Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và sẽ chuyển đại sứ quán Mỹ tới thành phố này. Quyết định của Trump lập tức làm dấy lên nhiều tranh cãi và giới chuyên gia dự đoán động thái này có thể gây thêm nhiều bất ổn với "thành phố thiêng" Jerusalem vốn đã trải qua nhiều biến động suốt 100 năm qua.
Theo NYTimes, Jerusalem là thành phố cổ đại được xây dựng vào năm 2000 trước Công nguyên và đã trải qua nhiều cuộc xung đột trong hàng nghìn năm tồn tại. Tuy nhiên, lịch sử xung đột hiện đại của thành phố chỉ bắt đầu cách đây đúng 100 năm, khi tướng Edmund Allenby của quân đội Anh chiếm Jerusalem từ tay đế quốc Ottoman vào tháng 12/1917, mở ra một thế kỷ máu và lửa bắt nguồn từ chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa dân tộc và bài Do Thái.
Jerusalem được coi là thánh địa của ba tôn giáo lâu đời bậc nhất thế giới gồm đạo Do Thái, đạo Cơ Đốc và đạo Hồi. Với tên gọi Yerushalayim trong tiếng Hebrew hay al-Quds trong tiếng Arab, Jerusalem là một trong những thành phố cổ nhất trên thế giới, chứa đựng những công trình linh thiêng của các tôn giáo.
Ở đây có Vòm Đá thiêng của người Hồi giáo, được cho là nơi nhà tiên tri Mohammed lên thiên đàng, cùng thánh đường Al-Aqsa, một trong những nơi linh thiêng nhất của người Hồi giáo. Cạnh đó là Bức tường Than khóc, nơi hàng triệu tín đồ Cơ đốc giáo hàng năm vẫn hành hương theo con đường mà Chúa Jesus đã đi trước khi bị đóng đinh và thăm Nhà thờ Mộ Thánh được các hiệp sĩ Thập tự chinh xây dựng vào thế kỷ 12 trên ngôi mộ của Chúa, theo USA Today.
Nằm trên nơi từng được gọi Vùng đất Palestine, Jerusalem là nơi cư ngụ của dân Do Thái, Hồi giáo và Arab. Vùng đất này liên tục đổi chủ qua các cuộc tranh đoạt của các đế quốc, trong đó những cuộc đàn áp của đế quốc La Mã đã khiến người Do Thái phải rời bỏ mảnh đất, tha hương trên khắp thế giới. Khi đế quốc Ottoman kiểm soát Vùng đất Palestine từ năm 1517, dân số thành phố Jerusalem chủ yếu là người Arab.
Tuy nhiên, trong suốt hàng nghìn năm, Jerusalem không được bất kỳ đế quốc nào coi là thủ đô. Chỉ đến khi chiếm Jerusalem, người Anh mới biến nó thành thủ đô của vùng đất thuộc địa này, theo giáo sư Yehoshua Ben-Arieh, chuyên gia sử học tại Đại học Hebrew.
Trong ba thập kỷ người Anh cai trị Jerusalem, người Do Thái bắt đầu đổ về thành phố này với ước mơ phục quốc, trong khi người Arab bản địa dần thích nghi với thực tế rằng đế quốc Ottoman đã sụp đổ.
"Điều nghịch lý là khi đó người Do Thái lại cố né xa Jerusalem, đặc biệt là khu Thành Cổ", Amnon Ramon, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chính sách Jerusalem, cho biết. "Thứ nhất là do Jerusalem được coi là biểu tượng của người Do Thái hải ngoại, thứ nữa là do các địa điểm linh thiêng của người Cơ Đốc và người Hồi giáo ở đây sẽ khiến việc xây dựng quốc gia Do Thái với thủ đô Jerusalem trở nên phức tạp hơn".
Những người Do Thái phục quốc đầu tiên chú trọng hơn vào Tel Aviv, thành phố mới được xây dựng trên một ngọn đồi, biểu tượng cho sự hiện đại. Trong khi đó, người Arab bản địa vẫn chưa vượt qua được cú sốc trước sự sụp đổ của đế chế Ottoman và đang điều chỉnh lại xã hội. Tầng lớp quý tộc Palestine ở Jerusalem nổi lên như những người lãnh đạo cho phong trào dân tộc Palestine và dần lâm vào thế đối đầu với những người Do Thái trở về phục quốc.
Tình trạng đối đầu giữa người Arab bản địa và người Do Thái di cư bùng lên thành nhiều cuộc nổi loạn đẫm máu, khi người Do Thái phản đối lệnh hạn chế nhập cư do người Anh thiết lập vào năm 1939.
Năm 1947, Liên Hợp Quốc thông qua phương án hai nhà nước, một Do Thái, một Arab, với Jerusalem được cai quản bởi một "chế độ quốc tế đặc biệt".
Thành phố chia đôi
Các nước Arab phản đối phương án này của Liên Hợp Quốc và phát động một cuộc tấn công vào Israel chỉ một ngày sau khi nhà nước non trẻ này tuyên bố độc lập vào năm 1948, nhưng họ nhanh chóng bị đánh bại. Trong tình trạng hỗn loạn và bạo lực đẫm máu giữa hai bên, rất nhiều người Do Thái và người Arab đã bị mất nhà cửa.
Sau cuộc chiến, Jerusalem bị chia thành hai phần: Tây Jerusalem thuộc về nhà nước Israel và trở thành thủ đô của nước này theo điều luật được thông qua vào năm 1950, trong khi Đông Jerusalem, bao gồm khu Thành Cổ, nằm dưới quyền kiểm soát của Jordan.
Theo Michael Dumper, giáo sư về chính trị Trung Đông tại Đại học Exeter ở Anh, sự phân chia này trở thành động lực đấu tranh của người Palestine. Israel lúc này đang tập trung xây dựng khu vực duyên hải như Haifa, Tel Aviv và Ashkelon thành khu thương mại thịnh vượng, trong khi Jordan chỉ chú trọng vào sự phát triển của thủ đô Amman.
Năm 1964, Liên đoàn Arab thành lập Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) nhằm đương đầu với Israel và đòi quyền lợi thành lập một nhà nước độc lập cho người Palestine. PLO vào tháng 11/1988 tuyên bố thành lập "Nhà nước Palestine" trên "lãnh thổ Palestine" nhưng không nêu cụ thể. "Nhà nước Palestine" sau đó được nhiều quốc gia trên thế giới công nhận.
Dưới sức ép của Liên Hợp Quốc và các cường quốc châu Âu, Israel thời kỳ này chấp nhận ý tưởng để quốc tế kiểm soát Jerusalem và tìm kiếm một thủ đô mới, chẳng hạn như Herzliya hay một thành phố ở miền nam. Họ còn nhận thấy rằng việc không kiểm soát các thánh địa ở Jerusalem còn giúp họ rảnh tay giải quyết những vấn đề hệ trọng khác, theo chuyên gia Ramon.
Các nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, cũng tuân thủ nghị quyết của Liên Hợp Quốc và không chọn Jerusalem mà chọn Tel Aviv để đặt đại sứ quán.
Cuộc chiến bước ngoặt
Không sự kiện nào định hình cuộc xung đột đẫm máu ở Jerusalem nhiều hơn Chiến tranh Arab – Israel nổ ra năm 1967, trong đó Israel không chỉ đánh bại liên quân các nước Arab mà còn chiếm Dải Gaza và Bán đảo Sinai của Ai Cập, Bờ Tây và Đông Jerusalem của Jordan cũng như Cao nguyên Golan của Syria.
"Cuộc chiến năm 1967 giúp người Israel vượt qua nỗi lo sợ bại trận và đạt được cảm giác rằng họ có thể làm được mọi thứ. Việc chiếm được khu Thành Cổ cũng tác động rất lớn đến cảm xúc của người Israel", Menachem Klein, nhà khoa học chính trị tại Đại học Bar-Ilan ở Israel, nhận xét.
Hình ảnh lính Israel cầu nguyện tại Bức tường Than khóc mà họ từng bị cấm đến gần trong thời kỳ người Jordan kiểm soát Đông Jerusalem đã khắc sâu vào ý thức dân tộc của người Israel. "Jerusalem trở thành tâm điểm của lòng sùng đạo chưa từng tồn tại trước đây", Rashid Khalidi, giáo sư nghiên cứu về Arab hiện đại tại Đại học Columbia, nói. "Điều đó đến nay đã được nâng lên đến mức độ chưa từng có khi chủ nghĩa dân tộc tôn giáo cứng rắn trở thành chủ đạo trong nền chính trị Israel, với Bức tường Than khóc là tâm điểm".
Chiến thắng của đảng Likud thân hữu năm 1977 đã củng cố niềm tin rằng Jerusalem là một phần trong bản sắc Israel và mang ý nghĩa biểu tượng ngày càng quan trọng. Năm 1980, quốc hội Israel thông qua đạo luật tuyên bố "Jerusalem, toàn vẹn và thống nhất, là thủ đô của Israel", dù nước này không sáp nhập Đông Jerusalem, động thái có thể khiến cộng đồng quốc tế nổi giận.
Hiệp ước Oslo
Hiệp ước hòa bình Oslo ký năm 1993 tạo ra Nhà cầm quyền Palestine quản lý Bờ Tây và dải Gaza, nhưng không đề cập đến những vấn đề cốt lõi như biên giới, người tị nạn và địa vị của Jerusalem. Gần một phần tư thế kỷ từ khi đó, triển vọng về một giải pháp hòa bình cho Jerusalem ngày càng trở nên xa vời.
Khi chính trị gia cánh hữu Ariel Sharon thăm Núi Đền, nơi có thánh đường Al Aqsa và Vòm đá Linh thiêng của người Hồi giáo vào năm 2000, những cuộc đụng độ đẫm máu nổ ra, kéo theo phong trào nổi dậy của người Palestine khiến khoảng 3.000 người Palestine và 1.000 người Israel thiệt mạng trong 5 năm.
Người Palestine cho rằng người định cư Do Thái đã lấn sâu vào Đông Jerusalem và chính quyền Israel khiến vấn đề trầm trọng hơn khi hủy bỏ giấy tờ tùy thân cấp cho người Arab ở Jerusalem. Tuy nhiên, người Arab vẫn chiếm 30-40% dân số của Jerusalem.
"Toàn thể cộng đồng quốc tế đều coi việc Israel sáp nhập và xây dựng khu định cư ở Đông Jerusalem từ năm 1967 là bất hợp pháp và từ chối công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel", giáo sư Khalidi cho biết. "Khi Trump thay đổi điều này, với tầm quan trọng của Jerusalem đối với người Arab và Hồi giáo, thật khó để một thỏa thuận bền vững giữa Palestine và Israel hay bình thường hóa quan hệ giữa Israel với các nước Arab có thể diễn ra".
Bình luận viên Marya Hannun của Slate thì gọi quyết định này của Trump là động thái "đùa với lửa", cảnh báo nó có thể châm ngòi cho một phong trào nổi dậy nữa của người Palestine, khiến bạo lực tiếp tục bùng lên ở vùng đất đã chứng kiến quá nhiều máu và lửa này.
Trí Dũng