Bên lề Hội nghị cấp cao APEC ở Philippines, ngày 18/11, lãnh đạo của 12 quốc gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam đã gặp nhau để đánh dấu việc kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Theo tuyên bố chung của lãnh đạo các nước, sau hơn 5 năm đàm phán, các đoàn đã đạt được mục tiêu đề ra vào năm 2011, đó là thiết lập một hiệp định khu vực toàn diện và cân bằng, trải dài khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm 3 lục địa và tạo ra một thị trường rộng lớn với 800 triệu dân.
Thông qua việc xây dựng các quy tắc thương mại tiêu chuẩn cao để hỗ trợ hoạt động giao thương trong thế kỷ XXI, thực hiện tự do hóa thương mại và đầu tư đầy tham vọng, TPP sẽ củng cố và mở rộng các mối liên kết cùng có lợi giữa các nền kinh tế, tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực và toàn cầu, hỗ trợ tạo công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển cũng như hỗ trợ cải cách và xóa đói giảm nghèo, đồng thời đảm bảo những lợi ích tốt nhất cho người dân.
"Chúng tôi vui mừng nhận thấy toàn văn hiệp định TPP đã sẵn sàng cho việc rà soát và xem xét trước khi được ký kết. Chúng tôi mong sắp tới sẽ ký kết để nhanh chóng xem xét và thông qua hiệp định TPP theo đúng thủ tục nội bộ ở mỗi nước thành viên", tuyên bố chung cho biết. Tiếp đó, các nước sẽ tập trung thực thi đầy đủ hiệp định với mục tiêu để những người tiêu dùng, công nhân, nông dân và các doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ, có thể gặt hái các lợi ích của hiệp định càng sớm càng tốt.
Song song với việc tập trung vào phê chuẩn và thực thi kết quả đàm phán, lãnh đạo các nước cũng chú ý tới sự quan tâm của các nền kinh tế trong khu vực. Sự quan tâm này khẳng định rằng thông qua TPP, 12 nước thành viên đang tạo ra một mô hình mới và hấp dẫn cho hoạt động trao đổi thương mại tại một trong những khu vực tăng trưởng nhanh và năng động nhất thế giới.
Các nước bắt đầu đàm phán về TPP từ tháng 3/2010, với các vấn đề về thương mại, đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn môi trường và lao động, chính sách thu mua, cạnh tranh và công ty quốc doanh, quy trình xử lý tranh chấp... Sau khi hoàn tất, TPP sẽ bao phủ 40% kinh tế toàn cầu và bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm.
Việt Nam mới đây cũng công bố những nội dung cam kết của hiệp định. Theo đó, các nước TPP cam kết mở cửa khá cao dành cho Việt Nam, với 78-95% dòng thuế nhập khẩu được xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế trong vòng 5-10 năm, trừ một vài hàng hóa nhạy cảm sẽ có lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan.
Hiện tại, các nước thành viên hy vọng hiệp định được ký kết vào đầu năm sau và thông qua sau 1,5-2 năm.
Huyền Thư