Từ nhỏ, Hội đã đam mê thể hình, ước to cao, vạm vỡ song bẩm sinh bị hen suyễn nên hình thể còi cọc, yếu ớt. Căn bệnh khiến anh thường xuyên bị khó thở, thở rít. Nhiều đêm đau tức, ho gắt, Hội phải dốc ngược người, chổng hông lên trời để dễ thở. Nhìn bạn bè lớn phổng phao còn mình rệu rã chỉ 52 kg, chàng trai ngày càng tự ti và ngại giao tiếp với mọi người.
Nhớ lại cảm giác "khó thở như bị ai bóp nghẹn ở cổ" ám ảnh suốt cả tuổi thơ, giọng Hội chùng xuống.
"Một là tiếp tục sống leo lắt, đau ốm bệnh tật qua ngày. Hai là tập luyện để sức khỏe con người dẻo dai, hạn chế cơn hen", Hội kể lại nỗi dằn vặt của mình lúc 18 tuổi. "Tôi không muốn làm người vô dụng cả đời".
Rồi Hội bắt đầu tìm các bài tập thể dục để nâng cao sức đề kháng. Anh đã thử qua nhiều môn như đi bộ, tập chạy. Nhưng mỗi lần tập xong là lại phải dốc toàn sức để thở nên càng tập càng mệt.
Một lần, Hội xem tivi, thấy vận động viên tập tạ để săn chắc cơ bắp nên thích thú. Anh xin bố lấy cát và xi măng đổ bê tông thành quả tạ, dùng hai cây cau kèm thanh sắt để làm xà đơn, đặt ở sân sau để tập mỗi ngày. Ban đầu, bố không đồng ý, "đã bị hen còn tập gym" nhưng sau thấy con đam mê nên không cấm cản nữa.
Hàng ngày, Hội chỉ tập khoảng 30 phút với tạ kết hợp đi bộ để cơ thể làm quen. Riêng bài tập tạ chỉ đơn giản là nâng lên hạ xuống nhẹ nhàng để anh cảm nhận cơ thể, xem hô hấp có ổn không. Trong lúc tập, anh dành thời gian nghỉ ngơi, hít sâu, thở đều giúp điều hoà cơ thể. Một tháng đầu tiên, cơn hen giảm dần, ngủ không bị thở rít nên Hội quyết định tăng cường độ và thời gian tập lên gấp đôi.
"Mục đích tập luyện của mình là hạn chế cơn bệnh, cải thiện sức khỏe chứ không phải vì thành tích. Vậy nên, tập chậm một chút là được, miễn là hiệu quả", chàng trai nói.
Nhờ hít đất, kéo xà sớm, anh cải thiện được chiều cao từ 1,68 m lên 1,73 m. Chàng thiếu niên trở nên cao to, có da có thịt và xông xáo hơn, biết gánh vác công việc nặng nhọc trong nhà.
Lên đại học, anh bắt đầu theo đuổi gym bài bản hơn, duy trì tập 6 buổi một tuần. Thời gian rảnh, anh còn lên mạng để tìm hiểu thêm các bài tập dạy hít thở khi tập luyện.
Bí quyết của Hội phải ăn trước và sau tập. Trước tập ăn nhiều tinh bột, cơm, ức gà, rau xanh,...như một bữa ăn hoàn chỉnh để có năng lượng. Sau tập, anh sẽ ăn luôn để phục hồi cơ. Kể cả người giảm mỡ cũng phải áp dụng công thức này, song chế độ ăn khác hơn như không ăn dầu mỡ.
Năm 2016, anh chuyển sang làm huấn luyện viên sau 6 năm kiên trì tập luyện. Nguyên tắc của anh là mọi học viên phải thuần thục kỹ năng thở đúng khi rèn luyện thể thao. Cụ thể, đối với bài tập nặng, nên hít bằng mũi, thở ra bằng miệng để giải phóng năng lượng còn bài tập nhẹ, có thể hít vào thở ra bằng mũi hạn chế mất nước và mất nhiệt. Tuyệt đối không nín thở, thở không sâu hay thở ngược.
"Khi bắt đầu với học viên, mình kể lại hành trình của mình để động viên mọi người. Chỉ cần bạn điều hoà cơ thể thì bài tập xem như đã thành công một nửa rồi", Hội nói.
Ngoài ra, anh luôn nhắc nhở học viên không thần tượng hoá về gym bởi nó cũng chỉ là một trong nhiều bộ môn khác để rèn luyện sức khỏe. Tập luyện chỉ chiếm 30%, dinh dưỡng khoa học mới là điều cốt lõi cần thay đổi.
Vừa dạy, Hội vừa tham gia thi đấu. Giải đấu Hội lựa chọn là Men's Physique với yêu cầu cao về tỷ lệ khung vai, eo khi gồng sẽ tạo thành hình chữ V. Do đó, người tập phải siết cơ để có vòng eo nhỏ và vai rộng, sải. Anh cũng không bỏ qua các bài tập chân để thân hình được cân đối, tránh trên to, dưới nhỏ.
"Thi đấu có huy chương thì đáng quý nhưng mình không đặt nặng. Ở mỗi giải đấu, mình cân bằng sao vừa có thời gian chăm sóc sức khỏe lại được học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm từ mọi người", anh nói.
Nhìn lại quãng thời gian theo đuổi thể hình, Hội tự thấy mình may mắn bởi đã có quyết định đúng, không để bệnh tật cản trở. Từ chàng trai gầy gò, ốm yếu nay anh vạm vỡ, có thể tập tạ liên tục trong nhiều giờ mà không biết mệt.
"Gym đang dần trở thành điều thiết yếu trong cuộc sống nhiều người. Từ sở thích ban đầu, nay gym trở thành nghề mà Hội muốn gắn bó", anh nói.
Thùy An