Các trường này là thành viên của Cơ quan bảo trợ đại học Hà Lan (UNL), bao gồm Đại học Công nghệ Delft, Công nghệ Eindhoven, Erasmus University Rotterdam, Leiden, Maastricht, Đại học Mở Hà Lan, Radboud, Amsterdam, Groningen, Twente, Tilburg, Utrecht, Vrije Universiteit Amsterdam và Wageningen.
Kế hoạch chỉ áp dụng với các chương trình cử nhân. Hai trường là Đại học Amsterdam và Vrije Universiteit đã có động thái đầu tiên, khi định giảm khoảng 1/5 số sinh viên quốc tế năm nay.
UNL cho hay tất cả chương trình cử nhân quan trọng sẽ được dạy bằng tiếng Hà Lan, không mở mới chương trình bằng tiếng Anh, dừng tuyển sinh tại các hội chợ quốc tế, hủy các khóa học dự bị cho sinh viên quốc tế. UNL cũng hướng dẫn các trường giảm số lượng du học sinh ở một số ngành.
Các đại học còn cân nhắc rà soát, chuyển chương trình dạy bằng tiếng Anh sang dạy bằng tiếng Hà Lan.
"Chỉ điều này mới đảm bảo khả năng tiếp cận đầy đủ cho sinh viên nói tiếng Hà Lan và hạn chế số lượng sinh viên quốc tế, vốn là điều mà các trường ủng hộ từ lâu", Ruben Puylaert, người phát ngôn của UNL, nói.
Hơn 122.000 sinh viên quốc tế đang theo học tại Hà Lan. Khoảng 52% chương trình cử nhân được dạy bằng tiếng Hà Lan và 30% bằng tiếng Anh, hầu hết trong số 18% còn lại được dạy song ngữ. Những sinh viên ngoài châu Âu có thể chi khoảng 96.000 euro, tương đương 2,5 tỷ đồng mỗi năm khi theo học ở Hà Lan. Khoảng 1/3 số sinh viên quốc tế ở lại làm việc sau tốt nghiệp, chủ yếu trong lĩnh vực kỹ thuật, theo Euronews.
Tuy vậy, UNL cho rằng xu hướng quốc tế hóa cũng gây ra những trở ngại. Trong một tuyên bố chung, các đại học cho biết việc giảm tuyển sinh quốc tế nhằm "đảm bảo chất lượng giáo dục".
Trước đó, Hạ viện Hà Lan kêu gọi chính phủ và các cơ sở giáo dục đại học có kế hoạch cụ thể nhằm giảm tỷ lệ khóa học dạy bằng tiếng Anh. Bộ trưởng Giáo dục, Văn hóa và Khoa học nước này - Robert Dijkgraaf yêu cầu các đại học và cao đẳng tăng cường sử dụng tiếng Hà Lan trong khuôn viên. Ông cũng muốn hạn chế số lượng sinh viên ngoài châu Âu (EU) để đảm bảo sinh viên Hà Lan và EU không bị thiệt thòi, ngăn chặn sự suy yếu về chất lượng giáo dục đại học.
"Nếu không được quản lý, giảng đường sẽ trở nên quá đông, khối lượng công việc của giảng viên lớn, thiếu nhà ở, đồng thời gây áp lực lên khả năng tiếp cận giáo dục", ông Robbert Dijkgraaf cho biết.
Theo một thống kê, sinh viên quốc tế ở Hà Lan chiếm gần 1/3 số chỗ ở sinh viên, trong khi nhiều sinh viên Hà Lan phải sống ở nhà. Trên khắp cả nước hiện thiếu hơn 23.000 chỗ ở sinh viên, và có thể tăng lên tới 57.000 vào năm 2030.
Hà Lan không phải là quốc gia duy nhất có kế hoạch hạn chế sinh viên quốc tế trong năm nay. Tháng trước, Bộ Di trú Canada tuyên bố sẽ giảm mạnh số lượng du học sinh đến nước này, nhằm kiềm chế tác động của dòng người nhập cư. Số du học sinh được cấp phép vào nước này năm 2024 còn 360.000, giảm 35% so với năm trước.
Australia tháng 12 năm ngoái cũng thông báo kế hoạch nhằm giảm một nửa lượng người nhập cư trong hai năm tới. Nước này sẽ thắt chặt quy định thị thực với du học sinh bằng cách tăng điểm chứng chỉ tiếng Anh, giám sát chặt đơn xin thị thực lần hai của sinh viên nhằm kéo dài thời gian lưu trú.
Chính phủ Anh có động thái tương tự, cho biết sẽ siết quy định về visa làm việc với sinh viên quốc tế.
Doãn Hùng (Theo THE, Dutch News, Euronews, The Pie)