua An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Quy mô giai đoạn 1 có 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h. Tổng đầu tư dự án hơn 44.690 tỷ đồng.
Các địa phương đang giải phóng mặt bằng. Theo chỉ đạo của Chính phủ, dự án sẽ khởi công trước 30/6/2023, hoàn thành cơ bản toàn tuyến năm 2026 và đưa vào khai thác năm 2027. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án được đầu tư với quy mô 6 làn xe cao tốc, mặt cắt ngang 32,25 m.
Vành đai 4 Vùng Thủ đô là vành đai liên vùng, kết nối Hà Nội với các địa phương, tạo ra không gian tăng trưởng mới, đưa Hà Nội - Vùng Thủ đô, vùng đồng bằng Bắc Bộ tiếp tục là động lực dẫn dắt nền kinh tế cả nước.
Tuyến đường dài 112,8 km, chia làm 7 dự án thành phần, đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, nhu cầu sử dụng đất hơn 1.300 ha. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án 85.800 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương và địa phương là 41.860 tỷ đồng, còn lại là vốn xã hội hóa.
Chính phủ yêu cầu ba địa phương lập, thẩm tra, phê duyệt dự án thành phần trước 31/1/2023 và khởi công vào tháng 6/2023. Các địa phương được áp dụng hình thức chỉ định thầu với gói tư vấn, phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư liên quan đến các dự án thành phần bằng vốn đầu tư công.
Vành đai 3 TP HCM dài 76 km, tổng vốn hơn 75.000 tỷ đồng, được chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, dự kiến khởi công tháng 6/2023 và cơ bản hoàn thành năm 2025, đưa vào khai thác từ năm 2026.
Vành đai 3 TP HCM là dự án giao thông liên kết vùng lớn nhất miền Nam từ trước đến nay. Đây được xem là tuyến đường chiến lược, ngoài kết nối giao thông còn tạo hành lang đô thị, công nghiệp không chỉ 4 tỉnh thành dự án đi qua mà tác động cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
UBND TP HCM được giao là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án nhằm bảo đảm tính đồng bộ. Cơ quan thực hiện cũng được giao một số đặc thù như chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật; các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.