Cuộc đấu tranh sinh tồn của đội bay gồm 6 thành viên trong Thế chiến thứ II đã được ghi chép chi tiết trong cuốn nhật ký của cơ trưởng - Trung úy Eric Hartley, Telegraph cho biết.
Câu chuyện bắt đầu từ tháng 9/1943 khi phi đội của Hartley vừa đánh chìm chiếc tàu ngầm "sát thủ" của hải quân Đức do thuyền trưởng có biệt hiệu Bá tước Dracula chỉ huy. Trước đó, chiếc tàu "sát thủ" này đã phá hủy 11 tàu chiến của quân Đồng minh.
Đội bay do Hartley chỉ huy ban đầu có 8 thành viên, gồm cơ phó Thượng úy Roger Mead, chuyên viên hoa tiêu- trung sĩ T Bach, kỹ sư – trung sĩ George Robertson, pháo thủ tầm trung – trung sĩ Ken Ladds, chuyên viên liên lạc không dây – trung sĩ A Fox, pháo thủ yểm trợ sau - trung sĩ Robert Triggol, pháo thủ yểm trợ trước – trung sĩ Maldwyn Griffiths và Hartley.
Khi đang giao chiến, máy bay ném bom Halifax mà họ đang điều khiển trúng đạn; cả chiếc máy bay nhanh chóng bốc cháy ngùn ngụt và rơi xuống Đại Tây Dương, cách Ireland hơn 643 km về phía tây nam.
Hai thành viên thiệt mạng, 6 người còn lại cố gắng trèo lên xuồng cứu hộ trước khi máy bay chìm mà không kịp lấy dụng cụ cứu hộ cần thiết vì máy bay rơi quá nhanh.
Trong 11 ngày lênh đênh trên biển, họ phải chống chọi lại những đợt sóng khổng lồ. Ai cũng phải giữ mình luôn tỉnh táo bằng cách té nước vào mặt và phải liên tục dùng ủng tát nước biển ra khỏi xuồng.
Không một chút thức ăn ngoài vài mẩu chocolate sũng nước, họ đành dùng quần lót vợt cá và lấy khăn tay hứng nước mưa để uống. Tuy nhiên, những thứ mà họ vợt được chỉ là những con sứa nhầy nhụa và mặn chát, không thể ăn nổi, đành phải vứt lại xuống biển.
Mặc dù vậy, ai cũng cố giữ tinh thần lạc quan bằng cách cầu nguyện hai lần một ngày. Họ đợi ở gần khu vực rơi máy bay trong khoảng một tuần với hy vọng đội tìm kiếm sẽ phát hiện ra. Hai thành viên trong đội bắt đầu rơi vào tình trạng mê sảng trầm trọng và cần được chăm sóc.
Niềm hy vọng dần tan biến khi họ nhận ra không có đội tìm kiếm nào được phái tới hiện trường. Nhóm người quyết định buộc áo lại làm cánh buồm giong xuồng về phía đông, hướng tới các tuyến đường thủy vận. 4 ngày sau, họ được tàu chiến của Hải quân Hoàng gia vùng biên Plymouth phát hiện và tiếp đón như những người hùng.
Trước đó, lực lượng không quân Hoàng gia Anh đã gửi một bức thư về gia đình của ông Hartley, xác nhận rằng ông đã mất tích khi đang thực hiện nhiệm vụ.
Sau 73 năm, câu chuyện phi thường của những người hùng này mới được hé lộ khi gia đình ông Hartley quyết định bán cuốn nhật ký của mình, cùng bức thư, huân chương và tấm ảnh đen trắng chụp lại thời điểm phi đội được cứu sống.
Chuyên gia mỹ thuật tại phòng đấu giá tranh Wright Marshall – ông Simon Nuttal nhận định: "Đây là bộ sưu tập đặc biệt nhất từ trước đến nay bởi nó mang đến một câu chuyện phi thường về chủ nghĩa anh hùng và sự sống còn".
"Những dòng nhật ký hải trình, nhật ký hàng ngày hay những bức thư tay, điện tín chứa đựng gần như tất cả mọi cảm xúc của họ. Chẳng ai có thể hình dung hết được cảm giác thất vọng và tuyệt vọng của những người đàn ông này khi nhận ra không có ai tới cứu trợ mình trong khi không còn một chút thức ăn, nước uống".
Kim Dung