Ngày 7/11, trong phiên chất vấn của Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhiều lần nhận khuyết điểm và cho biết ông đã bị phê bình vì chậm trễ trong triển khai một số chính sách thuộc trách nhiệm của Bộ này.
Về thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp phòng, ông Tân cho hay triển khai từ năm 2017 song đến nay Bộ Nội vụ chỉ nhận được đăng ký của 14 bộ và 22 địa phương, trong đó hai cơ quan tiên phong là Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ.
Theo ông, Bộ Nội vụ triển khai chủ trương này chậm vì Bộ yêu cầu các bộ ngành, địa phương đăng ký nhưng rất ít nơi hưởng ứng. "Tôi bị Trưởng ban Tổ chức Trung ương phê bình hai lần vì sự chậm trễ này", ông Tân nói và cho biết sắp tới Bộ Nội vụ sẽ sơ kết thi tuyển cán bộ cấp vụ, cấp phòng để tìm cơ chế nhân rộng.
Đại biểu Hà Thị Lan nêu chất vấn về đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số, "gần 4 năm Bộ Nội vụ chưa có văn bản, thông tư hướng dẫn?".
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân "xin nhận khuyết điểm trước Thủ tướng, Quốc hội" về nội dung trên. Theo ông, quy định chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số được Thủ tướng ban hành từ tháng 3/2016, nhưng đến nay Bộ chưa hoàn thiện việc hướng dẫn cụ thể.
"Tôi sẽ làm bản tự kiểm điểm gửi Thủ tướng và nhận trách nhiệm về việc này. Đây là thiếu sót của Bộ Nội vụ, trong đó có trách nhiệm của Bộ trưởng", ông nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Thường trực Uỷ ban Tư pháp dẫn báo cáo của Bộ Nội vụ cho biết, cả nước chỉ có 0,63% công chức không hoàn thành nhiệm vụ. "Con số này có phản ánh đúng tình hình thực thi công vụ hay không?", bà Thủy chất vấn.
Lấy số liệu tổng hợp từ 40 tỉnh, thành và các bộ, ngành, ông Lê Vĩnh Tân cho hay tỷ lệ cán bộ, công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là 27,7%; hoàn thành tốt 67,3%; hoàn thành nhiệm vụ nhưng năng lực hạn chế 6,3% và không hoàn thành 0,63%. Với viên chức cũng có tỷ lệ đánh giá tương tự.
Với tư cách là Bộ trưởng Nội vụ, ông nhận xét "đánh giá này chưa chính xác". Theo ông, nguyên nhân do nhiều cơ quan chưa xây dựng tiêu chuẩn đánh giá mức độ hoàn thành công việc, và quá trình đánh giá "còn nể nang, cảm tính".
Từ kinh nghiệm bản thân, Bộ trưởng Tân chia sẻ, "hơn 10 năm làm lãnh đạo từ cấp tỉnh trở lên tôi chưa có bản tự kiểm nào tự đánh giá là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đơn vị mình có hoàn thành xuất sắc đâu mà mình hoàn thành xuất sắc. Nhưng anh em nói nếu thủ trưởng không tự xếp loại như vậy thì mọi người ở dưới làm sao hoàn thành xuất sắc được. Tư tưởng còn nể nang là ở chỗ này".
Để khắc phục tình trạng hình thức trong đánh giá cán bộ, ông Tân cho hay Bộ Nội vụ đã đề ra yêu cầu ghi chép công việc hàng tháng và công khai ai hoàn thành, ai chưa, lý do vì sao. Đây là căn cứ để đánh giá thi đua cuối năm; nghĩa là giao việc thì phải đi kèm kiểm tra, giám sát.
Tới đây, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu Chính phủ ban hành nghị định mới thay thế quy định hiện tại theo hướng "đánh giá ngang, dọc, đa chiều bằng chất lượng cụ thể". Với từng đơn vị, địa phương, ông cho rằng "phải chấn chỉnh, tránh tình trạng đánh giá cán bộ mà không tìm ra được người để tinh giản biên chế".
Đại biểu Võ Thị Như Hoa nêu thực trạng, một chuyên viên từ khi được tuyển dụng đến lúc quy hoạch, bổ nhiệm vào chức vụ Phó giám đốc, Giám đốc Sở phải tham gia rất nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng, như: Quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp; lý luận chính trị trung cấp, cao cấp...
"Chính sách đào tạo, bồi dưỡng phân tán, trùng lặp như hiện nay có phải để nuôi các cơ sở đào tạo? Hơn nữa, nội dung bồi dưỡng chưa thiết thực, chưa gắn với yêu cầu thực tiễn của địa phương. Bộ trưởng có giải pháp gì", bà Hoa chất vấn.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, văn bằng, chứng chỉ đó tuân thủ theo quy định của Đảng và Nhà nước; Bộ Nội vụ, Ban tổ chức Trung ương không tự đặt ra tiêu chuẩn gì. Tuy nhiên, chứng chỉ nào thi, chứng chỉ nào học sau khi bổ nhiệm, chứng chỉ nào phải có trước khi bổ nhiệm... là vấn đề phải bàn.
Ông đồng ý không nên "dồn tất cả yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ khi đề bạt, bổ nhiệm"; cần phân ra điều kiện đủ để bổ nhiệm và điều kiện cần để bồi dưỡng sau khi nhận nhiệm vụ. "Chúng tôi sẽ nghiên cứu để giảm tối đa thủ tục", Bộ trưởng Nội vụ nói.
Quốc hội chất vấn trong 3 ngày (6 - 8/11). Thủ tướng và 4 Bộ trưởng: Nông nghiệp Phát triển nông thôn; Công Thương; Nội vụ và Thông tin Truyền thông lần lượt đăng đàn.
Hoàng Thuỳ - Viết Tuân - Anh Minh