GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết thông tin trên tại hội nghị tổng kết kỳ thi HSA, sáng 22/8. Đây là lần đầu, dữ liệu này được công bố.
Trường THPT chuyên Bắc Ninh năm qua có 206 lượt thí sinh dự thi. Mức điểm cao nhất là 122/150, thấp nhất là 51. Điểm trung bình là 89,5.
Hai vị trí tiếp theo là trường THPT chuyên Vĩnh Phúc và chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội với điểm trung bình lần lượt là 87,7 và 87,6.
Top 10 còn có trường THPT Lê Hồng Phong (Nam Định), chuyên Bắc Giang, Thanh Miện II (Hải Dương), Nguyễn Trãi (Hải Dương), chuyên Lương Văn Tụy Ninh Bình), chuyên Hưng Yên, chuyên Thái Nguyên.
Hai trường không chuyên trong top 10 đều ở tỉnh Hải Dương.
Xét theo địa phương, tỉnh có điểm thi trung bình HSA của học sinh cao nhất là Nam Định và Vĩnh Phúc, cùng 79/150. Tuy nhiên, số lượt thí sinh dự thi của Nam Định là gần 6.900, nhiều hơn 3.000 so với Vĩnh Phúc.
Các tỉnh khác trong top 10 gồm Thái Bình, Ninh Bình, Hải Dương, Bắc Ninh, Phú Thọ, Hải Phòng, Bắc Giang, Thanh Hóa, đều từ 76,5 điểm trở lên.
Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (HSA) là một trong hai kỳ thi riêng lớn nhất cả nước, khoảng 90 trường đại học sử dụng kết quả để xét tuyển đầu vào. Năm nay, kỳ thi gồm 6 đợt với hơn 100.600 lượt thí sinh tham gia.
Bài thi HSA gồm 3 phần: Toán học và xử lý số liệu (50 câu hỏi, 75 phút); Ngôn ngữ - Văn học (50 câu hỏi, 60 phút); Khoa học (50 câu hỏi, 60 phút). Điểm tổng của bài thi là 150, thời gian làm bài chính thức 195 phút.
Phổ điểm năm 2024 của kỳ thi được đánh giá có dạng phân phối chuẩn với trung vị là 76. Điểm trung bình của các thí sinh là 76,5.
Hai nữ sinh đạt điểm cao nhất - 129, đều ở Hà Nội, là Nguyễn Thanh Ngọc (THPT Kim Liên) và Nguyễn Mai Trúc (THPT Chương Mỹ A). Mức này thấp hơn 4 điểm so với thủ khoa năm ngoái.
Từ năm 2025, kỳ thi có một số thay đổi về cấu trúc đề, cách đặt câu hỏi nhằm phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.