Sáng 4/5, ông Thái Hồ Phương - Phó giám đốc Trung tâm điều hành và quản lý giao thông đô thị Hà Nội, cho biết từ 5h hôm nay, 100% tuyến buýt ở thủ đô với 16.000 lượt xe mỗi ngày đi vào phục vụ hành khách sau hơn một tháng dừng hoạt động.
Để phòng chống dịch Covid-19, khi lên xe, hành khách phải đeo khẩu trang, ngồi cách nhau một hàng ghế, hạn chế nói chuyện và ăn uống trên xe...
Trên tuyến buýt nhanh BRT, từ sáng sớm xe chạy với tần suất khoảng 3 phút một chuyến nên không xảy ra tình trạng quá tải. Một nửa số ghế trên xe dán các tờ giấy A4 với nội dung "hành khách không ngồi ghế này" để đảm bảo giãn cách. Các xe buýt đều mở cửa sổ trời để lấy khí tự nhiên thay vì bật điều hòa.
Tài xế xe buýt nhanh Nguyễn Chí Thanh cho biết "trong khung giờ cao điểm sáng nay, trung bình mỗi chuyến chở khoảng hơn 20 người; trước đó khi chưa có dịch thường chật kín với trên 60 hành khách".
Khoảng 8h, xe buýt thường tuyến số 22A (sức chứa 60 người) đi từ Trung Văn tới bến xe Gia Lâm đón gần 30 khách. Trên xe trang bị khoảng 20 ghế cứng và đều có người ngồi.
Anh Nguyễn Tuấn Anh, phụ xe tuyến 22A cho biết "tuy đã dán giấy cảnh báo ở các ghế và khi thu vé chúng tôi cũng nhắc nhở khách, nhưng vào giờ cao điểm rất khó thực hiện đúng quy định ngồi cách nhau một hàng ghế".
Bác Nguyễn Văn Tuấn ở Giảng Võ (Đống Đa) nói "quy định ngồi cách nhau một hàng ghế giúp phòng tránh dịch bệnh, tuy nhiên cũng tùy thời điểm, điều quan trong hơn là bắt buộc mọi người đeo khẩu trang và không nói chuyện trên xe".
Một số tuyến buýt chạy qua các cung đường có nhiều trường đại học như Trần Phú, Quang Trung, Nguyễn Trãi (quận Hà Đông) cũng đông khách vào giờ cao điểm, trung bình khoảng 30 người mỗi chuyến.
Trước đó cuối tháng 3, TP Hà Nội đã dừng hoạt động các loại hình vận tải công cộng, bao gồm xe buýt để phòng chống dịch.