Anh Wilson Lam, 26 tuổi, tỉnh dậy tại bệnh viện và bị sốc khi mặt anh gần như tê liệt hoàn toàn. Lam tiêm vaccine Covid-19 Sinovac ngày 24/3 và ngất xỉu bên ngoài trung tâm tiêm chủng. "Tôi không thể nhắm mắt trái, còn mồm thì méo lệch sang bên phải. Vì thế, tôi chỉ nhai được thức ăn ở bên đó. Tôi hiện khá hơn rồi", anh cho biết.
Lam chia sẻ không thích hãng sản xuất vaccine cụ thể nào, chỉ chọn trung tâm tiêm chủng gần nhà. Lam đến điểm tiêm chủng tại Trung tâm Thể thao Tseung Kwan O lúc 2h30 chiều 24/3. 15 phút sau khi tiêm, anh thấy chóng mặt và ngất khi ra khỏi trung tâm vào lúc 3h. Lam được đưa đến bệnh viện ngay.
Anh không thể điều khiển mắt trái. Vùng mặt xung quanh mắt đã đỡ sưng nhưng anh chưa thể nhắm mắt. Anh vẫn thấy chóng mặt và đau ở ngực.
"Tôi thấy lo lắng và sợ hãi. Không giống những ca tử vong sau tiêm, tôi không có bệnh mạn tính. Tôi chơi đá bóng và chạy bộ rất nhiều. Về cơ bản, tôi là người khỏe mạnh", anh nói. "Sẽ thật tốt nếu chính quyền có thể cho tôi lời giải thích. Bệnh thực sự ảnh hưởng tới sinh kế và tôi chưa biết bao giờ mới hồi phục".
Anh dự tính sẽ yêu cầu chính quyền bồi thường và cho rằng "mình là người không may mắn".
Theo giới chức y tế Hong Kong, Lam là người thứ 12 gặp hiện tượng liệt dây thần kinh mặt tạm thời, hay còn gọi là Bell’s Palsy, sau tiêm vaccine Covid-19. Những người khác đều là nam, độ tuổi từ 37 đến 86, gồm 11 người tiêm vaccine Sinovac, một người tiêm vaccine của Pfizer-BioNTech.
Bell's Palsy là một tình trạng tạm thời, gây rối loạn thần kinh mặt. Theo đó, dây thần kinh kiểm soát cơ một bên mặt bị tổn thương, dẫn đến yếu hoặc tê liệt, khiến mặt bên ảnh hưởng bị xệ xuống. Nguyên nhân chính xác gây ra Bell's Palsy còn chưa rõ ràng (thường là do virus) nên chưa có cách phòng ngừa và điều trị hiệu quả.
Bệnh thường tự hồi phục. Trung bình cứ 10 người mắc bệnh thì 7 người khỏi hoàn toàn mà không cần điều trị. Các triệu chứng cải thiện sau hai đến ba tuần, có trường hợp kéo dài tới 6 tháng.
Hội chứng Bell’s Palsy vào danh sách các phản ứng phụ của vaccine Pfizer-BioNTech. Tháng 12/2020, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) ghi nhận 4 tình nguyện viên sau tiêm Pfizer-BioNTech đã phát triển chứng liệt mặt Bell's Palsy.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế Hong Kong không tìm thấy mối liên hệ trực tiếp giữa 12 ca Bell's Palsy và vaccine.
Theo giáo sư David Hui Shu, cố vấn của chính quyền về Covid-19, chưa có bằng chứng khẳng định vaccine gây bệnh Bell’s palsy. Ông nói: "Không có lý do chính đáng cho việc vaccine có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh thứ bảy".
Ngoài những trường hợp mắc bệnh sau khi tiêm phòng, Bell’s Palsy xảy ra ở khoảng 23 trên 100.000 người ở Hong Kong, theo ông Hui. Ông cho biết hiện tượng sưng và viêm dây thần kinh mặt có thể khiến dây thần kinh này tạm thời mất chức năng.
Giáo sư lưu ý rằng Bell’s palsy thường do virus herpes gây ra, người bệnh cần dùng thuốc kháng virus và steroid để giảm sưng dây thần kinh mặt. "Ngay cả khi không có ai tiêm phòng Covid-19, bệnh liệt dây thần kinh mặt vẫn xảy ra do nhiều loại virus khác nhau", ông cho hay. Theo ông, hầu hết bệnh nhân sẽ bình phục trong vài tuần nếu được điều trị sớm.
Các chuyên gia giám sát việc tiêm chủng tại Hong Kong tiếp tục theo dõi tình hình. Các chuyên gia khuyên nhà chức trách và nhà sản xuất cập nhật thông tin vaccine nếu số người được tiêm phòng xuất hiện triệu chứng của Bell’s palsy cao hơn tỷ lệ người mắc bệnh này trong cộng đồng nói chung.
Trước khi chiến dịch tiêm chủng hàng loạt bắt đầu ngày 26/2, chính quyền Hong Kong thông báo dành 128 triệu USD cho quỹ bồi thường những người bị phản ứng phụ sau khi tiêm. Mỗi người có thời hạn nộp đơn xin bồi thường là hai năm kể từ khi tiêm phòng.
Mai Dung (Theo SCMP)