Nguyên nhân là do trong tháng 2, công nhân bị trả lương quá thấp, chỉ từ 70.000 đến 90.000 đồng/người. Trong khi công nhân phải làm việc liên tục 12h/ngày, không có ngày nghỉ, không được hưởng bồi dưỡng làm thêm ngày chủ nhật. Lương được tính theo sản phẩm nhưng định mức giá thành sản phẩm lại quá thấp khiến cho thu nhập của công nhân không thể khá hơn. Họ làm việc nhưng không hề có hợp đồng lao động. Ngày Tết Nguyên đán không được thưởng gì.
UMV là công ty đầu tư 100% vốn của tập đoàn Trùng Khánh (Trung Quốc) tại khu công nghiệp Nội Bài (xã Quang Tiến, Sóc Sơn, Hà Nội), chính thức đi vào sản xuất từ tháng 9/2001 với sản phẩm chủ yếu là linh kiện xe máy. Trong số 730 người lao động thì có 80 công nhân kỹ thuật và quản lý người Trung Quốc.
Ông Phạm Vinh Văn, Phó tổng giám đốc phụ trách sản xuất Công ty UMV, phân trần: "Thắc mắc như vậy của phía công nhân Việt Nam là quá đáng! Tết Nguyên đán chúng tôi đã có quà cho tất cả công nhân, không phân biệt người Trung Quốc hay Việt Nam... Ngày Tết Nguyên đán giống nhau nên vài người Trung Quốc không được về nước, công ty chỉ cho họ 600 nhân dân tệ/người (tương đương 1 triệu đồng). Chỉ với từng đó song họ phải xa quê hương, gia đình, công nhân thắc mắc là không nên...".
Giải đáp về mức lương của công ty trả cho công nhân, ông Phạm Vinh Văn cho biết: "Cũng giống như nhiều công ty khác ở Việt Nam, chúng tôi áp dụng hình thức khoán sản phẩm và mức lương trả theo sản phẩm do công nhân làm được... Tuy nhiên, đặc thù của ngành sản xuất linh kiện xe máy là theo mùa vụ, và công ty mới thành lập, nên trong hơn tháng qua, UMV gần như không hoạt động. Thu nhập của người lao động thấp cũng là lẽ đương nhiên...".
Dù vậy, ông Phạm Vinh Văn cũng thừa nhận sai sót khi chấm nhầm ngày công, dẫn đến việc tính chênh lệch mức lương của công nhân. Theo ông Phạm Vinh Văn, chế độ đãi ngộ ở đây là bình thường. Trong tháng 12/2001 và 1/2002, do có nhiều hợp đồng với khách hàng, việc làm nhiều, thu nhập bình quân của công nhân đạt 0,8-1 triệu đồng/tháng.
Đến chiều ngày 2/3 cuộc đình công vẫn tiếp diễn. Công nhân đưa ra bản kiến nghị tập trung vào vấn đề đãi ngộ, tiền lương, ngày nghỉ và yêu cầu lãnh đạo UMV phải chấp nhận và ra văn bản đồng ý. Tuy nhiên, phía UMV vẫn một mực yêu cầu công nhân tiếp tục làm việc trở lại bình thường theo hai ca, và cho rằng những vấn đề bức xúc sẽ dần giải quyết sau. Ban lãnh đạo còn đưa ra quyết định: Nếu công nhân nào không quay trở lại làm việc, công ty sẽ buộc thôi việc với lý do không tuân thủ nội quy công ty.
Ông Phạm Vinh Văn nói: "Thực lòng chúng tôi không muốn đuổi công nhân một chút nào. Để họ có được tay nghề như hôm nay, UMV đã phải chi phí rất nhiều. Tuy nhiên, nếu ai đó vẫn cố tình làm căng thẳng tình hình và không chấp nhận đề nghị của công ty, chúng tôi sẽ buộc phải cho họ thôi việc... Tôi muốn mọi người hãy cùng chia sẻ với công ty trong những lúc khó khăn ban đầu. Công ty đi vào ổn định mới có thể đáp ứng được nhu cầu đãi ngộ với công nhân".
Vì mới thành lập, UMV chưa có tổ chức công đoàn, mọi việc điều hành đều thông qua phiên dịch viên, nên công nhân thấy rằng họ gần như chỉ được phục tùng chứ không được đề đạt nguyện vọng. Đến chiều 2/3, đại diện công nhân phân xưởng sơn nhựa đã có buổi gặp với lãnh đạo công ty và nêu ra những đề nghị của mình. Tuy nhiên hai bên vẫn chưa thống nhất được nguyên tắc cách giải quyết tranh chấp. Đại diện công nhân cho biết: "Công nhân sẽ đi làm trở lại bình thường, song sẽ đưa ra kiến nghị giải quyết kèm theo thời hạn... Nếu công ty không thực hiện, công nhân sẽ có biện pháp phản ứng".
(Theo Lao Động)