Cả hai người đều là đàn ông, tử vong ngày 13/3. Một người 80 tuổi, mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, đã bị đột quỵ. Nhà chức trách cho biết ông chết vì thiếu máu cục bộ đường ruột. Trường hợp thứ hai 67 tuổi, cũng bị tiểu đường, tăng huyết áp và tăng lipid máu.
Như vậy, đến nay Hong Kong đã ghi nhận 6 ca tử vong sau tiêm vaccine Covid-19. Giới chức đang tiến hành điều tra nguyên nhân tử vong và mối liên quan với vaccine.
Trước đó, Hong Kong ghi nhận hai người đàn ông, hai phụ nữ tử vong sau khi tiêm vaccine. Người đầu tiên là nam, 63 tuổi, qua đời hôm 28/2 vì một cơn đau tim. Người thứ hai là phụ nữ, 55 tuổi, tử vong hôm 6/3. Cả hai cái chết đều được kết luận không liên quan đến vaccine. Ngày 8/3, một người đàn ông 71 tuổi qua đời. Các chuyên gia đang chờ báo cáo khám nghiệm tử thi. Đến 12/3, đặc khu xác nhận thêm một phụ nữ 70 tuổi, tử vong 9 ngày sau tiêm vaccine.
Sở Y tế Hong Kong hôm 8/3 cũng báo cáo 18 người nhập viện sau khi tiêm vaccine của Sinovac, trong đó hai người điều trị ở khu hồi sức tích cực. Con số tương đương với tỷ lệ 0,19% trong tổng 91.800 người đã tiêm vaccine đến nay.
Các ca tử vong và nhập viện sau tiêm vaccine xảy ra trong bối cảnh nhà chức trách kêu gọi đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine do lo ngại về đợt bùng phát Covid-19 thứ 5. Nhiều bác sĩ và cả người dùng gây áp lực lên chính quyền, yêu cầu cung cấp hướng dẫn cụ thể hơn về tác dụng phụ của vaccine Covid-19. Trong khi đó, nhà lãnh đạo liên tục đảm bảo "vaccine an toàn và hiệu quả".
Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam đã nhấn mạnh vaccine đã được các chuyên gia đánh giá, vượt qua vòng kiểm định về an toàn theo quy định pháp luật.
Hong Kong bắt đầu tiêm vaccine Pfizer ngày 10/3, trong khi tỷ lệ sử dụng vaccine Sinovac giảm. Kể từ cuối tháng 2 đến nay, khoảng 130.500 người đã tiêm một trong hai loại vaccine. Chuyên gia y tế cảnh báo việc công chúng trì hoãn tiêm chủng sẽ tạo thách thức trong khâu dập dịch.
Thục Linh (Theo SCMP)