Các nghệ sĩ là bạn đồng niên, từng tốt nghiệp khóa 2001 - 2006, Đại học Mỹ thuật TP HCM. Mỹ Hạnh - một trong những họa sĩ tham gia triển lãm - cho biết mỗi tác phẩm là một cái "duyên" của tác giả, mang tinh thần họ lĩnh hội được sau hành trình chiêm nghiệm về cuộc sống, con người.
Các tác phẩm đa dạng về chất liệu và phong cách, trường phái. Ngô Đình Bảo Vi mang đến cụm tác phẩm Buổi sáng trên quê hương, chất liệu xơ sợi từ các loại cây trồng, gồm ba bức tranh mang tên Cây, Khế và Chim quốc. Đào Kiến Quốc trưng bày bức Giao mùa - in độc bản sơn dầu trên vải bố. Họa sĩ Phạm Long Thủy Trúc chọn đề tài hoa hồng để truyền tải thông điệp lạc quan, tích cực.
Nhiều tác phẩm cùng chủ đề nhưng mỗi họa sĩ có cách trình bày khác nhau. Với cảm hứng về Tây Bắc, họa sĩ Mỹ Hạnh khai thác thế giới nội tâm của con người vùng cao. Các tác phẩm của chị thuộc thể loại digital paiting (vẽ tranh kỹ thuật số), ghi lại tâm trạng những em bé chị gặp trên chuyến đi: hạnh phúc khi có mẹ, bơ vơ vì mồ côi. Có tác phẩm - như bức Hoa cười, chị chọn góc cận để toát lên niềm hạnh phúc của hai cô bé, có bức lấy toàn cảnh để thấy được sự lạc lõng, cô quạnh của nhân vật. Họa sĩ Hà Hùng Dũng khắc họa những chuyến đi đến núi rừng qua loạt tranh về cảnh vật, con người. Anh nói: "Sau những lần thăm Tây Bắc, tôi rung cảm trước những bông hoa núi rừng - biểu tượng của phụ nữ và trẻ em nơi đây: bí ẩn, quyến rũ và đầy sức sống".
Qua triển lãm, họa sĩ Mỹ Hạnh bán tranh để lấy kinh phí xây dựng thư viện cho trẻ em nghèo vùng sâu, vùng xa. Chị nói: "Tôi hy vọng dự án giúp các em hình thành thói quen đọc sách, tìm hiểu nghệ thuật để sáng tạo hơn, tin yêu vào cuộc sống". Sự kiện diễn ra tại Hội Mỹ thuật TP HCM từ ngày 5 đến ngày 9/12.
Tam Kỳ