Núi lửa Marapi cao 2.891 mét trên đảo Sumatra phun trào hôm 3/12, tạo cột tro bụi cao 3.000 mét lên không trung. Quan chức cứu hộ cho biết có tất cả 75 người leo núi vào thời điểm núi lửa phun trào và 49 người được sơ tán khỏi khu vực.
"26 người chưa được sơ tán, chúng tôi đã tìm thấy 14 người trong số họ, ba người còn sống và 11 người đã chết", Abdul Malik, lãnh đạo Cơ quan Tìm kiếm và Cứu hộ Padang, ngày 4/12 cho biết.
Lực lượng cứu hộ Indonesia đang tiếp tục tìm kiếm 12 người còn lại. Cơ quan bảo tồn tài nguyên thiên nhiên Tây Sumatra cho biết các đội cứu hộ đã làm việc suốt đêm để đưa những người leo núi xuống nơi an toàn.
"Một số người bị bỏng do nhiệt độ cao ở gần miệng núi lửa và đang được điều trị y tế", Rudy Rinaldi, người đứng đầu cơ quan giảm nhẹ thiên tai Tây Sumatra nói.
Người đứng đầu Trung tâm Giảm thiểu Nguy cơ Núi lửa và Địa chất Hendra Gunawan giải thích rằng vụ phun trào Marapi xảy ra đột ngột. Hoạt động địa chấn không gia tăng kể từ lần phun trào gần nhất của ngọn núi vào đầu năm nay.
Cơ quan chức năng đã phát cảnh báo mức ba trên thang 4 cấp độ và thiết lập một khu vực phong tỏa quanh ngọn núi sau khi Marapi phun trào. Các cộng đồng xung quanh núi lửa Marapi và khách du lịch không được phép tiếp cận trong bán kính 3 km tính từ miệng núi.
Indonesia thường xuyên trải qua các trận động đất và phun trào núi lửa do nằm trên "vành đai lửa", vòng cung hoạt động địa chấn dữ dội, nơi các mảng kiến tạo va chạm kéo dài từ Nhật Bản qua Đông Nam Á và lưu vực Thái Bình Dương. Quốc gia Đông Nam Á này có gần 130 ngọn núi lửa đang hoạt động. Marapi là ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất trên đảo Sumatra.
Hồi tháng 5, Merapi, ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất Indonesia nằm trên đảo Java, đã phun dung nham trong bán kính hai km tính từ miệng núi.
Huyền Lê (Theo Reuters, AFP)