Ngày mai, 30/11, sau năm ngày nghỉ nghị án, TAND tỉnh Phú Thọ sẽ ra phán quyết sơ thẩm với 92 bị cáo về sáu tội danh trong đường dây đánh bạc trực tuyến trực tuyến lớn nhất nước. Trong các bị cáo có hai người từng là tướng công an gồm cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh và cựu cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) Nguyễn Thanh Hóa. Các ông bị xét xử về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, mức án từ 7 đến 8 năm 6 tháng tù.
Bị hại duy nhất xin xét xử vắng mặt
Theo cáo trạng dài 235 trang công bố vào phiên khai mạc 12/11, vụ án bị phát giác từ hành vi chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội Facebook của Lê Văn Huy (21 tuổi). Cụ thể, giữa tháng 5/2017, Huy bí tiền chơi bạc bèn lên mạng Internet tìm cách chiếm quyền sử dụng tài khoản Facebook của một phụ nữ ở tỉnh Phú Thọ, lừa bạn của bà này chuyển 110 thẻ cào với giá trị 55 triệu đồng.
Số thẻ này Huy dùng để chơi bạc ở cổng game Rikvip/Tip.Club và cho bạn chơi cùng. Từ lời khai của Huy, cơ quan điều tra phát hiện đường dây đánh bạc xuyên quốc gia núp bóng game bài Rikvip/Tip.Club do Nguyễn Văn Dương (chủ tịch CNC) và Phan Sào Nam (cựu chủ tịch VTC Online) tổ chức.
Nạn nhân bị lừa thẻ cào trên được xác định là bị hại duy nhất của vụ án. Tuy nhiên người này không đến toà, được HĐXX chấp nhận cho vắng mặt.
Phiên toà cũng chỉ có 8 trong 73 người có quyền và nghĩa vụ liên quan tham dự. Một bị cáo xin xét xử vắng mặt.
Hai cựu tướng công an liên tục tăng huyết áp
Trong phần kiểm tra căn cước, chủ tọa tòa thông báo, bản án có hiệu lực pháp luật sẽ được công bố trên trang thông tin điện tử của TAND Tối cao. Tuy nhiên, cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát đứng lên từ chối quyền công bố này.
Ngày thứ ba hầu tòa, luật sư của ông Vĩnh đề nghị cho thân chủ vào phòng y tế vì huyết áp tăng. Những ngày xét xử sau đó, ông Vĩnh liên tục phải chăm sóc sức khoẻ. Có buổi, cựu trung tướng 63 tuổi chỉ ngồi ở ghế bị cáo chừng 30 phút. Ông Vĩnh là thương binh hạng 2/4. Một tháng trước khi hầu toà, ông nhập viện điều trị bệnh tim mạch, huyết áp.
Cựu cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hoá cũng liên tục tăng huyết áp, không thể liên tục tham gia phiên toà. Chiều 23/11, ông có đơn xin xét xử vắng mặt do vào điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ và được chủ toạ chấp nhận.
Ông Hoá thay đổi lời khai
Tại cơ quan điều tra, ông Hoá khai năm 2011 CNC là công ty bình phong của C50, nhưng đến tháng 5/2015 mới có quyết định của ông Vĩnh hợp thức là công ty bình phong của Tổng cục Cảnh sát. Với "mác" này, Dương cùng Phan Sào Nam lập ra đường dây đánh bạc. Một số đơn vị từng vào kiểm tra CNC, song được "bắn tin" đây là công ty bình phong nên không bị xử lý. Một số lần khi nghe Dương kể bị "quấy rầy", ông Hoá nói sẽ gọi điện giải quyết.
Cơ quan công tố cáo buộc, với nhiệm vụ phòng chống tội phạm song ông Hoá, ông Vĩnh lại "chống lưng" cho tội phạm.
Nhưng trả lời thẩm vấn tại toà, ông Hóa bất ngờ phản cung, không thừa nhận điều này. Cựu cục trưởng 50 giải thích giữa C50 và CNC "chỉ có bản ghi nhớ" vào năm 2011 và C50 không có trách nhiệm gì với CNC.
Ông cho rằng, trong lúc mệt mỏi, đầu óc không tỉnh táo do chưa quen với điều kiện giam giữ đã khai những điều trên tại cơ quan điều tra.
Do phản cung, ông Hoá sau đó phải đối chất với nhiều đồng nghiệp, thuộc cấp. Cả bị cáo Nguyễn Văn Dương và gần chục sếp công an được triệu tập đến tòa đều khai ông Hóa có sai phạm đúng như nội dung truy tố.
Một ngày sau cuộc đối chất cuối cùng, khi bắt đầu tự bào chữa ông Hoá lại thừa nhận có hành vi phạm tội. Ông nói đã gửi văn bản nhận tội từ khi cơ quan công tố ra cáo trạng vào cuối tháng 8. Những ngày trả lời thẩm vấn vừa qua, do mất kiểm soát ông đã trả lời không đúng để rồi bị cơ quan công tố đánh giá "không thành khẩn, đổ tội cho người khác".
Trong phần nói lời sau cùng, ông Hóa xin chịu toàn bộ trách nhiệm, không đổ lỗi cho ai. Ông trình bày do hoàn cảnh gia đình khó khăn xin HĐXX giảm mức án thấp nhất để sớm trở về chịu tang mẹ, nuôi con bé, vợ bị bệnh nan y.
Ông Vĩnh xin nhân dân tha thứ
Khi trả lời thẩm vấn, ông Phan Văn Vĩnh nhanh chóng thừa nhận những lập luận của cơ quan công tố đều chính xác. Ông còn xin khai thêm vì "chỉ người trong cuộc mới hiểu được bản chất sai phạm". Chính ông trong phần tranh tụng đã bảo ba luật sư của mình thôi không bào chữa nữa.
Ông nói khi bị bắt và được xem lại hồ sơ mới nhận ra mình có lỗi khi vào năm 2016 ký văn bản cho phép CNC triển khai xây dựng mô hình cổng trò chơi trên mạng có tích hợp mạng xã hội, cho chuyển đổi tiền ảo sang tiền thật. Điều đó đã giúp hợp thức hoá việc đánh bạc núp bóng game bài.
"Tôi không đổ lỗi cho ai. Tôi thành tâm nhận khuyết điểm, xin nhân dân tha thứ", cựu tổng cục trưởng nói và nhiều lần nhắc lời xin lỗi các bị can, các gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ vụ án này.
Hai chủ mưu thành khẩn
Trong 4.700 tỷ đồng tiền lãi từ game bài, cựu chủ tịch CNC Nguyễn Văn Dương hưởng gần 1.700 tỷ đồng. Trong phần tranh luận, Dương cho rằng mức án bị đề nghị 11-13 năm tù có phần nghiêm khắc song bị cáo vô cùng ân hận khi gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Dương nói, đây là bài học đắt giá nhất trong cuộc đời. "Dù lý do gì, điều kiện phạm tội ra sao cũng xin nhận tội và không thực hiện quyền kháng cáo bản án sơ thẩm", Dương trình bày khi lời nói sau cùng và xin nhận thay trách nhiệm của nhân viên CNC, xin HĐXX không áp dụng hình phạt tù để họ tiếp tục được làm việc.
Trong suốt những ngày diễn ra phiên xử, Phan Sào Nam luôn chăm chú nghe xét hỏi những người khác. Nam cũng được đánh giá "thành khẩn khai báo" khi rành mạch trả lời từng vấn đề, nhanh chóng nhận trách nhiệm.
Nam giải thích game có tính chất đổi thưởng nên phần lớn doanh thu hơn 9.500 tỷ đồng trong gần 30 tháng vận hành dùng để đổi thưởng cho người chơi. Nam nhận tiền để chi phí cho vận hành bản cứng, mềm..., nhưng anh ta không trực tiếp vận hành kỹ thuật mà thông qua trưởng phòng Hoàng Thành Trung (đã bỏ trốn).
Trong hơn hai năm kinh doanh game bài, Nam được nhận 1.475 tỷ đồng và hiện đã hoàn lại hơn 90%.
Phần nói lời sau cùng, Nam bảo đã thấm thía, ân hận hơn với những việc đã làm. Qua biến cố này, anh ta có cơ hội quan sát tấm gương quanh mình, như cán bộ của cơ quan điều tra, trại tạm giam, thấy cuộc sống này "hoàn toàn đáng tin tưởng".
Bảo Hà - Phạm Dự