Làn sóng biểu tình bắt đầu bùng phát tại Bangladesh từ tháng 7, khi sinh viên nước này xuống đường tuần hành để phản đối chính sách phân bổ hạn ngạch viên chức. Theo chính sách này, Bangladesh dành hơn một nửa chỉ tiêu tuyển dụng viên chức hàng năm cho các nhóm đặc quyền, như con của cựu binh trong cuộc chiến giải phóng dân tộc khỏi Pakistan năm 1971.
Các cuộc biểu tình nhanh chóng leo thang thành bạo loạn cùng lời kêu gọi Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức. Bà Hasina vừa tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 5 hồi tháng 1, trong cuộc bỏ phiếu bị phe đối lập tẩy chay với cáo buộc nó không diễn ra tự do và công bằng.
Theo thống kê của AFP, ít nhất 300 người đã thiệt mạng sau một tháng phong trào biểu tình bạo lực bùng phát. Hôm 4/8 trở thành ngày đẫm máu nhất từ khi biểu tình bùng phát, với ít nhất 94 người thiệt mạng, trong đó có 14 cảnh sát, khi lực lượng an ninh đụng độ bạo lực với sinh viên, thanh niên.
Một ngày sau, bà Hasina tuyên bố từ chức và lên trực thăng rời khỏi đất nước, không lâu sau khi người biểu tình tràn vào Phủ Thủ tướng ở thủ đô Dhaka. Điều này đặt dấu chấm hết cho hành trình quyền lực kéo dài 15 năm của chính trị gia được mệnh danh là "Người đàn bà thép" này.
Bà Hasina, 71 tuổi, là con gái của cựu thủ tướng Bangladesh Sheikh Mujibur Rahman, người dẫn dắt quốc gia này giành độc lập vào năm 1971. Khi ông Rahman, vợ và ba con trai bị các sĩ quan nổi loạn sát hại trong cuộc đảo chính tại Bangladesh hồi năm 1975, bà Hasina mới 27 tuổi và đang ở nước ngoài.
Bà quay trở lại quê nhà sau đó 6 năm để nắm quyền lãnh đạo đảng Liên đoàn Awami của cha, bắt đầu cuộc đấu tranh chính trị kéo dài một thập kỷ, trong đó chính trị gia này đã vài lần bị quản thúc tại gia trong thời gian dài.
Năm 1990, bà Hasina hợp tác với đảng Dân tộc Bangladesh (BNP) của chính trị gia Khaleda Zia để tham gia lật đổ nhà độc tài quân sự Muhammad Ershad, qua đó chấm dứt chế độ quân chủ ở Bangladesh.
Tuy nhiên, liên minh của họ nhanh chóng đổ vỡ và nền chính trị Bangladesh sau đó trở thành màn đối đầu giữa bà Hasina và bà Zia. Bà Hasina đã đi trước một bước khi trở thành Thủ tướng Bangladesh vào năm 1996, nhưng để mất chức vụ này vào tay đối thủ sau đó 5 năm.
Năm 2007, hai nữ chính trị gia này bị bỏ tù với cáo buộc tham nhũng sau cuộc đảo chính của chính quyền được quân đội Bangladesh hậu thuẫn. Các cáo buộc sau đó được hủy và họ một lần nữa đối đầu với nhau ở cuộc bầu cử năm 2008, trong đó bà Hasina chiến thắng áp đảo. Bà từ đó giữ chức vụ Thủ tướng Bangladesh liên tục cho đến ngày 5/8.
Trong thời kỳ cầm quyền, bà Hasina được những người ủng hộ ca ngợi vì đã dẫn dắt Bangladesh trải qua giai đoạn tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, trong đó động lực chính là ngành công nghiệp xuất khẩu sản phẩm dệt may với lực lượng lao động chủ yếu là nữ giới.
Bangladesh là một trong các quốc gia nghèo nhất thế giới khi giành độc lập vào năm 1971, từng bị cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cho là "trường hợp không thể cứu vãn được" về mặt kinh tế.
Dù vậy, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Hasina, Bangladesh từ năm 2009 đã đạt mức tăng trưởng trung bình hơn 6% một năm.Tình trạng đói nghèo ở nước này cũng giảm mạnh và hơn 95% trong tổng số 170 triệu dân nước này hiện có điện sinh hoạt.
Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của Bangladesh vượt Ấn Độ, đạt mức 2.457,92 USD, theo World Bank.
Ngoài kinh tế, bà Hasina cũng được ca ngợi vì đã mạnh tay trấn áp các nhóm phiến quân Hồi giáo, sau sự kiện 5 phần tử cực đoan người Bangladesh xông vào một quán cafe được nhiều người phương Tây yêu thích ở Dhaka và sát hại 22 người hồi năm 2016.
Tuy nhiên, chính sách điều hành cứng rắn với phe đối lập của bà Hasina cũng gây ra làn sóng bất bình ở trong nước, cũng như khiến Mỹ và một số quốc gia khác bày tỏ lo ngại.
Trong một thập kỷ qua, tổng cộng 5 lãnh đạo Hồi giáo hàng đầu và một quan chức cấp cao của phe đối lập ở Bangladesh đã bị hành quyết với cáo buộc phạm tội ác chống lại loài người trong cuộc chiến giành độc lập hồi năm 1971. Các phiên tòa xét xử những người này đã làm bùng phát các cuộc biểu tình quy mô lớn và đụng độ gây chết người.
Những người phản đối chính phủ của bà Hasina gọi những phiên tòa đó là "trò hề", không có mục đích gì khác ngoài nhằm "bịt miệng" phe đối lập.
Bà Zia, 78 tuổi, người từng là đối thủ chính trị chính của bà Hasina, bị kết án 17 năm tù hồi năm 2018 với tội danh tham nhũng và phải nằm viện từ đó tới nay do sức khỏe giảm sút. Các lãnh đạo cấp cao khác của BNP cũng đang phải ngồi tù.
Mỹ năm 2021 áp đặt các biện pháp trừng phạt với một nhánh tinh nhuệ của lực lượng an ninh Bangladesh và 7 sĩ quan hàng đầu của lực lượng này, với các cáo buộc vi phạm nhân quyền.
Tình hình kinh tế của Bangladesh cũng xấu đi gần đây, khi ước tính có tới 18 triệu thanh niên nước này không có việc làm trong năm ngoái, dù bà Hasina đã cam kết sẽ đưa Bangladesh trở thành "quốc gia thịnh vượng và phát triển". Tranh cãi liên quan vấn đề hạn ngạch viên chức được cho là "giọt nước tràn ly" khiến bà Hasina đánh mất quyền lực sau 15 năm lãnh đạo đất nước.
Tháng trước, trong chuyến thị sát các khu vực bị thiệt hại do các cuộc biểu tình gây ra ở Dhaka, bà Hasina khẳng định bản thân đã cống hiến rất nhiều cho Bangladesh trong suốt những năm cầm quyền.
"Tôi đã xây dựng đất nước này trong 15 năm qua. Có gì mà tôi còn chưa làm cho nhân dân?", bà hỏi các phóng viên.
Nhưng khi hối hả lên trực thăng rời đất nước để tới Ấn Độ sống lưu vong, bà thậm chí không kịp ghi âm thông điệp gửi tới người dân. Sau khi bà rời đi, quân đội Bangladesh tuyên bố tiếp quản đất nước và sẽ thành lập chính phủ lâm thời.
Phạm Giang (Theo AFP)