Cụ thể, có 5 tuyến buýt kết nối với tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông và 6 tuyến xe buýt điện. Trung tâm cũng điều chỉnh tạm thời lộ trình đối với 35 tuyến buýt theo tổ chức giao thông chung của thành phố và mở rộng vùng phục vụ của xe buýt với 8 tuyến, điều chỉnh thời gian biểu chạy xe đối với 14 tuyến để phù hợp điều kiện vận hành và nhu cầu đi lại của người dân.
Trong 154 tuyến buýt đơn vị đang quản lý có 132 tuyến buýt trợ giá, 8 tuyến buýt không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến City tour.
Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội, mạng lưới xe buýt tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã, kết nối với 7 tỉnh thành lân cận, gồm: Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc.
Hạ tầng phục vụ xe buýt cũng được đầu tư nâng cấp. Tính đến hết tháng 9, hệ thống hạ tầng xe buýt trên địa bàn thành phố gồm 4.396 điểm dừng, 351 nhà chờ, 5 điểm trung chuyển, 120 điểm đầu cuối và 12,9 km đường dành riêng cho xe buýt.
Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng nghiêm trọng của Covid-19, hoạt động vận tải hành khách công cộng phục hồi trở lại. Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội thông tin, lượng khách đi xe buýt tại Hà Nội dần phục hồi từ đầu quý II, tăng 125% so với quý một.
Mới đây để tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, Trung tâm đề xuất Sở Giao thông Vận tải kế hoạch chuyển đổi và dự trù kinh phí đầu tư phương tiện sử dụng năng lượng xanh. Theo kế hoạch đề xuất lộ trình phát triển 4.800 xe buýt điện, giai đoạn 2023-2030. Dự kiến mỗi năm, Hà Nội sẽ đưa vào sử dụng 600 xe buýt điện.
Theo đơn vị, đề xuất được tính toán dựa theo chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane của ngành giao thông vận tải, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; đến năm 2050, 100% xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.
Còn theo đề xuất của Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), dự kiến đến 2025, Hà Nội tiếp tục điều chỉnh lộ trình 52 tuyến xe buýt để hợp lý hóa mạng lưới và mở rộng vùng phục vụ. Trong đó, có 15 tuyến điều chỉnh để giảm trùng tuyến và tăng kết nối tại các nhà ga khi các tuyến đường sắt đô thị hoạt động. Điều chỉnh tần suất dịch vụ cho 23 tuyến buýt hiện có.
Tương ứng sẽ có 90-100 tuyến buýt được mở mới, trong đó, có 10 tuyến buýt phục vụ học sinh, sinh viên, công nhân... Cùng với 154 tuyến buýt hiện có, sẽ nâng tổng số tuyến trên địa bàn thành phố đến năm 2025 lên 220-230 tuyến. Để đáp ứng các tuyến mở mới, đơn vị sẽ tăng cường từ 1.600-1.800 xe mới, nâng tổng số phương tiện hoạt động buýt lên 3.400-3.800 xe.
Thế Đan