Gun Violence Archive, tổ chức phi lợi nhuận chuyên ghi nhận tình trạng bạo lực súng đạn Mỹ, báo cáo hơn 400 vụ nổ súng khắp cả nước từ ngày 2/7 đến ngày 4/7.
New York, thành phố đã chứng kiến bạo lực súng đạn tăng lên mức chưa từng có trong nhiều năm gần đây, ghi nhận 21 vụ nổ súng khiến 26 người thương vong trong dịp lễ quốc khánh. Sở Cảnh sát thành phố cho biết thêm chỉ riêng ngày quốc khánh 4/7, New York đã xảy ra 12 vụ nổ súng, làm 13 người chết và bị thương.
Tại Chicago, Giám đốc Cảnh sát David Brown đã nêu lên lo ngại về "cuối tuần thách thức nhất trong năm" với lực lượng cảnh sát khi xảy ra loạt vụ xả súng từ 18h ngày 2/7 tới 6h ngày 4/7, khiến 83 người bị bắn, trong đó 14 người chết.
Vào sáng sớm 4/7, một vụ xả súng cũng xảy ra gần tiệm rửa xe ở Fort Worth, Texas, sau mâu thuẫn giữa một nhóm nam giới, khiến 8 người bị thương. Trước đó ở ngoại ô Atlanta, tay golf Gene Siller cũng được tìm thấy tử vong vì bị "bắn vào đầu".
Cảnh sát Norfolk, Virginia, cũng báo cáo vụ nổ súng chiều 2/7 khiến 4 em nhỏ bị thương và bắt một nghi phạm mới 15 tuổi. Tổng số người chết vì bạo lực súng đạn trong dịp này đã lên tới 150 và con số sẽ tiếp tục tăng lên khi Gun Violence Archive tiếp tục xác minh thêm các vụ nổ súng.
CNN nhận định nước Mỹ đang trải qua "đại dịch bạo lực" liên quan tới súng đạn. Theo dữ liệu của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), 73% trong tất cả vụ giết người ở Mỹ năm 2019 có liên quan đến súng đạn. Đây là con số cao hơn rất nhiều so với 39% ở Canada, 22% ở Australia và 4% ở Anh cùng xứ Wales.
Tổng thống Joe Biden từng gọi bạo lực súng đạn ở Mỹ là "dịch bệnh", "nỗi hổ thẹn" với cộng đồng quốc tế và công bố 6 sắc lệnh hành pháp để kiểm soát vũ khí.
Theo nghiên cứu của tổ chức phi lợi nhuận RAND, Mỹ có tỷ lệ sở hữu súng trong dân cao nhất thế giới, cũng như tỷ lệ tử vong do súng luôn cao hơn những quốc gia phát triển khác. Gần 4.000 người Mỹ chết mỗi năm vì các vụ xả súng.
Ngọc Ánh (Theo CNN)