Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Văn Pha, Phó chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc cho biết, theo thống kê đến hết ngày 20/4, trong số 1.086 ứng viên ở vòng hiệp thương hai có 832 người lọt vào vòng bầu cử đại biểu Quốc hội chính thức. Số ứng viên chính thức gồm 182 người ở trung ương và 650 ở địa phương.
Với số đại biểu Quốc hội tối đa được bầu là 500, số dư đạt yêu cầu với tỷ lệ 1,66. Về cơ cấu kết hợp của các ứng viên ở địa phương, nữ có 239 người, ngoài Đảng 110 người, trẻ dưới tuổi là 180 người, tái cử 83 người.
![]() |
Ứng viên Nguyễn Tất Đạt (trái) là một trong số 30 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội của Hà Nội lọt vào vòng cuối. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Đáng chú ý, trong các ứng viên địa phương, có 15 người (12 nam, 3 nữ) thuộc diện tự ứng cử ở 8 tỉnh. Hà Nội và TP HCM cùng có 4 người; Nghệ An 2 người; các tỉnh Bạc Liêu, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Hưng Yên mỗi tỉnh một người; 11 trên 15 ứng viên là người ngoài Đảng. Trước đó, có 83 người tự ứng cử ở 22 tỉnh, thành được lập danh sách ở vòng hai.
Năm 2007, có 30 ứng viên tự do lọt vào vòng cuối cùng trong số 238 người tự ứng cử. Theo ông Pha, nếu tính tỷ lệ, số người tự ứng cử được lọt vào vòng chính thức kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 13 cao hơn kỳ trước khá nhiều, trên 18% so với khoảng 12%.
Theo quy định, đến ngày 27/4 (trước ngày bầu cử 25 ngày), Hội đồng bầu cử sẽ lập và công bố danh sách những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử theo danh sách chính thức do Ban Thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc và Ủy ban bầu cử các địa phương gửi đến.
Các ứng viên sẽ có 18 ngày (3-20/5) để vận động bầu cử.
Nguyễn Hưng