Theo báo cáo Chính phủ vừa gửi Quốc hội, đến cuối tháng 4 vẫn còn gần 38.600 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước (chiếm 7,4% kế hoạch Thủ tướng giao) chưa được phân giao chi tiết.
Số vốn ngân sách thanh toán đến cuối tháng 4 gần 95.725 tỷ đồng, trong đó gần 99% là vốn trong nước, còn lại là vốn nước ngoài. Tỷ lệ giải ngân vốn công trong 4 tháng đầu năm đạt xấp xỉ 16,4% kế hoạch giao, tương đương cùng kỳ 2021.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn 17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân (tức giải ngân 0%) kế hoạch đầu tư công năm nay, như Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Ngoại giao, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đại học quốc gia TP HCM, Ban quản lý Làng văn hoá các dân tộc Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Ban quản lý Khu công nghệ cao Hoà Lạc, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam...
Với các dự án khởi công mới sau khi được giao kế hoạch vốn sẽ mất khoảng nửa năm để hoàn thành các bước thủ tục chuẩn bị đầu tư (phê duyệt kế hoạch chọn nhà thầu; thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, chọn nhà thầu xây lắp...). Với dự án chuyển tiếp, các nhà thầu đang thi công nhưng chưa tới kỳ thanh toán hợp đồng những tháng đầu năm 2022, nên chưa giải ngân.
Ngoài ra, còn có lý do vướng mắc, khó khăn trong giải phóng mặt bằng, đền bù, bồi thường người dân.
Dù thế, cơ quan ngành kế hoạch nhận xét nguyên nhân giải ngân chậm vẫn do khâu tổ chức thực hiện của các bộ ngành, cơ quan trung ương còn nhiều bất cập, trách nhiệm người đứng đầu chưa rõ nét. Một số chủ đầu tư chưa tích cực làm các thủ tục thanh, quyết toán. Năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu không đáp ứng yêu cầu.
Hiện, Chính phủ đã lập 6 tổ công tác kiểm tra, tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm nay tại các bộ ngành, cơ quan trung ương chưa phân bổ kế hoạch vốn và có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước (18,48%).
Việc "thúc" giải ngân vốn công được Chính phủ đánh giá là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu.
Loạt giải pháp được đưa ra là đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn liên quan tới đất đai, tài nguyên; nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng; cập nhật và điều chỉnh đơn giá xây dựng... Trường hợp đơn vị nào chậm giải ngân sẽ rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn sang các dự án giải ngân tốt, thiếu vốn.
Năm nay, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách được Quốc hội giao gần 526.106 tỷ đồng, chưa gồm lượng vốn từ gói phục hồi kinh tế - xã hội. Áp lực giải ngân vốn năm nay được đánh giá là "rất lớn", nên cần nỗ lực từ các cấp, ngành và đề cao vai trò và trách nhiệm người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và địa phương...