Khoảng 14h ngày 25/4/2007, hai cảnh sát Michèle Kiesewetter (22 tuổi) cùng Martin Arnold (24 tuổi) đỗ xe dưới tán cây tại thành phố Heilbronn để nghỉ trưa. Xe vừa dừng bánh chưa được bao lâu, cả hai đều trúng đạn vào đầu, súng bị lấy đi. Michèle chết, Martin sống sót nhưng hôn mê, khi tỉnh lại cũng không nhớ gì về sự việc.
Manh mối duy nhất là mẫu ADN do chuyên viên dùng tăm bông thu được từ bảng điều khiển trung tâm trong xe. Kết quả giám định cho thấy mẫu vật này trùng với ADN của "người phụ nữ không có khuôn mặt", nữ sát nhân bí ẩn đã ám ảnh nước Đức trong nhiều năm. Nhưng cũng như các vụ án trước đó có liên quan tới nghi phạm này, cuộc điều tra mau chóng đi vào bế tắc. Cái chết của Michèle khiến nữ sát thủ có thêm biệt hiệu mới là "bóng ma Heilbronn".
Đây không phải lần cuối cùng nữ sát thủ bí ẩn gây án. Từ năm 1993 tới năm 2008, "bóng ma Heilbronn" đã có mặt tại 40 hiện trường vụ án xảy ra tại Đức, Pháp và Áo, trong đó có 6 vụ án mạng.
ADN của "bóng ma Heilbronn" xuất hiện lần đầu tiên trên tách trà tại hiện trường cái chết của người phụ nữ 62 tuổi vào tháng 5/1993 tại thị trấn Idar-Oberstein (Đức). 8 năm sau, nữ sát thủ tiếp tục để lại ADN trên ngăn kéo tủ bếp của nam nạn nhân 61 tuổi tại thành phố Freiburg (Đức).
Qua nhiều năm, dấu vết ADN của nữ sát thủ lần lượt hiện diện trên xi lanh ma túy bị vứt trong rừng, trên miếng bánh quy ăn dở hoặc khẩu súng đồ chơi tại hiện trường vụ cướp, và đặc biệt là trong 20 vụ đột nhập, ăn trộm xe máy hoặc ôtô trong khoảng 2003-2007 tại Đức và Áo...
Mỗi lần xuất thủ, "bóng ma Heilbronn" đều không để lại dấu vết gì ngoài mẫu ADN được xác định là giới tính nữ, người gốc Đông Âu hoặc Nga. Trong một số vụ, cảnh sát tìm được một vài nghi phạm khác, nhưng những người này đều nói không biết gì về "bóng ma Heilbronn" và bị cho là cố che giấu sự thật.
Để giải mã bí ẩn này, cảnh sát các nước châu Âu như Đức, Pháp, Áo... cùng hợp tác điều tra. Theo cảnh sát, "bóng ma Heilbronn" không có thủ đoạn gây án đặc trưng, đã thực hiện nhiều loại tội phạm như phá hoại tài sản, trộm cắp vặt, và giết người ở nhiều độ tuổi, bao gồm cả cảnh sát. Đồng phạm của người này đến từ các vùng khác nhau như Slovakia, Serbia, Romania, Albania, và thậm chí Iraq.
ADN khả nghi là của nữ giới, nhưng nhân chứng trong một số vụ án lại nhìn thấy người ở hiện trường là đàn ông, như vậy liệu có phải nghi phạm đã cải trang hay chuyển giới? Cơ sở dữ liệu tội phạm các nước không lưu trữ mẫu ADN của nữ sát thủ, chẳng lẽ cô ta chưa bao giờ bị bắt giữ trong chuỗi ngày gây án?
Ngoài ra, ADN của "bóng ma Heilbronn" đôi khi cũng xuất hiện ở những nơi kỳ lạ. Ví dụ, trong vụ án anh bắn bị thương em trai vào năm 2005 tại Đức, quá trình giám định khẩu súng tìm thấy mẫu ADN của "bóng ma" trên một viên đạn. Càng được mang ra phân tích, "bóng ma Heilbronn" càng khiến nhà chức trách cảm thấy khó hiểu.
Các vụ đột nhập có liên quan tới "bóng ma Heilbronn" xảy ra với số lượng lớn khiến cảnh sát nghi ngờ đây là kẻ thường xuyên cần tiền để hút chích ma túy. Địa điểm gây án trải khắp ba nước Đức, Pháp, và Áo nên nghi phạm nhiều khả năng thuộc dạng "nay đây mai đó", vô gia cư.
Dựa trên bản phác họa chân dung nghi phạm, cảnh sát Đức lấy mẫu ADN của hơn 3.000 người phụ nữ hội đủ các tiêu chí như vô gia cư, nghiện ma túy, và có tiền sử phạm tội nghiêm trọng nhưng đều không trùng khớp. Pháp, Bỉ, và Italy cũng đối chiếu ADN của hàng trăm phụ nữ khác song việc tìm kiếm không mang lại kết quả.
Cảnh sát các nước ước tính đã dành ra lực lượng hơn 100 người, bỏ ra hơn 16.000 giờ làm việc trong 8 năm để cố tìm kiếm "bóng ma Heilbronn", tiêu tốn khoảng hai triệu Euro. Đầu năm 2009, mức tiền thưởng cho người cung cấp thông tin giúp bắt giữ nữ sát thủ được tăng lên thành 300.000 Euro nhưng vẫn không ai ra mặt. "Bóng ma Heilbronn" được báo chí mô tả là chuỗi tội phạm hàng loạt bí ẩn nhất của thế kỷ, theo Times.
Tới năm thứ 15, sự việc cuối cùng cũng phần nào sáng tỏ. Một lần, cảnh sát Pháp cần xác minh danh tính người đàn ông chết cháy từ năm 2002. Cho rằng người này từng nộp đơn xin tị nạn tại Pháp, cảnh sát trích xuất ADN từ dấu vân tay trên đơn và mang đi giám định. Kết quả khiến nhà chức trách ngạc nhiên vì ADN trên lá đơn lại trùng khớp với nữ sát thủ "bóng ma Heilbronn". Nhưng những lần kiểm tra sau, mẫu ADN trên lá đơn lại trả về kết quả của một nam giới.
Tình tiết trên, kết hợp với sự xuất hiện ngẫu nhiên của "bóng ma" tại các địa điểm gây án, khiến nhà chức trách phải đặt ra giả thuyết mới: Rất có thể chính những vật dùng để thu thập ADN đã bị nhiễm bẩn. Trùng hợp, nhiều đơn vị cảnh sát của Đức cũng như của các nước liên quan đã dùng cùng hãng tăm bông để lấy mẫu.
Dưới giả thuyết mới, nhà chức trách tìm tới nhà máy tăm bông để thực hiện giám định ADN với các nữ công nhân đứng máy mà có xuất thân Đông Âu. Cuối cùng, họ tìm được chủ nhân của mẫu ADN khả nghi là một nữ công nhân tại xưởng tăm bông, rất có thể đã làm tại khâu đóng gói. Nhiều khả năng nước bọt hoặc tế bào da của người này đã bám vào tăm bông trong lúc làm việc.
Cuối tháng 3/2009, cảnh sát Đức kết luận rằng "bóng ma Heilbronn" mà nhà chức trách truy lùng nhiều năm nay nhiều khả năng chưa bao giờ tồn tại. 40 vụ án không phải là chuỗi tội phạm hàng loạt của cùng nữ sát thủ bí ẩn mà mỗi vụ đều có câu trả lời riêng.
Biết tin, nhà máy sản xuất tăm bông ra thông cáo rằng sản phẩm của họ chưa được chứng nhận để dùng trong phân tích ADN, dù mỗi que tăm bông đều được đóng gói riêng rẽ. Mỗi que tăm bông đều được khử trùng nhưng chỉ có thể loại bỏ vi khuẩn, virus, nấm mốc, chưa chắc đã loại bỏ được ADN.
Bí ẩn về "bóng ma Heilbronn" khiến Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) phải đặt ra các tiêu chuẩn mới ISO18385 để đảm bảo các sản phẩm xử lý ADN như tăm bông không còn xảy ra sự việc tương tự. Ngoài ra, tiêu chuẩn này còn cung cấp cơ sở dữ liệu ADN của nhân viên tại nhà máy sản xuất nhằm mục đích mau chóng phát hiện nếu nghi ngờ sản phẩm bị nhiễm bẩn.
Stefan König, thuộc Hiệp hội Luật sư thành phố Berlin, nhận định bí ẩn "bóng ma Heilbronn" là lời nhắc nhở về rủi ro khi cảnh sát chỉ dựa vào chứng cứ ADN để định hướng cuộc điều tra. "Chúng ta cần tránh giả định rằng chủ nhân của ADN nghiễm nhiên là thủ phạm. Việc dấu vết ADN có mặt tại hiện trường không nói lên cách chứng cứ này tới được đây", König nói.
Quốc Đạt (Theo Time, Spiegel, DW)