"Cột tro bụi được quan sát có màu xám, khá dày đặc và nghiêng về phía đông", Hendra Gunawan, lãnh đạo Trung tâm Núi lửa và Giảm thiểu Nguy cơ Địa chất Indonesia, cho biết.
Núi lửa Marapi cao 2.891 m nằm trên đảo Sumatra của Indonesia phun trào vào 2h54 ngày 3/12. Đến nay, chưa có bất kỳ báo cáo thiệt hại nào về người. Cơ quan chức năng đã phát cảnh báo mức ba trên thang 4 cấp độ và thiết lập một khu vực phong tỏa quanh ngọn núi.
"Các cộng đồng xung quanh núi lửa Marapi và khách du lịch không được phép tiếp cận trong bán kính 3 km tính từ miệng núi", Gunawan cho hay.
Theo Ahmad Rifandi, một quan chức tại trạm giám sát núi Marapi, họ cũng ghi nhận mưa tro bụi trong khu vực sau vụ phun trào.
"Mưa tro bụi đã lan đến thành phố Bukittinggi", ông nói, đề cập đến thành phố lớn thứ ba ở Tây Sumatra với dân số hơn 100.000 người. "Hy vọng những người ở gần núi Marapi sẽ đội mũ, đeo kính và đeo khẩu trang đầy đủ".
Indonesia thường xuyên trải qua các trận động đất và phun trào núi lửa do nằm trên "vành đai lửa", vòng cung hoạt động địa chấn dữ dội, nơi các mảng kiến tạo va chạm kéo dài từ Nhật Bản qua Đông Nam Á và lưu vực Thái Bình Dương. Quốc gia Đông Nam Á này có gần 130 ngọn núi lửa đang hoạt động. Marapi là ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất trên đảo Sumatra.
Hồi tháng 5, Merapi, ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất Indonesia nằm trên đảo Java, đã phun dung nham trong bán kính hai km tính từ miệng núi.
Vũ Hoàng (Theo AFP)