Mấy ngày qua, ông Hữu Việt, 53 tuổi, quận Tân Bình, tỏ sự thất vọng khi đọc thông tin TP HCM tiếp tục xin lùi tiến độ dự án Metro Số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Căn nhà của ông ở mặt tiền đường Cách Mạng Tháng Tám, rộng 56 m2, trong đó 38 m2 được gia đình giải toả, bàn giao cho dự án metro cách đây gần hai năm. Được đền bù khoảng 5 tỷ đồng, ông Việt nói chỉ bằng 70% giá thị trường, nhưng sau nhiều lần chính quyền địa phương vận động và hiểu lợi ích của tuyến metro, gia đình đồng thuận giao đất để sớm làm công trình.
"Phần diện tích còn lại tuy nhỏ hẹp, ảnh hưởng sinh hoạt nhưng tôi đã sửa lại tươm tất, chỉ mong ngày tuyến metro khởi động để nhanh ổn định cuộc sống, buôn bán, kinh doanh", ông Việt nói và cho rằng không riêng ông, người dân thành phố đều kỳ vọng metro sớm hoàn thành giúp đi lại thuận lợi, khu vực phát triển và gia đình được hưởng lợi nhiều hơn.
Ông Việt là một trong gần 600 hộ dân bị ảnh hưởng bởi Metro Số 2, đến nay gần 500 hộ đã giao mặt bằng cho dự án. Nhiều hộ sau giải toả đã chuyển đến nơi khác sống, không ít căn nhà thành "siêu mỏng" khi giao phần lớn diện tích cho tuyến metro. Ngoài chật hẹp hơn trước, nhiều hộ ở mặt tiền cho biết còn mất nguồn thu lớn từ kinh doanh, cho thuê mặt bằng... Do vậy họ càng nóng lòng bởi sau khi cố gắng thu dọn, giao đất, dự án vẫn "bất động".
12 năm trước, Metro Số 2, từ chợ Bến Thành đi Tham Lương, dài 11 km, được duyệt với tổng mức đầu tư 1,3 tỷ USD (hơn 26.000 tỷ đồng), trở thành tuyến đường sắt đô thị thứ hai ở TP HCM, sau Metro Số 1. Kế hoạch ban đầu, tuyến sẽ hoàn thành từ năm 2016, nhằm giải quyết nhu cầu đi lại từ khu trung tâm đến cửa ngõ Tây Bắc thành phố. Song quá trình triển khai, dự án liên tục gặp vướng mắc dẫn tới đình trệ kéo dài.
Khó khăn đầu tiên là công tác giải tỏa mặt bằng cho dự án. Tuyến đi qua 6 quận: 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú, tổng diện tích giải toả hơn 251.000 m2 với 603 trường hợp bị ảnh hưởng (hiện còn 586 do 17 hộ không đủ điều kiện lập phương án bồi thường). Sau 5 năm được duyệt, tháng 10/2015 TP HCM mới lập tổ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng ở dự án. Tuy nhiên một năm sau đó, việc bồi thường phải dừng do dự án điều chỉnh, cập nhật lại kế hoạch tái định cư.
Năm 2019, Metro Số 2 được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 2,1 tỷ USD (hơn 47.800 tỷ đồng), kế hoạch hoàn thành cũng lùi đến năm 2026. Từ thời điểm trên, việc giải phóng mặt bằng ở dự án được tập trung triển khai, song đến nay tỷ lệ bàn giao mới hơn 85%. Trong đó, vướng mắc chính ở quận 3 do hệ số giá đất mới chưa được duyệt, một số hộ dân chưa chấp nhận giá bồi thường.
Ngoài vướng mắc mặt bằng, quá trình điều chỉnh dự án trước đây kéo dài nên từ tháng 10/2018, hợp đồng tư vấn cho tuyến metro tạm dừng. Điều này dẫn đến các công việc quan trọng như gia hạn các khoản vay, vay mới từ nhà tài trợ; đấu thầu các gói thầu chính... bị chậm trễ bởi điều kiện thực hiện phải có tư vấn.
Trước đó, năm 2012 hợp đồng tư vấn cho Metro Số 2 được Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM (MAUR - chủ đầu tư) ký với liên danh Metro Team Line 2 (tư vấn IC, đứng đầu là công ty của Đức). Hợp đồng có hai giai đoạn: giai đoạn A làm thiết kế, hỗ trợ đấu thầu các gói thầu chính; giai đoạn B giám sát thi công. Thời gian thực hiện giai đoạn A đến cuối năm 2015, song dự án kéo dài nên MAUR đã ký với IC 12 phụ lục giải quyết các phần việc phát sinh. Đến phụ lục số 13 (cập nhật các công việc, hoàn thiện hồ sơ, làm thủ tục với các nguồn vay...), hai bên nhiều lần đàm phán không đạt thỏa thuận.
Tháng 3 năm nay, tư vấn IC đột ngột thông báo chấm dứt hợp đồng khiến MAUR phải tuyển chọn đơn vị thay thế. Điều này ảnh hưởng tiến độ tuyến Metro Số 2, bởi việc tuyển chọn nhà thầu tư vấn mới cần 12-18 tháng. Vì vậy, tuyến tàu điện ngầm được TP HCM xin lùi thời gian khởi công đến năm 2025, hoàn thành năm 2030, chậm thêm 4 năm so với kế hoạch lúc trước.
Metro Số 2 chậm tiến độ dẫn đến 5 hiệp định vay vốn các nhà tài trợ đều hết hạn giải ngân. Trong đó, hai hiệp định vay Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) 240 triệu Euro đang được đề nghị gia hạn. Trong báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị điều chỉnh tiến độ dự án, TP HCM cho biết sẽ tiếp tục trình thẩm định cho vay lại, đề xuất khoản vay cụ thể khi tư vấn CS2B hoàn thành cập nhật thiết kế, dự toán gói thầu, lập hồ sơ mời thầu...
Thành phố cũng cho biết Ngân hàng KfW đã xác nhận khoản tài trợ bổ sung 300 triệu Euro, dự kiến giữa năm sau ký kết để tạm ứng cho gói thầu tư vấn CS2B. Ngân hàng ADB cũng đã có biên bản ghi nhớ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tài trợ một tỷ USD cho Metro Số 2, dự tính ký kết từ năm 2025 để giải ngân cho các gói thầu chính dự án.
PGS. TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển giao thông vận tải, Đại học Việt Đức, cho rằng sự chậm trễ của Metro Số 2 ngoài ảnh hưởng đời sống người dân còn làm giảm uy tín, cơ hội vay vốn nước ngoài. Nhà tài trợ sẽ so sánh, đắn đo khi chọn đối tác. Bên cạnh đó, dự án càng chậm dễ đội vốn vì áp dụng công nghệ phức tạp; chưa kể chi phí giải phóng mặt bằng, nhân công, vật liệu... cũng tăng.
Mặt khác, chuyên gia nhận định việc chậm triển khai Metro Số 2 đã tác động mục tiêu hình thành trục giao thông "xương sống" kết nối trung tâm về phía Tây Bắc, trong bối cảnh các tuyến đường ngày càng quá tải. "Đây là gánh nặng cho xã hội mà hiện chưa đo đếm được qua những con số", ông Tuấn nói, song cho rằng Metro Số 2 không chỉ vấn đề riêng lẻ mà là bài toán chung của phát triển hệ thống đường sắt đô thị trong nước. Theo ông, cần có cơ chế rút ngắn thủ tục cũng như tính toán làm chủ công nghệ, kỹ thuật, giảm chi phí đầu tư cũng tiến độ các dự án được nhanh hơn.
Trong khi đó, theo TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP HCM, thực trạng nhiều năm qua là hầu hết dự án giao thông công cộng lớn thường chậm so kế hoạch. Ông cho rằng mỗi dự án đều vạch ra lộ trình cụ thể từ đầu, nhưng "kỷ luật tiến độ" lại không cao, dẫn đến nhiều công trình liên tục lùi mốc hoàn thành. Do vậy thành phố cần quy trách nhiệm cụ thể, thậm chí chế tài trong quản lý dự án nếu để chậm trễ.
Không chỉ Metro Số 2, tuyến tàu điện đầu tiên của TP HCM - Metro Số 1 khởi công từ 10 năm trước liên tục trễ ngày về đích. Dự án ban đầu dự tính hoàn thành năm 2018, sau đó dời đến 2020-2021 và nay thành phố dự kiến cuối năm sau mới khai thác thương mại.
Gia Minh