Báo cáo sáng nay của Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung – Tây Nguyên chi biết, mưa lũ đã làm 2 người thiệt mạng, trong đó một nạn nhân ở Quảng Trị bị nước cuốn khi đi làm rẫy tại thượng nguồn sông Đăk Rông lúc 11h ngày 18/9 vẫn chưa xác minh được danh tính.
Tại tỉnh Quảng Ngãi có 3 tàu thuyền bị chìm ở đảo Lý Sơn do neo đậu quanh đảo có sóng to, gió lớn; 166 ha hành bị hư hỏng, 2 ha cây keo ở huyện Trà Bồng bị thiệt hại.
Trong khi đó, vùng hạ du thủy điện của huyện Đại Lộc, Quảng Nam hiện bị cô lập hoàn toàn do đường xá ngập trong nước sau cơn bão số 8.
Còn tại xã Ea Rốc, huyện Ea Súp, Đăk Lăk, có một người chết trên cây chưa rõ nguyên nhân. Tại xã Cư Kbang có 11 người mất tích. Hiện chính quyền địa phương đang xác định danh tính nạn nhân và nỗ lực tìm kiếm. 50 người dân đi làm rẫy do nước suối lên nhanh, không kịp về đã bị cô lập. Ban phòng chống lụt bão huyện đã tổ chức lực lượng ứng cứu và đưa về nơi an toàn 37 người, còn 13 người kẹt lại đến 2h chiều ngày 18/9 đã được đưa về an toàn.
Đập EaĐrăng tại thị trấn EaĐrăng (huyện Ea H'leo) nước tràn qua thân đập, gây sạt lở nhỏ ở thân đập nên địa phương đã mở cửa xả tràn, để hạ mực nước hồ. Còn ở Đập 86, xã Ea Ral bị vỡ một đoạn 2 m, đang được khắc phục. Mưa lũ gây ngập cục bộ quốc lộ 14 tại cầu EaKhal; ngập một số đoạn trên tuyến đường Tỉnh lộ 1 và một số tuyến đường liên xã của các huyện EaSúp, Ea H'leo.
Tại tỉnh Kon Tum, có 14 ngôi nhà tại huyện Ea H'leo bị cuốn trôi, 71 ngôi nhà khác bị ngập, hơn 80 ha lúa, cà phê và hoa màu bị hư hỏng.
Cũng tại tỉnh này, sau những ngày liên tục mưa lớn, đập tràn Ya Ve có nguy cơ vỡ.
Ghi nhận hiện trường sáng 19/9, mưa lớn đã làm xói lở ở khu vực hạ nguồn đập Ya Ve huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum với chiều dài gần 50 m, rộng khoảng 5 m. Theo ước tính có tới hơn 750 m3 đất, đá bị nước cuốn trôi. Con đập này được xây dựng từ năm 1994 và đưa vào sử dụng năm 1998, bờ đập tràn là con đường huyết mạch đi vào thôn Bình Loon và khu sản xuất của 4 thôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Sa Bình.
Ông A Klơn, người dân thôn Bình Loon cho biết, hiện nước đã dâng qua đập tràn, rất nguy hiểm đến tính mạng người dân, đặc biệt các cháu học sinh. Theo dự báo, trong những ngày tới, trời vẫn tiếp tục mưa, nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời, tình trạng xói lở ở khu vực hạ lưu thì nguy cơ vỡ đập tràn là không tránh khỏi.
"Nếu đập tràn Ya Ve bị vỡ, gần 100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Bình Loon sẽ bị cô lập. Còn người dân tại các thôn lân cận như Lung Leng, Khúc Na, Kà Bầy… cũng không thể vận chuyển hàng nông sản ra khỏi khu sản xuất, trong khi hiện nay đang vào mùa thu hoạch mỳ", ông A Klơn nói.
Ông Nguyễn Minh Thuận - Chủ tịch UBND xã Sa Bình cho biết, xã đã báo cáo lên huyện để có phương án gia cố lâu dài đối với đập tràn này nhằm đảm bảo giao thông trên địa bàn của xã. Trước mắt, UBND xã đã yêu cầu các trường học có học sinh ở thôn Bình Loon cần phải cử giáo viên đưa, dẫn học sinh qua đoạn đập tràn này; đồng thời xây dựng hàng rào để hướng các phương tiện giao thông không đi gần phía bị xói lở. Bên cạnh đó, xã cũng cử cán bộ dân quân tự vệ tới hiện trường để cắm các biển báo và tuyên truyền người dân không nên đi qua đập tràn vào ban đêm, hoặc lúc trời đang mưa lớn.
* Ảnh: Một phần tỉnh Quảng Nam bị cô lập
Nguyễn Đông - Đắc Vinh