Thông tin Bộ Công Thương chỉ khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự dùng tại công sở, nhà ở được nhiều độc giả quan tâm. Độc giả long.ussh nói về ưu điểm ít hơn nhược điểm của pin năng lượng mặt trời mà gia đình đã đầu tư:
"Nhà tôi lắp một dàn pin năng lượng mặt trời, ban đầu được cam kết chạy ổn định 15 năm.
Dùng tầm 5 năm đầu khá ổn, nhưng sau đó công suất yếu dần vì hiệu năng pin giảm (kể cả lên vệ sinh sạch bụi hàng tuần). Đến năm thứ bảy thì gần như chỉ còn sử dụng để chiếu sáng.
Đầu tư 100 triệu đồng (ngang bằng tiền điện mua) mà cũng xác định chỉ dùng ổn được trong 10 năm thì cũng không có gì đặc biệt (trừ vài ngày mất điện không phải nghĩ).
Tôi nghĩ dùng năng lượng mặt trời cung cấp điện cho các giàn chiếu sáng đơn giản thì được, chứ dùng thay lưới điện là không khả thi".
Theo Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, đến 2030 có 50% các tòa nhà công sở, 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).
Quy hoạch này cũng đề cập cần có phương án ưu tiên, chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân, mái công trình xây dựng, nhất là khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc, và điện mặt trời tự sản, tự tiêu.
Độc giả Tuan Hoang nêu khó khăn trong việc lắp giàn năng lượng mặt trời mái nhà "tự sản, tự tiêu":
"Nhu cầu sử dụng điện chủ yếu là ban đêm vì ban ngày người dân đi làm. Nếu nạp điện ban ngày để ban đêm dùng thì người dân phải đầu tư pin lưu trữ rất tốn kém mà tuổi thọ không cao. Chưa kể rác thải từ pin, ắc quy cũng sẽ là vấn đề nan giải cho thế hệ sau, vậy nên lắp giàn năng lượng mặt trời mái nhà tự nạp tự tiêu gặp rất nhiều khó khăn".
Bạn đọc sangdonghung đồng quan điểm: "Sẽ có ít hộ dân đầu tư điện mặt trời áp mái theo kiểu tự sản, tự tiêu vì không hiệu quả so với chi phí đầu tư. Ban ngày họ đi làm ít dùng nên phải đầu tư lưu trữ tốn kém".
Độc giả có nickname Bẩy cho rằng để khuyến khích người dân lắp điện mặt trời, cần có cơ chế để họ bán điện dư thừa:
"Không cần phải ưu đãi thuế phí, chỉ cần EVN mua số điện dư thừa với giá bằng 30-50% giá hộ dân mua của EVN là đã kích thích tăng trưởng mạng lưới lắp đặt điện mặt trời liền, với điều kiện lượng đẩy lên lưới nhỏ hơn 50% lượng điện tiêu dùng mỗi tháng. Người dân dùng điện mặt trời lưu trữ thì không bao giờ bù được chi phí đầu tư, đến khi hư ắc quy lưu trữ có khi còn chưa lấy lại được tiền vốn".
Độc giả Cao Jawa đánh giá: "Điện gió, điện mặt trời có nhược điểm là không ổn định, khi cần thì không đủ tải, khi công suất phát tăng thì dùng không hết, nguồn lên xuống theo nắng mưa.
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.