- Từng giữ cương vị có thể coi là thuận lợi để ứng cử đại biểu Quốc hội như Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy, Phó chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc, tại sao đến thời điểm này ông mới ứng cử?
- Có hai lý do khiến tôi quyết định ứng cử đại biểu Quốc hội kỳ này. Quá trình công tác của tôi có rất nhiều năm làm việc liên quan tới tổ chức bầu cử, đặc biệt là bầu cử đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên chưa lần nào tôi tự ứng cử. Tôi nghĩ mình cần trải nghiệm thực tiễn để biết người tự ứng cử có những thuận lợi, rào cản nào. Tôi muốn hiểu rõ tâm lý, trăn trở của người đó, xã hội đối với người đó ra sao, quá trình làm thủ tục có gì đáng quan tâm…
Theo luật, người tự ứng cử và người được giới thiệu đều được gọi là ứng cử viên, là như nhau, nhưng thực tế khác. Tôi hy vọng từ những trải nghiệm của mình để tiếp tục có ý kiến tham gia sửa đổi Luật bầu cử cũng như quy trình bầu cử đại biểu Quốc hội.
Nguyên nhân thứ hai là ở tuổi 68, đã trải qua nhiều hoạt động chính trị - xã hội với nhiều môi trường công tác khác nhau, tôi thấy mình còn đủ sức khỏe. So với lúc còn giữ cương vị do Đảng, Nhà nước giao phó, tôi thấy mình bây giờ thuận lợi hơn để ứng cử trở thành đại biểu Quốc hội. Tức là tôi không còn cảm thấy áp lực về công việc, về các mối quan hệ mà hoàn toàn có thể tập trung suy nghĩ để làm những việc có lợi cho đất nước.
- Ông vẫn là Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc, cơ quan có tiếng nói ảnh hưởng đến đời sống chính trị - xã hội đất nước, trở thành đại biểu Quốc hội theo ông có gì khác?
- Mặt trận đại diện cho tiếng nói của nhân dân, tham gia giám sát và phản biện xã hội, nhưng khác với Quốc hội. Sự giám sát của Quốc hội là giám sát của tổ chức quyền lực tối cao. Những khóa gần đây, tôi thấy Quốc hội có nhiều hoạt động mới, tích cực, có nhiều đại biểu là tấm gương khiến tôi phải suy nghĩ. Trao đổi kinh nghiệm với họ, học tập họ tôi thấy mình có trách nhiệm tham gia quá trình giám sát, soạn thảo luật, chính sách.
![]() |
Ông Lê Truyền: "Tôi biết tôi và những ứng viên tự do cơ hội trúng cử rất nhỏ". Ảnh: Nguyễn Hưng. |
- Theo dõi nhiều kỳ bầu cử hẳn ông biết khả năng trúng cử của người tự ứng cử không cao. Ông nhìn nhận về cơ hội của mình thế nào?
- Đây là chuyện rất khó nói… Tôi biết tôi và những ứng viên tự do cơ hội trúng cử rất nhỏ. Nhưng như tôi đã nói, tham gia là để trải nghiệm, đi đến đâu biết được đến đó. Người tự ứng cử khó vượt qua được những cái gần như được định trước, ví dụ cơ cấu phân bổ gần như đã kín tổng số đại biểu. Đây là băn khoăn rất lớn của tôi.
Với cá nhân, dù trúng hay không tôi cũng rất thoải mái. Nếu được sẽ làm cho tốt công việc Quốc hội giao. Nhưng nếu trượt vẫn rút ra kinh nghiệm để tham gia công tác Mặt trận, góp ý kiến và sửa đổi bổ sung Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, quy trình tiến hành của các công việc bầu cử để tạo thuận lợi hơn cho người tự ứng cử.
- Nhiều đại biểu trong quá trình vận động bầu cử đã thuyết phục cử tri bằng rất nhiều lời hứa. Tuy nhiên, khi trúng cử thì tiếng nói, vai trò của họ ở Quốc hội không thể hiện như đã hứa. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Tôi không đồng tình với cách biểu thị trước sau không nhất quán như vậy. Mỗi người từ khi quyết định ứng cử cho đến quá trình làm thủ tục, tiếp xúc cử tri tất cả phải có cái tâm, phải nghĩ vào Quốc hội để làm gì và như thế nào. Từng ứng viên phải suy nghĩ trên cơ sở trách nhiệm, khả năng tới đâu và công khai với cử tri tới đó. Cần tránh tình trạng nói những điều không thể làm hoặc bỏ không làm khi trúng cử. Cái đó rất quan trọng, nó tạo lòng tin với người dân từ khi anh còn chưa phải là đại biểu Quốc hội. Tôi thể hiện sự chân thành với cử tri từ đầu bằng lời hứa những việc mình có thể làm được, hứa những việc đã suy nghĩ kỹ.
Tôi cũng muốn chia sẻ thêm về hình thức tranh cử, ở mình được gọi là vận động bầu cử. Tôi nghĩ cần làm thế nào để người ứng cử thể hiện được, nói ra được suy nghĩ trước cử tri. Và cần tạo cơ hội cho ứng viên được làm điều đó bình đẳng, công khai, trong đó có vai trò của các cơ quan báo chí.
- Có ý kiến cho rằng các địa phương bố trí “quân xanh, quân đỏ” để bầu cử cho thuận, cho nhanh, dễ cho sự lãnh đạo. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
- Đây chính là vấn đề tôi muốn nghiên cứu để thay đổi quan điểm. Thực tế, việc sắp xếp bố trí ứng viên hiện không ổn, chưa công bằng và chính những người tự ứng cử đang là “quân xanh”. Tất nhiên, sẽ cần một quá trình để thay đổi nhưng tôi tin qua mỗi kỳ bầu cử, chắc chắn sự tiến bộ sẽ tăng lên. Nếu người tự ứng cử khẳng định được chất lượng của mình như người được giới thiệu thì sẽ bình đẳng, không có chuyện quân xanh quân đỏ. Đồng thời, qua mỗi kỳ bầu cử số người tự ứng cử sẽ tăng lên, tỷ lệ trúng cử nhiều hơn, chứ không chỉ tham gia hình thức.
Ông Lê Truyền sinh năm 1943, tốt nghiệp ĐH Y Hà Nội song lại sớm chuyển qua hoạt động Đoàn và trở thành Bí thư Đoàn khối cơ quan trung ương. Từ năm 1979, ông tham gia thường vụ tỉnh ủy tỉnh Hải Hưng (Hải Dương và Hưng Yên ngày nay), từng giữ chức Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy. Năm 1994 ông chuyển qua công tác ở Mặt trận tổ quốc Việt Nam, 3 khóa liền ở trong Đảng đoàn Mặt trận và có thời gian làm Phó chủ tịch Mặt trận. Hiện, ông vẫn là ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc. |
Nguyễn Hưng thực hiện