"Ở đây họ gọi tôi là barie chạy bằng cơm", ông Nguyễn Văn Xá, 76 tuổi, ở thôn Dụ Nghĩa, xã Lê Thiện, huyện An Dương tự giới thiệu tếu táo về công việc 13 năm qua của mình ở đoạn đường dân sinh cắt ngang đường sắt tại Km 87+375.
"Trước khi tôi ra đứng gác, người ta gọi đây là 'ngã tư tử thần' vì đã có hàng trăm vụ tai nạn chết người do va chạm tàu hoả. Không ít lần tôi chứng kiến người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh", ông Xá nói.
![Ông Nguyễn Văn Xá dùng cờ và còi ra hiệu cho ô tô, xe máy dừng lại khi có tàu đi qua, chiều 27/1. Ảnh: Quỳnh Nguyễn](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2022/01/28/img-8792-jpg-1643344362-8941-1643345275.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=UL8-Rv2ohd5BWp95Q-cyiw)
Ông Nguyễn Văn Xá dùng cờ và còi ra hiệu cho ô tô, xe máy dừng lại khi có tàu đi qua, chiều 27/1. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Ông Xá mắc chứng bại liệt, chân teo từ năm bảy tuổi nên cả cuộc đời gắn liền với chiếc nạng gỗ. Không thể làm việc nặng, ông xin vào xưởng may quần áo trong thôn, sau làm trong xí nghiệp, tiền công hàng tháng cộng với lương giáo viên của vợ đủ nuôi ba con ăn học.
Khi mắt kém, sức khoẻ yếu, con cái đều trưởng thành ông xin nghỉ hưu, tính ở nhà an hưởng tuổi già. Nhưng có lẽ trời chưa muốn cho ông nghỉ nên "bắt" ông liên tục chứng kiến những vụ tai nạn đường sắt thương tâm ở ngã tư ngay đầu thôn. Năm 2009, ông giấu vợ con, tình nguyện viết đơn xin ra lập chốt chắn đường tàu khi vừa bước sang tuổi 63.
Khi chính quyền xã đã đồng ý, bà Đào Thị Yên, vợ ông mới hay tin. "Ông hết việc để làm rồi à?", bà thốt lên. "Sức khoẻ đã không bằng ai lại còn đòi ra chỗ vắng vẻ, lắm nghiện hút để gác tàu". Người trong thôn không ai tin là ông già liệt hai chân lại có thể xung phong làm cái việc mà chẳng ai dám nhận ấy. Có người còn thẳng thừng bảo ông "rảnh việc nói bừa cho oai".
Nhưng ông Xá chẳng nói lại câu nào. Ngay sau hôm được xã đồng ý, ông một mình chống nạng ra mảnh đất trống sát đường tàu, hì hụi cắm bốn cái cọc gỗ, quây tấm bạt làm chòi che gió, che mưa. Mấy hôm sau, ông đi xin ở đâu được một cây tre dài, kì cạch ngồi sơn từng khúc màu trắng - đỏ làm barie. Sự nghiệp làm "barie sống" của ông bắt đầu như thế.
Ở cái ngã tư này không có đèn tín hiệu, thời gian đầu ông Xá phải ngồi trong chòi lắng tai nghe tiếng còi tàu để chống nạng ra hạ barie. Về sau thành quen, ông thuộc lòng giờ có tàu, tự căn thời gian hạ thanh chắn chuẩn xác như một nhân viên đường sắt thực thụ.
"Mỗi ngày 8 chuyến tàu khách và 10 chuyến tàu hàng. Tàu khách chạy nhanh, phải hạ barie trước năm phút còn tàu hàng chậm nên chỉ cần hạ trước hai phút", ông tiết lộ bí quyết.
![Ông Xá nhận điện thoại từ trung tâm điều hành đường sắt báo sắp có tàu đi qua, chiều 27/1. Ảnh: Quỳnh Nguyễn](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2022/01/28/img-8769-jpg-1643344148-164334-8747-2214-1643345275.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=UmLkIphm024nFCGoHehGMg)
Ông Xá nhận điện thoại từ trung tâm điều hành đường sắt báo sắp có tàu đi qua, chiều 27/1. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Phản đối chồng không được, sau lại thấy ông kiên định làm việc thiện, bà Yên quyết định chồng đi đâu vợ theo đó, để tiện chăm sóc. Vậy là cái chòi quây bạt của ông Xá có thêm một người gác đường.
"Từ ngày ấy đến giờ, chưa bao giờ thấy ông bà rời khỏi trạm gác. Khi có đám hiếu, hỉ hoặc việc đột xuất ông bà lại thay nhau đi, đảm bảo luôn có người túc trực", bà Quỳnh bán hàng nước cách đường sắt 500 m, chia sẻ.
Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng được hơn 5 năm, đến năm 2014, Ban An toàn giao thông TP Hải Phòng mới có chế độ trợ cấp cho ông Xá, mỗi tháng 600.000 đồng, nay nâng lên 2 triệu đồng. Cùng năm đó, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố xây tặng ông bà ngôi nhà rộng chừng 12 m2 thay cho chòi gác lụp xụp, và trang bị thêm chiếc điện thoại có định để báo tàu chạy qua.
Mỗi ngày ông Xá trực ở trạm từ 5h sáng đến 21h, ngay cả khi tần suất tàu khách chạy tuyến cố định Hà Nội - Hải Phòng giảm từ 8 chuyến xuống còn 2 vì dịch Covid-19. "Còn tàu là tôi còn trực, không kể ít nhiều. Vài tháng trước dịch căng, tàu khách dừng chạy đến vài tháng. Vắng tiếng còi tàu lòng cũng trống trải ít nhiều", ông tâm sự.
Vài tháng trở lại đây, ông Xá nhận chỉ đạo từ Uỷ ban An toàn giao thông thành phố bỏ thanh chắn barie, thử trực cảnh giới bằng cách đứng giữa đường, dùng cờ và còi để ra hiệu lệnh cho người dân. "Tôi liệt hai chân, không thể đi ra giữa đường, nên mua cái xe điện để di chuyển. Cốt là đảm bảo an toàn cho người dân khi có tàu chạy qua", ông cười.
![Ông Xá cùng bộ sưu tập bằng khen, kỷ niệm chương của các cấp, ngành sau 13 năm làm barie sống. Ảnh: Quỳnh Nguyễn](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2022/01/30/Gac-tau-5118-1643484283.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=rAIkIMWYz5tX4pZWjgIgPw)
Ông Xá cùng bộ sưu tập bằng khen, kỷ niệm chương của các cấp, ngành sau 13 năm làm "barie sống". Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Ông Trần Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Lê Thiện cho biết, nhờ có ông Nguyễn Văn Xá đứng gác tàu đoạn Km 87+375 Quốc lộ 5 mà số vụ tai nạn thương tâm giảm hẳn, hoạ hiếm mới có va chạm nhưng không chết người. "Nhưng trong thời gian tới, địa phương cũng cân nhắc tìm người kế nhiệm để ông Xá được nghỉ ngơi, vui vầy bên con cháu vì tuổi đã cao", ông Hải nói thêm.
Ngồi chưa đầy 30 phút, ông Xá nhận cuộc gọi từ máy điện thoại cố định. "Lại sắp có tàu đi qua đấy", ông cười, rồi nhanh chóng dùng hai tay đẩy người từ trạm gác lên xe máy điện ba bánh đỗ sát cửa, sau điều khiển ra giữa đường cảnh báo.
Thấy ông tuổi cao, lọ mọ sớm hôm gác tàu, nhiều người khuyên nghỉ nhưng "barie sống" lắc đầu: "Chỉ khi tìm được người kế nhiệm tôi mới dám nghỉ, còn không tôi vẫn trực chốt ở đây đến hơi thở cuối cùng".
Một số hình ảnh ông Nguyễn Văn Xá trực gác tàu chiều 27/1.
Quỳnh Nguyễn