Anh có công việc với thu nhập ổn định ở mức đủ sống, không tệ nạn, không nghiện ngập, không rượu chè, không thường tụ tập bạn bè, hình thức ưa nhìn, tính cách nghiêm chỉnh, sở thích lành mạnh. Vì cảm giác an toàn và yên bình đó, tôi đã kết hôn mà bỏ qua những điều tưởng rằng mình sẽ chấp nhận được mãi.
Tôi nói một chút về bản thân: Tôi hiểu rõ mình có nhiều hạn chế. Hình thức tôi ưa nhìn, từng yêu người khác trước khi yêu chồng. Hiện tại tôi có một công việc thu nhập thấp nhưng cũng giữ vị trí lãnh đạo và đang có chiều hướng phát triển, thỉnh thoảng phải đi đối ngoại.
Tôi là công chức, thu nhập không cao; chồng làm ở một tập đoàn lớn. Anh luôn xem thường và ác cảm với công việc của tôi, rồi hỏi sao tôi không tìm việc khác. Dù việc bận rộn, vất vả, lương thấp, nhưng đây là công việc mà tôi thấy mình có thể làm tốt và đem lại động lực để không gục ngã trước sự chì chiết, kiểm soát, ghen tuông vô lối của chồng suốt ngần ấy năm. Tôi hiểu, dù có làm việc gì cũng không tránh khỏi phải giao tiếp với người khác ít nhiều, nếu ở nhà làm nội trợ chắc chắn hàng xóm sẽ thành đối tượng bị ghen tuông tiếp theo. Tôi lại càng không thể ở nhà nội trợ hay buôn bán vỉa hè. Không kiếm được tiền, hay kiếm được tiền theo cách "không sang" thì chồng càng có lý do để nói những câu xem thường tôi, rồi lại suốt ngày cằn nhằn, than phiền tiền nong.
Thực lòng, tôi luôn cố gắng để hạn chế nhất các mối quan hệ bên ngoài. Cuộc sống bị dằn vặt, đay nghiến thực sự khiến tôi mệt mỏi, bế tắc, đó là tính ghen tuông và kiểm soát vô lối của chồng. Tôi luôn không thể biết mình có đang bị theo dõi bằng một cách nào đó không như nghe lén, định vị, xâm nhập tất cả các tài khoản email, mạng xã hội. Rồi chồng tôi sẽ càm ràm, chì chiết về những thông tin lượm lặt một cách méo mó ấy với giọng mỉa mai, ngang ngược. Anh làm những việc đó như thể đấy là điều hiển nhiên.
Suốt gần 20 năm yêu rồi cưới, anh chưa bao giờ ngừng ghen tuông hay nghi ngờ tôi qua lại với người yêu cũ, mặc dù tôi chưa một lần gặp gỡ, liên lạc với người đó. Những câu hỏi đay nghiến của chồng cứ lặp đi lặp lại từ năm nay qua năm khác; những giả định, sự ngờ vực và tưởng tượng không dừng lại. Nếu nam giới nào gọi điện thoại, nhắn tin vài lần, cuộc nói chuyện hơi dài, thường xuyên "like" bài trên mạng xã hội của tôi, đều bị trở thành đối tượng có tình ý mờ ám với tôi. Nếu ngày nào tôi mặc đẹp, làm đẹp chút sẽ bị chồng cho rằng "đi với giai".
Chồng có thu nhập hơn tôi khoảng sáu, bảy lần. Anh luôn so bì, còn tôi có lòng tự trọng, bởi vậy từ khi lấy nhau đến giờ tôi chưa bao giờ giữ tiền lương của chồng. Hồi đầu, tôi cũng cố gồng mình để cố gắng kham phần học hành của một đứa con. Vài năm trở lại đây, thu nhập chồng khá hơn, tôi đã thương lượng và anh chấp nhận lo toàn bộ tiền học của hai con, nhà cửa, các khoản chi lớn. Tôi chỉ lo chi phí sinh hoạt, ăn uống trong gia đình, tự nuôi thân và chăm lo tư trang cho con cái. Vậy nhưng, vấn đề tiền bạc vẫn luôn là điều khiến cuộc sống của tôi ngột ngạt vì những câu nói khinh thường, mỉa mai, than thở của chồng. Đó là sự xâm phạm và bạo lực về tinh thần.
Đã có nhiều cuộc trò chuyện để tìm sự hóa giải, mong có thể thay đổi được chồng, rồi chỉ hôm trước hôm sau đâu lại như cũ. Tôi cảm thấy bất lực và những lúc như vậy không muốn chung chăn gối với anh. Tôi im lặng hoặc gào lên để từ chối anh. Nhưng dù tôi có đồng thuận hay không, chồng vẫn làm việc đó để thỏa mãn bản thân. Tôi chỉ cảm nhận được một điều rõ rệt nhất trong những lúc đó, mình như là chỗ để anh giải tỏa sinh lý. Trong suốt ngần ấy năm đấu tranh, thứ duy nhất tiến bộ, đó là ba năm nay, tôi không bị anh đòi hỏi khi đang lúc "đèn đỏ". Tôi đã nhiều lần nghĩ đến việc ly hôn.
Một số cao trào đó là khi chồng nghi ngờ, dò xét phải "ăn ốc đổ vỏ" lúc tôi mang bầu đứa thứ nhất, hoặc khi anh ngoại tình với đồng nghiệp nữ lúc đứa con thứ hai của chúng tôi chưa đầy một tuổi. Có những chuỗi ngày lặp đi lặp lại tôi như người để anh thỏa mãn nhu cầu sinh lý. Mỗi lần tôi nói chuyện nghiêm túc, quyết tâm về việc ly hôn, chồng lại xin lỗi rồi thay đổi được vài hôm. Đến giờ, sau khi có thu nhập khá hơn, chồng càng tỏ ra trịnh thượng, luôn xem mình là đúng, là nhất, không còn cảm thấy có lỗi nữa. Anh thoải mái với những câu mỉa mai, tọc mạch, xoi mói, phán xét và khinh miệt tôi.
Tôi đắn đo rất nhiều về việc ly hôn, vì biết với điều kiện của mình khó có thể đấu tranh giành quyền nuôi con. Điều tôi sợ hơn cả việc mình bị đối xử tồi tệ, đó là hai đứa con nếu không có sự kèm cặp của tôi, lớn lên trong vòng tay của bố và nhà nội, chúng sẽ nhiễm những tính cách sân si, vị kỷ, tinh tướng, nóng nảy, luôn xem mình là nhất.
Mặc dù có những mâu thuẫn trong quan điểm, lý tưởng sống nhưng chúng tôi có điểm chung là đều rất trân trọng và giữ gìn gia đình. Ngoài một lần anh ngoại tình với đồng nghiệp, vợ chồng khủng hoảng một thời gian, tôi đã chấp nhận tha thứ cho anh. Sau đó, chồng chưa bao giờ để tôi thấy sai lầm nào khác. Anh giữ nền nếp sinh hoạt, làm việc chỉn chu và có trách nhiệm với các con. Đó cũng là lý do tôi chịu đựng để sống chung với những tổn thương tâm lý mà chồng gây ra mỗi ngày.
Tôi từng mong mỏi có một gia đình hạnh phúc, đủ đầy, để nuôi dưỡng con cái trưởng thành. Cũng có vài lúc tôi nghĩ dại dột và cảm thấy nhẹ nhõm lắm. Đến thời điểm này, tôi thật sự không còn hy vọng vào sự thay đổi nhận thức, tư duy và hành động của chồng nữa. Tôi xác định và chấp nhận việc không có được quyền nuôi cả hai con nếu ly hôn. Tôi vẫn cần cố thêm đôi năm để hai con lớn thêm chút, ổn định việc học sau chuyển cấp. Tôi thật sự bất lực, mệt mỏi và cô đơn, chỉ muốn nói ra để mình không gục ngã.
Hà Thương
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc