Báo cáo Chính phủ về việc chọn nhà thầu xây dựng cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất mỗi gói thầu làm 20-40 km, nhà thầu riêng lẻ thi công hoặc liên danh tối đa 3 nhà thầu tại mỗi gói.
Theo đánh giá của Bộ, giá trị gói thầu này sẽ phù hợp năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu trong nước hiện nay. 10 năm qua, có 48 nhà thầu thi công công trình giao thông cấp II trở lên có kỹ thuật tương tự, giá trị hợp đồng hơn 350 tỷ đồng.
Trường hợp chia tuyến cao tốc thành các gói thầu quy mô từ 5.000 đến 15.000 tỷ đồng, Bộ Giao thông Vận tải đánh giá chỉ có hai nhà thầu đáp ứng yêu cầu trong 10 năm qua. Nếu thành lập liên danh thì tới 5-10 nhà thầu, gây khó khăn cho công tác quản lý dự án.
Theo quy định hiện nay, nhà thầu tham gia phải có chứng chỉ năng lực hạng I đối với công trình đường bộ, chứng chỉ năng lực phù hợp cấp công trình cầu, hầm của gói thầu đang xét. Quan trọng hơn, nhà thầu cần có kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự về mặt kỹ thuật và giá trị gói thầu từng thực hiện tối thiểu bằng 50% giá gói thầu đang xét.
Ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (Varsi), cho rằng việc phân chia gói thầu với giá trị 3.000-5.000 tỷ đồng theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải là tương đối hợp lý. Tuy nhiên, các cấp cần nghiên cứu mô hình tổng thầu, lựa chọn một nhà thầu từng thi công tỷ lệ lớn cao tốc, thay vì chọn liên danh để tối ưu hiệu quả. Tổng thầu sẽ chịu trách nhiệm chỉ huy, huy động nguồn lực, tài chính, lựa chọn thầu phụ có đủ năng lực tham gia gói thầu sao cho công trình đạt được chất lượng tốt nhất.
Trường hợp áp dụng mô hình tổng thầu, giá trị gói thầu có thể được nâng lên cao hơn 5.000 tỷ đồng, thậm chí 10.000 tỷ đồng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp lớn tham gia khối lượng công việc lớn và giảm áp lực cho bộ máy quản lý dự án.
Cũng theo lãnh đạo Varsi, tiêu chí lựa chọn nhà thầu hiện nay xét về giá trị hợp đồng đã thực hiện của nhà thầu. Tuy nhiên, cần xác định hợp đồng nhà thầu đã làm là công trình gì, có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện công trình yêu cầu kỹ thuật cao như cao tốc hay không. Bởi nhà thầu có năng lực mới có thể đưa dự án cao tốc về đích đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.
Dự án cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư ngày 11/1, gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km). Dự án đi qua 12 tỉnh thành, chia làm 12 dự án độc lập với tổng vốn 146.990 tỷ đồng.
Bộ Giao thông Vận tải đã duyệt tổng mức đầu tư các dự án thành phần có giá trị khoảng 7.640 đến 20.500 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp để lựa chọn nhà thầu tương ứng 5.930-15.130 tỷ đồng, gồm công trình đường bộ cấp I, công trình hầm đường bộ và cầu đường bộ từ cấp III trở lên.