Thứ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết như trên tại hội nghị trực tuyến của Bộ này sáng 30/12. Theo đó, 14 cơ quan trung ương đã tổ chức thi tuyển lãnh đạo cấp vụ với 30 vị trí; 22 địa phương thi tuyển quản lý cấp sở, cấp phòng với 109 vị trí.
"Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định nhân rộng việc thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý thông qua thi tuyển tại các bộ, ngành, địa phương", bà Trà nói.
Trước đó tháng 6/2017, Bộ Nội vụ ban hành hướng dẫn triển khai thí điểm, với yêu cầu khi tổ chức thi phải từ 2 người trở lên tham gia dự tuyển vào một chức danh. Hội đồng thi tuyển sẽ tổ chức thi viết và nghe thí sinh trình bày đề án với các nội dung đánh giá thực trạng, phân tích mặt mạnh, hạn chế của đơn vị sử dụng chức danh tuyển chọn, chỉ ra nguyên nhân; đề xuất kế hoạch, giải pháp; trả lời các câu hỏi liên quan...
Đến tháng 11/2019, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho hay việc triển khai chủ trương nêu trên chậm trễ vì "rất ít nơi hưởng ứng. "Tôi bị Trưởng ban Tổ chức Trung ương phê bình hai lần vì sự chậm trễ này", ông Tân nói.
Tại hội nghị, bà Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước năm 2021 là 247.344, giảm 27.504 so với năm 2015, vượt mục tiêu tinh giản biên chế đề ra trong nghị quyết của Đảng.
Ngoài ra, số lượng cán bộ, công chức cấp xã và số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố hiện chỉ còn hơn một triệu, giảm trên 147.000, tương ứng 12,49% so với năm 2015.
Phát biểu chỉ đạo, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Nội vụ chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm; thay đổi nhận thức trong đánh giá, sử dụng cán bộ, "đề cao phẩm chất, năng lực thực thi nhiệm vụ thay vì chỉ quan tâm đến bằng cấp, chứng chỉ".
Bộ Nội vụ cũng cần quan tâm giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ dôi dư do sắp xếp tinh gọn bộ máy và sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Về việc xây dựng đề án cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, Phó thủ tướng nói Bộ Nội vụ cần lưu ý rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan, "bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp, bỏ sót nhiệm vụ".
"Nghiên cứu cải cách phù hợp, làm sao vừa tinh gọn, vừa hiệu lực, hiệu quả, đồng thời không bỏ sót nhiệm vụ. Bộ máy bên trong không được cồng kềnh, phối hợp với nhau nhuần nhuyễn, không để một việc vòng qua cục này, vụ nọ mỗi nơi 5-7 ngày, thậm chí ngâm cả tháng trời", Phó thủ tướng nói.
14 cơ quan Trung ương thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp vụ gồm: Bộ Nội vụ, Tư pháp, Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Giao thông vận tải, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
22 địa phương thí điểm thi tuyển quản lý cấp sở, cấp phòng gồm: Lào Cai, Hòa Bình, Sơn La, Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Dương, TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh, Cần Thơ, Kiên Giang, Bến Tre.